Từ những ngày đầu nhậm chức Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 8-2010, ông Lê Thành Ân đã định hướng nhiệm vụ của mình và Lãnh sự quán Hoa Kỳ là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đồng thời chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục và xã hội qua các hoạt động từ thiện.
Thời gian qua, hình ảnh của ông đã không còn xa lạ với người Việt vì ông thường xuyên có mặt trong các chương trình hướng dẫn du học Hoa Kỳ cho sinh viên Việt Nam tại khắp các tỉnh thành. Ông còn xuất hiện giản dị trong nhiều chương trình từ thiện, đặc biệt là hóa trang thành ông già Noel để tặng quà cho trẻ em nghèo vào các dịp Giáng sinh. Nhiệm kỳ ba năm của vị tổng lãnh sự sắp kết thúc, DNSGCT đã có buổi trò chuyện về những kết quả ông đã đạt được sau hơn hai năm sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Xin ông chia sẻ về những thành quả đã gặt hái được trong mục tiêu phát triển mối quan hệ văn hóa, giáo dục và xã hội mà ông theo đuổi?
Tôi ở đây với vị trí một người đại diện của chính phủ Hoa Kỳ để thực hiện các chính sách đối ngoại ưu tiên của Mỹ tại đây nhằm thúc đẩy mối quan hệ hai nước. Vì vậy, tôi biết là có rất nhiều người kỳ vọng vào cá nhân tôi và tôi sẽ nỗ lực hết mình để làm tốt nhiệm vụ.
Ba lĩnh vực văn hóa, giáo dục và hoạt động cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển một quốc gia, đặc biệt là giáo dục. Ngày nay, tất cả chúng ta đều hiểu rằng giáo dục không còn là phúc lợi xã hội mà thực sự là một yếu tố hàng đầu phát triển kinh tế, xã hội và thể hiện sức mạnh của quốc gia. Đầu tư cho giáo dục đồng nghĩa với đầu tư cho sự phát triển đất nước, nhất là ở các nước kinh tế chưa phát triển mạnh. Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là tập trung phát triển hợp tác giáo dục hai nước, tìm cách giúp sinh viên Việt Nam có năng lực và đủ tiêu chuẩn nhận được cơ hội giáo dục ở Mỹ.
Nỗ lực của ông trong việc giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội du học tại Mỹ đã đạt được những kết quả gì?
Những nỗ lực của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam trong đó có cá nhân tôi trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước đã có những kết quả đáng kể. Ngoài việc tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ, chúng tôi còn xây dựng các chương trình liên kết đào tạo như chương trình giữa USAID (Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ), Intel và Đại học bang Arizona, tập trung đào tạo kỹ sư bậc đại học. Hiện Việt Nam có khoảng 15.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Mỹ, chủ yếu tập trung vào các ngành: quản trị kinh doanh, khoa học máy tính, kỹ thuật, quản lý khách sạn… Hàng trăm học giả và cựu sinh viên cũng được tham gia chương trình học bổng Fulbright và các chương trình của Quỹ Giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ (VEF).
Sự xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm tư vấn du học khiến cho sinh viên rất khó khăn trong việc lựa chọn một nơi tư vấn uy tín. Ông có lời khuyên nào cho vấn đề này không?
Các trung tâm tư vấn du học thường là đại diện của một trường hoặc một nhóm trường ở Mỹ. Các đơn vị trung gian này sẽ không đảm bảo sinh viên được nhận vào học hay được cấp visa du học. Vì vậy, phụ huynh và sinh viên cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng với bất kỳ một trung tâm tư vấn nào.
Mọi thông tin về du học Mỹ đều có đầy đủở Trung tâm Tư vấn giáo dục Mỹ (Education USA) tại TP.HCM và Hà Nội. Đây là nơi cung cấp các thông tin toàn diện, khách quan và chính xác về các cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ, thông tin về visa, cách thức tiếp cận các cơ hội học tập, học bổng… Mọi người nên đến đây để được tư vấn miễn phí thay vì phải tốn tiền để nhận được các thông tin không chính xác ở các trung tâm tư vấn không có uy tín.
Nhiều sinh viên than phiền rằng việc phỏng vấn visa quá khó mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết…
Để phỏng vấn visa thì không chỉ chứng minh về tài chính và các loại giấy tờ liên quan mà còn phải có sự trung thực. Sau nhiều lần phỏng vấn mà vẫn không được cấp visa có lẽ vì người phỏng vấn nhận thấy thái độ không thành thật ở sinh viên. Các thành viên của đại sứ quán cũng không hài lòng khi phát hiện ra các giấy tờ giả hoặc những người học thuộc lòng câu trả lời khi đi phỏng vấn.
Làm thế nào để khuyến khích sinh viên trở về nước sau khi tốt nghiệp?
Theo tôi, có rất nhiều sinh viên mong muốn trở về để góp sức phát triển kinh tếở quê nhà. Nhưng họ chỉ trở về nếu nền kinh tế Việt Nam lạc quan hơn để họ có nhiều cơ hội việc làm tốt. Vì vậy, đẩy lùi tham nhũng và phát triển kinh tế chính là cách để khuyến khích sinh viên trở về.
Chính phủ hiện đang tìm kiếm những biện pháp phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Theo ông thì đâu là những khó khăn mà học sinh, sinh viên ở những vùng này đang gặp phải?
Những khó khăn của sinh viên vùng sâu, vùng xa là thiếu thông tin, thiếu nguồn tài chính và hạn chế về khả năng tiếng Anh.
Ông và Tổng lãnh sự quán đã làm gì để hỗ trợ cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa?
Chúng tôi đã tặng sách và tài liệu giáo dục cho khoảng 30 trường ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong đó có rất nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa. Thư viện của Trung tâm Hoa Kỳ đã cung cấp các thông tin về giáo dục cho hơn 30.000 lượt người, đặc biệt là cho những sinh viên ở những nơi thiếu điều kiện tiếp cận. Phái bộ Hoa Kỳ đã cử các chuyên gia đến giảng dạy tại các trường đại học trên khắp cả nước nhằm cải thiện chương trình và kỹ năng giảng dạy đồng thời áp dụng các công cụ mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh như trang web tiếng Anh Mỹ mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chuyên gia tư vấn giáo dục của chúng tôi cũng tích cực giúp đỡ sinh viên ở những vùng còn khó khăn tìm kiếm thông tin học bổng để có cơ hội học tập và tu nghiệp tại Mỹ.
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ
Là người Mỹ gốc Việt, chắc hẳn ông đã có những điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận văn hóa Việt Nam. Vậy theo ông, văn hóa Việt Nam có những giá trị đặc sắc gì chưa được phát huy?
Đúng vậy. Trở về Việt Nam sau hơn bốn mươi năm, tôi vẫn cảm nhận được nhiều nét quen thuộc trong nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tôi nhận thấy rằng giá trị văn hóa không được thể hiện tốt trong thời hiện đại đó là sự kính trọng của người trẻ đối với người lớn tuổi – một biểu hiện của lễ nghĩa và nhân ái. Hiện nay, cha mẹ không có thói quen dạy về đạo hiếu nghĩa cho con cháu. Ngược lại, con cháu có xu hướng ít quan tâm tới cuộc sống của cha mẹ có lẽ do bị cuốn theo nhịp sống hiện đại.
Làm thế nào để giá trị truyền thống này không bị mai một?
Theo tôi thì cần chú trọng giáo dục về lễ nghĩa trong các chương trình dạy học từ bậc tiểu học. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian để gần gũi, chăm sóc và dạy đạo lý hiếu nghĩa cho con cháu.
Hoạt động từ thiện được ông và gia đình ông rất quan tâm, nhất là đối với những người nghèo và trẻ mồ côi. Trong thời gian tại nhiệm, ông đã có những hoạt động gì để giúp đỡ những đối tượng này?
Khi còn sống ở Mỹ, tôi và gia đình đã lập kế hoạch trở lại Việt Nam để tham gia vào các hoạt động từ thiện với mong ước các em nhỏ được học tập và có động lực phấn đấu cho cuộc sống. Động lực này thực sự có giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với tiền bạc. Sau khi được bổ nhiệm chức vụ tổng lãnh sự, vợ chồng tôi ngày càng tâm huyết với công việc giúp đỡ trẻ em và người nghèo. Chúng tôi luôn tích cực quyên góp để tặng quà tết cho trẻ em, chữa bệnh cho bệnh nhi, xây cầu… Đầu tháng 12-2012, vợ tôi với cương vị Chủ tịch Câu lạc bộ Phu nhân lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh đã cùng phu nhân các lãnh sự quán khác tổ chức hội chợ từ thiện để gây quỹ giúp các trẻ em cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền thu được từ hội chợ tương đương 2,5 tỉ đồng.
Các chương trình từ thiện mà Tổng lãnh sự quán thực hiện có hợp tác được với doanh nghiệp không?
Chúng tôi cũng đã được các doanh nghiệp hỗ trợ hiện kim, hiện vật và địa điểm tổ chức hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp hỗ trợ chưa nhiều có lẽ do kinh tế đang khó khăn.
Theo ông thì có một nguồn lực nào ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, giáo dục quốc gia mà chính phủ Việt Nam chưa sử dụng đến?
Đó là sức mạnh của những người Việt sống ở nước ngoài. Chỉ tính riêng người Việt sống tại Mỹ đã có khoảng 2 triệu người. Một nửa trong số người Việt ở Mỹ là người ở độ tuổi 60 hoặc gần về hưu nhưng vẫn còn rất nhiều năm để cống hiến. Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nên có các chính sách khuyến khích người Việt ở nước ngoài trở về quê hương vì họ sẽ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy qua nhiều năm tại Mỹ để giúp Việt Nam phát triển cả về kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực xã hội khác.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
Thanh Nhã