Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cho biết, tính đến cuối năm 2015, các công ty của Mỹ, không bao gồm các ngân hàng, nắm giữ khoảng 1.200 tỉ USD tiền mặt ở nước ngoài. Hơn một nửa số tiền đó – khoảng 630 tỉ – là của Apple và các công ty công nghệ khác, trong đó các công ty ở Thung lũng Silicon như Microsoft giữ 96 tỉ, Cisco 57 tỉ, Google 43 tỉ, Oracle 45 tỉ.
Bằng cách vận dụng lỗ hổng trong bộ luật thuế, các tập đoàn đa quốc gia có thể liên tục trì hoãn việc chính phủ đánh thuế vào các tài sản của họ nằm ngoài nước Mỹ. Đây chính là điểm không minh bạch của luật pháp Mỹ, đã tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp đa quốc gia.
Tổng thống Obama đã từng cam kết sẽ bắt các công ty Mỹ đem lợi nhuận của họở nước ngoài về, các ứng viên tranh cử của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đều hứa hẹn như vậy, nhưng vì lý do nào đó điều này vẫn không làm được suốt nhiều thập niên qua khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, hôm đầu tháng 9 vừa qua, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager đã ra phán quyết yêu cầu Apple nộp lại thuế cho Ireland, nơi công ty này đã đầu tư lớn giúp giải quyết hàng chục ngàn việc làm và được hưởng thuế 1% trong tổng doanh thu hằng năm.
Phán quyết cho rằng một phần đáng kể tài sản tích lũy của Apple ở nước ngoài là không hợp pháp. Bà Margrethe Vestager cho rằng nhà sản xuất iPhone đã hưởng lợi từ thỏa thuận ngầm ưu đãi với chính phủ Ireland cách đây 25 năm. Thỏa thuận này giúp Apple lách được 13 tỉ euro tiền thuế trong 10 năm qua (tương đương 14,6 tỉ USD) và yêu cầu đại gia này trả lại tiền thuế cho Ireland.
Ban đầu ông chủ Tim Cook của Apple coi phán quyết của bà Vestager là không có cơ sở vì cho rằng mình đã đóng thuế đầy đủ cho Ireland, nhưng sau đó ông tuyên bố sẽ chuyển toàn bộ lợi nhuận về Mỹ và sẽ đóng vài tỉ USD tiền thuế tại đây.
Một vài chính trị gia lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Apple trước phán quyết của EU. Chẳng hạn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đưa ra cảnh báo rằng quyết định của EU sẽảnh hưởng đến đầu tư của Mỹ vào châu Âu và Washington sẽ phải suy tính đến các giải pháp đối phó với những phán quyết tương tự.
Hiện nay trong dư luận, sự không hài lòng về các công ty Mỹ để núi tiền ở nước ngoài nhằm tránh bị đánh thuế đang gia tăng. Các chính trị gia có thể chưa tìm ra cách xử trí vấn đề, nhưng gần hai năm qua cho họ thấy có nhiều trường hợp như Apple cần được làm rõ.
Chẳng hạn hồi cuối năm 2015, Công ty Pfizer, nhà sản xuất thuốc tân dược lớn nhất nước Mỹ, công bố kế hoạch kỷ lục 160 tỉ USD cho giao dịch “đảo ngược thuế”, theo đó công ty này sẽ hợp nhất với một đối thủ nhỏ hơn và chuyển trụ sở chính ra bên ngoài nước Mỹ. Đây là cách để các công ty đa quốc gia được tự do hơn khi sử dụng dự trữ tiền mặt mà không phải chịu thuế Mỹ. Thế nhưng cuối cùng giao dịch đảo ngược này đã bị chính quyền ngăn chặn.
Hiện không biết bà Vestager có tiếp tục phán quyết tương tự với các công ty khác của Mỹ như Mc Donald’s và Amazon hay không để ngăn chặn các núi tiền của Mỹ lách thuế.
Đ.N (DNSGCT)