Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Hơn nữa, cũng theo báo cáo của APEC, hằng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80-120 tỉ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa.
Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức về rác thải nhựa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Indonesia có thể là quốc gia lớn thứ hai thế giới về việc thải ra các loại rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường biển. Hằng năm, các đảo của quốc gia này thải ra 1,3 triệu tấn rác thải nhựa vào môi trường biển.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các nghiên cứu cụ thể về tác động của các loại rác thải nhựa đối với sức khỏe con người. Tuổi thọ của các phân tử nhựa từ các rác thải bằng nhựa là rất lâu, chúng trôi nổi, hòa trộn vào nước biển và trôi dạt đến các quốc gia dọc theo các đại dương. Ví dụ, một vỏ chai bằng nhựa cần đến 400 năm mới có thể bị phân hủy, sau khi bị phân hủy, nó biến thành các hạt vi nhựa, thâm nhập vào các nguồn hải sản và cuối cùng là nằm trên bàn ăn của con người. Do đó, những thách thức về ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra mang tầm thế giới và đòi hỏi các quốc gia phải chung tay để giải quyết.
Ngày 2-11 vừa qua, tại thủ đô Jakarta, chính phủ Indonesia đã cùng với Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn về tác động của rác thải nhựa đối với môi trường biển. Đại diện của các quốc gia trên thế giới đã thảo luận những cách thức để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đối với môi trường biển của thế giới cũng như của Indonesia. Hội thảo này được coi là bước chuẩn bị quan trọng để đưa nội dung này vào bàn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh đại dương thế giới dự kiến sẽ được tổ chức tại Bali vào tháng 2-2017.
Indonesia đã có cam kết mạnh mẽ đối với chương trình này và đã xác định được những thách thức do rác thải nhựa gây ra. Với việc tổ chức cuộc hội thảo ở Jakarta vừa rồi, Indonesia thể hiện là quốc gia tiên phong trên thế giới trong việc đối phó với vấn đề rác thải nhựa gây ra đối với môi trường biển. Sự tham gia của các công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc biến rác thải thành nguồn năng lượng đã giúp Indonesia tiếp cận được những công nghệ hiện đại để xử lý các loại rác thải này.
- L.G