Ông Dương Nhất Nguyên – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT Ngân hàng Vietbank. Là con trưởng của bà Nguyễn Thị Lâm – một nữ doanh nhân nổi tiếng qua tên tuổi Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm, ông được học và đào tạo bài bản ở nước ngoài để tiếp nối truyền thống làm ăn của gia đình cũng như là niềm kỳ vọng mang lại những ý tưởng quản lý hiện đại. Ông chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ riêng về kinh doanh rất thiết thực.
Xuất thân từ ngành dược nhưng lại tham gia kinh doanh rất sớm, nay lại gánh trọng trách lớn trong ngành tài chính, ông có thấy khó không?
Tôi trải qua thời gian học PTCS và THPT tại Anh từ năm 1999, đến năm 2002 tốt nghiệp GCSE và A Level để học cử nhân khoa học chuyên ngành dược. Sau đó, tôi sang Mỹ học MBA chuyên sâu về quản lý dự án vào năm 2006.
Vì vậy, nếu bạn hỏi tôi là những điều đã học và những việc tôi đang làm có khó không thì tôi sẽ trả lời là có. Tôi quan niệm rằng, mọi ngành nghề đều có khó khăn riêng, nhưng nếu mình yêu thích công việc đang làm và khi đã làm thì phải bỏ hết công sức mới có kết quả tốt. Với tôi, tôi tìm thấy sự đam mê trong lĩnh vực quản lý dự án và ngành tài chính. Ở đó, luôn tiềm ẩn những thách thức, nhất là đối với các doanh nhân trẻ.
Mọi sự khởi đầu đều có những vấp váp, khó khăn nhưng nếu có đam mê thì mình sẽ vượt qua được. Đặc biệt là đối với nền kinh tế của Việt Nam, trong quá trình chuyển mình theo cơ chế thị trường nên cơ chế, chính sách vận hành chưa thực sựổn định, suôn sẻ.
Chỉ ngoài 30 tuổi, nhưng ông đã kinh qua rất nhiều vị trí quản lý, gồm các công trình đầu tư bất động sản như Lim Tower 1, Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-la, ngân hàng… Ông điều hành như thế nào để mọi việc chu toàn?
Không ai có thể một mình làm nhiều công việc cùng một lúc mà đạt hiệu quả tốt, nhất là ở cấp quản lý. Vì vậy, để quản lý tốt các công việc của tập đoàn thì phải sắp xếp công việc có khoa học và theo hệ thống.
Khi tiếp nhận việc quản lý một dự án hoặc công việc nào đó mà HĐQT giao thì trước tiên tôi phải hình dung kế hoạch và lộ trình thực hiện cùng với các câu hỏi mình phải tự trả lời trước khi trao đổi với các cộng sự: Xác định mục tiêu công việc cần phải đạt được, các biện pháp cụ thể cùng những dấu mốc thời gian…
Tôi khuyến khích các cấp quản lý trung gian có các cuộc họp với nhân viên để trao đổi thông tin thường xuyên về tình hình, tiến độ công việc và những khó khăn vướng mắc để chia sẻ hiểu biết, để cùng phối hợp thực hiện một cách hiệu quả nhất. Và bên cạnh đó, chắc chắn là không thể thiếu những nguyên tắc, quy ước cho từng công trình để nhanh chóng giải quyết những sự cố xảy ra.
Để công việc có hiệu quả và đặc biệt tạo sự hứng thú, khuyến khích sự sáng tạo cho nhân viên thì người lãnh đạo cần có tầm nhìn để hoạch định mục tiêu và định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Khi thuận lợi thì tăng tốc phát triển, khi gặp khó khăn thì biết cách giảm thua lỗ.
Tôi học được một trong những cách duy trì sự hăng say của nhân viên là việc kịp thời khen thưởng, động viên để khích lệ tinh thần của nhân viên. Đó còn là nét văn hóa doanh nghiệp mà chúng ta phải xây dựng để tạo sự phát triển bền vững, trong đó, chế độ khen thưởng và chính sách thăng tiến cho nhân viên có thành tích tốt là hết sức quan trọng.
Xuất thân trong gia đình có điều kiện thuận lợi (ba là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietbank, mẹ là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm), đối với ông đây là điều may mắn hay là áp lực trong sự nghiệp?
Tôi nhận thức được rằng đây là một điều may mắn đối với mình. Nhưng đó cũng chính là điều trăn trở riêng vì tôi luôn muốn làm điều gì đó tốt hơn chứ không thể dừng lại ở cái đang có.
Doanh nghiệp Việt Nam còn quá trẻ tuổi nghề so các doanh nghiệp nước ngoài đang hiện diện quanh ta, điều đó cũng là động lực cho tôi phấn đấu tiếp tục, không nản lòng trước những trở lực từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan hiện nay.
Tôi luôn tâm niệm rằng mình phải nắm bắt được sự may mắn có được từ nền tảng gia đình và xem đó như là một cơ hội để phát triển mạnh hơn, tốt hơn và đặc biệt là không được có ý thức ỷ lại.
Tôi cố gắng không để sự thành công của ba mẹ là áp lực tâm lý cho mình, vì trong cuộc sống và trên thương trường thì chúng ta phải đối diện với vô vàn khó khăn rồi. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà ba mẹ tôi mong muốn, vì vậy, các thành viên trong gia đình luôn chia sẻ, trao đổi và hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn.
Tôi có được sự yên tâm là tôi không bị thúc ép, ràng buộc phải nhanh chóng đạt được điều này, điều nọ. Nhưng ba mẹ giúp tôi hiểu rằng, mình không thể chạy về đích nếu cứ đứng yên tại vạch xuất phát, cho dù xuất phát điểm của mình có tốt hơn những người khác.
Mẹ anh đã từng nói, việc quan trọng nhất muốn làm cho các con là dạy dỗ chúng nên người chứ không phải gắng sức gầy dựng sự nghiệp để các con thừa hưởng. Ông thấy mình đáp ứng được mong muốn này đến đâu?
Mẹ tôi từng nói thế và cho tới thời điểm này thì ba mẹ tôi đã thực hiện được cả hai điều mong muốn ấy. Tôi hiểu được sự kỳ vọng của gia đình cho nên luôn tìm cách hoàn thiện bản thân để ngày càng trưởng thành hơn và để có thể tiếp tục gánh vác được sự nghiệp mà gia đình đã gầy dựng. Đây cũng là mục tiêu lâu dài của tôi, thành công đã khó giữ được thành công lại càng khó hơn.
Có một sự nghiệp lớn trong tay, ông quan niệm thế nào về sự thành công? Ông có chọn câu châm ngôn nào cho cuộc sống của mình không?
Sự thành công được định nghĩa tùy thuộc vào quan điểm và mục đích của mỗi người lớn đến đâu. Với tôi, quan niệm rằng người thành công là khi hội đủ ba yếu tố: Một là, phải chu toàn về hạnh phúc và ổn định về kinh tế cho gia đình, điều đặc biệt đối với tôi khi nhắc đến hạnh phúc là tôi có được “hậu phương” vững chắc, đó là sựủng hộ rất lớn từ gia đình. Hai là, phải luôn tạo ra giá trị gia tăng cho tập đoàn và cho xã hội. Ba là có được những mối quan hệ tốt trong xã hội và với bạn bè.
Tuổi đời tôi chưa nhiều để có những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, nhưng tôi nghĩ hãy sống và làm việc để đừng bao giờ phải nói câu “giá như mà…” trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng thì khi đã cố gắng hết sức mình cho một việc gì đó mà không đạt kết quả như mình muốn, bạn sẽ không hối tiếc.
Nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải thoái vốn, rút lui khỏi thị trường. Ông muốn duy trì chờ cơ hội hay tiếp tục phát triển thêm hướng kinh doanh mới?
Có một câu châm ngôn như thế này: Người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, người bi quan nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Tôi thấy điều đó đúng!
Tiêu chí của tập đoàn chúng tôi là luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các dự án có tiềm năng. Trong những năm vừa qua tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng tập đoàn cũng đã tập trung các nguồn lực để hoàn thành các dự án và kế hoạch.
Các dự án trọng điểm như: Bệnh viện Quốc tế Thành Đô thuộc dự án Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-la với hơn 36ha, tòa nhà Lim Tower 1,… hiện chúng tôi đang triển khai dự án tòa nhà Lim Tower 2, trụ sở Vietbank và một số dự án đang phát triển khác. Chúng tôi sẵn sàng xem xét để đầu tư vào các hướng kinh doanh mới nếu có tiềm năng phát triển cao.
Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông!