Lần đầu tiên Chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang khởi động việc xem xét các chính sách về viện trợ ODA, điều mà các nhà phân tích quốc tế cho rằng để mở đường cho chương trình viện trợ quân sự cho nước ngoài.
Báo Asahi tuần qua nhận định, nếu các chính sách được thông qua theo chiều hướng này, Nhật Bản sẽ có thể xây dựng hoặc nâng cấp các cảng biển và sân bay có thể được sử dụng cho mục đích quân sự ở nước ngoài.
Cho đến nay, chương trình ODA mới chỉ là hỗ trợ và viện trợ cho các dự án dân sự tại các nước đang phát triển.
“Để thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và nhân quyền, ODA sẽ đóng một vai trò trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh” – Thứ trưởng Ngoại giao Seiji Kihara được báo Asahi dẫn lời nói vào ngày 31-3 trong cuộc họp đầu tiên của nhóm chuyên gia xem xét Điều lệ ODA của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Chính phủ Nhật tin rằng những thay đổi này là cần thiết để ODA đóng một vai trò trong việc thúc đẩy quốc phòng.
Điều lệ ODA hiện thời được nội các phê duyệt vào năm 1992 quy định “cần tránh sử dụng nguồn vốn ODA cho các mục đích quân sự hoặc làm tăng xung đột quốc tế”.
Điều lệ ODA của Nhật cũng không cho phép dùng quân nhân từ các chương trình phát triển nguồn nhân lực của họ.
Trong năm 2012, Bộ Quốc phòng Nhật bắt đầu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phi chiến đấu, mà không sử dụng nguồn vốn ODA, cho các bộ quốc phòng và quân đội ở một số nước ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây để phản ứng lại trước thực trạng mở rộng sự hiện diện ngoại giao và những nỗ lực của Trung Quốc cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển, chính phủ Nhật Bản đã tìm cách sử dụng một phần của nguồn vốn ODA để thúc đẩy các sáng kiến an ninh.
Chiến lược An ninh Quốc gia Nhật được nội các phê duyệt vào tháng 12-2013 quy định việc sử dụng chiến lược nguồn vốn ODA của Nhật Bản, trong đó phải thực hiện việc “chủ động và tích cực đóng góp cho hòa bình”.
Trong một diễn biến khác, gần đây Nhật Bản lần đầu tiên đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, một động thái nhiều khả năng sẽ gây quan ngại cho Trung Quốc.
Nhật thông qua bản hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ Hai theo đó cấm nước này tham gia chiến tranh, trừ trường hợp tự vệ.
Nhiều thập niên qua, Tokyo tuân thủ ba nguyên tắc: không xuất khẩu vũ khí cho các nước theo chủ nghĩa cộng sản, các nước bị Liên Hiệp Quốc cấm vận mua vũ khí và các quốc gia nhiều khả năng dính vào xung đột quốc tế.
Các nguyên tắc này được chuẩn thuận vào năm 1967 nhưng sau đó Nhật đã tự cấm xuất khẩu vũ khí toàn diện.
V.Đ