Để thực hiện được điều này, nghĩa là “giảm lượng tăng chất”, sắp tới sẽ có khoảng sáu, bảy ngân hàng bị rút giấy phép hoạt động, đồng thời có những ngân hàng thương mại (nhà nước hoặc cổ phần) sáp nhập với nhau để tạo ra những định chế có quy mô lớn hơn.
Một thị trường ngân hàng – tài chính còn non trẻ như Việt Nam mà có gần bốn mươi ngân hàng nội địa, hơn mười ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, là quá nhiều. Mỗi ngân hàng khó thể xây dựng được những sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên biệt và hệ thống. Sản phẩm của các ngân hàng, vì vậy, cũng không mấy khác biệt và khách hàng dễ dàng chuyển từ sử dụng dịch vụ của ngân hàng này sang ngân hàng khác đang có khuyến mãi ưu đãi hơn, hoặc ít tốn chi phí hơn. Việc đóng hay mở tài khoản tại một ngân hàng thường được quyết định một cách nhanh chóng. Cạnh tranh trong bất cứ lĩnh vực gì cũng là điều tốt, là cơ sở để nhà cung cấp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành ngân hàng là các dịch vụ cơ bản không khác nhau nhiều, thì việc có quá nhiều tổ chức tín dụng cùng chia sẻ chiếc bánh thị phần khiến cho họ lâm vào tình cảnh đầu tư nhiều mà hiệu quả không cao, gây lãng phí cho xã hội. Chẳng hạn, một đoạn đường ngắn mà có đến năm bảy chi nhánh ngân hàng, hàng chục điểm ATM thì công suất khai thác không thể cao.
Để thực sự tạo nên khác biệt, đáp ứng được những yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, các ngân hàng thương mại vẫn đang nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ của mình. Họ phải đầu tư nguồn lực vào đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ và vì vậy, ngân hàng nào càng có tiềm lực tài chính càng có nhiều cơ hội thành công. Đó cũng chính là lý do vì sao phương án cần có những cuộc sáp nhập theo hướng tạo ra những định chế tài chính lớn hơn hiện nay được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng tán thành.
Trong lúc chờ đợi điều này xảy ra, các ngân hàng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động kinh doanh truyền thống. Làm thế nào để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang là nỗi băn khoăn của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh khách hàng doanh nghiệp thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, ít có nhu cầu vay vốn. Không khó hiểu khi nhiều ngân hàng đã và đang nỗ lực mở rộng đối tượng khách hàng cá nhân, nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Tổng quy mô thị trường tài chính tiêu dùng của nước ta trong năm 2013 ở mức 188 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 5,4% GDP, nên làm sao để khai thác được thị trường tiềm năng này là mục tiêu của các ngân hàng. Các chương trình tín dụng tiêu dùng ưu đãi cho vay mua nhà, xe hơi với lãi suất thấp, cho nhân viên đến từng hộ kinh doanh cá thể để tìm hiểu nhu cầu vay vốn là động thái mà các ngân hàng đang áp dụng thời gian qua, nhằm tăng doanh số cho vay. Phát triển mảng tài chính cá nhân, cho vay tiêu dùng là một chiến lược phù hợp, được nhiều định chế tài chính trong nước đang triển khai. Và trong trường hợp này, một định chế lớn với nhiều chi nhánh “ăn sâu bám rễ” tại địa phương để nắm được cụ thể từng trường hợp vay vốn sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được rủi ro trong khâu thu hồi vốn. Thêm một điểm cộng cho việc hình thành những ngân hàng lớn.
Minh Hằng