Với mức tăng trưởng du lịch lên đến 30% như hiện nay, lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại nước ta đang hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ và những thay đổi về thị hiếu của nhóm du khách ở độ tuổi dưới 35, một số mô hình lưu trú mới mẻ đã xuất hiện và có những thành công bước đầu đáng chú ý.
Sản phẩm du lịch độc đáo không cần vốn lớn
Học theo Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia…, gần đây xu hướng tận dụng công nghệ để giảm tối đa diện tích đang là một trong những chiến lược cạnh tranh nổi bật ở lĩnh vực lưu trú trên khắp cả nước. Du nhập vào TP. Hồ Chí Minh năm 2014, Capsule (capsule trong tiếng Anh có nghĩa là buồng kín, hộp kín, khoang rỗng) là dạng khách sạn độc đáo với hệ thống buồng ngủ mang hình dạng những chiếc hộp được sắp xếp dày đặc với nhau. Đối với những du khách muốn cả ngày ra ngoài khám phá, đến tối mới quay về tìm một chỗ ngả lưng thì mô hình này quả là phù hợp. Diện tích phòng chỉ vỏn vẹn 2m2 nhưng trong phòng có đầy đủ trang thiết bị nội thất cần thiết, từ tivi màn hình phẳng, két để đồ cá nhân, kệ đến tất cả các loại ổ cắm điện cần thiết. Những thiết bị này hoàn toàn đủ dùng cho một hoặc hai người, quan trọng vẫn là chỗ ngủ phải thoải mái.
Hiện chi phí cho mỗi một phòng “con nhộng” tại khu phố Tây (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chỉ tốn có 6 USD (phòng thường) hoặc 7 USD (phòng cao cấp) cho một đêm. Với mức giá này thì hoàn toàn hợp lý đối với những du khách quốc tế muốn tạm trú ngay tại trung tâm thành phố. Khách sạn “con nhộng” ở Việt Nam hiện có giá rẻ nhất nhưng chất lượng không thua kém những nơi khác. Tại thủ đô Kuala Lumpua của Malaysia, một phòng ngủ con nhộng có giá từ 10 đến 15 USD, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng khoảng 10-20 USD. Một khách sạn có sức chứa 60 phòng dạng này tại phố Tây chỉ cần mặt bằng khoảng 60m2 với năm tầng lầu.
Lý do khiến giá phòng rẻ là mô hình này tiết kiệm rất nhiều, cả về diện tích lẫn chi phí phục vụ (đội ngũ nhân viên phục vụ giảm được ba lần so với những khách sạn truyền thống). Về lượng khách, chủ một khách sạn “con nhộng” cho hay, trong thời gian đầu, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%, tức là chỉ có khoảng 24 khách mỗi ngày. Tuy nhiên, sau hai tháng hoạt động, lượng khách đã tăng lên 80%, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết, cuối năm thì công suất phòng luôn ở mức 100%. Tính bình quân, công suất phòng đạt khoảng 80%. Theo tính toán, doanh thu mỗi ngày của khách sạn ở mức 6-7 triệu đồng.
Tiếp nối thành công tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình phòng lưu trú capsule đã lan đến Nha Trang, thậm chí lên tận Sa Pa. Tại Nha Trang, một khách sạn “con nhộng” có 56 phòng ngay trên khu phố nem nướng nhanh chóng được giới du khách trẻ biết đến. Toàn bộ hệ thống phòng capsule được nhập trực tiếp từ Hongkong. Chủ các khách sạn “đời mới” này không tiết lộ số vốn đầu tư, chỉ chia sẻ rằng ít tốn kém hơn hẳn so với mô hình khách sạn truyền thống.
Phục vụ khách trẻ, sáng tạo là tài sản quan trọng nhất
Ba năm trước, một cặp vợ chồng ở độ tuổi 30 đã bỏ công việc tại TP. Hồ Chí Minh về Đà Lạt thuê đất và dùng các ống cống để làm “lữ quán” theo phong cách thế kỷ XXI. Ý tưởng tưởng chừng đầy phiêu lưu này hóa ra lại đáp ứng tốt nhu cầu của đông đảo du khách trẻ, túi tiền hạn chế nhưng luôn thích những gì độc đáo. “Lữ quán” của đôi vợ chồng được xây dựng khá sáng tạo và tốn ít chi phí, mỗi phòng được lắp ghép từ hai ống cống có đường kính 2,2m, cao 1,2m. Điều quan trọng là chủ nhân biết thiết kế bắt mắt và trang bị cho các phòng đầy đủ tiện nghi nên thu hút được nhiều du khách trẻ. Nhờ biết tận dụng mạng xã hội để quảng bá nên không lâu sau khi đi vào hoạt động, hình ảnh những căn phòng hình ống xinh xắn nhìn ra đồi thông xuất hiện khá nhiều trên Facebook và Instagram. Từ thành công đó, mô hình ống cống đã tiếp tục có mặt tại Vũng Tàu với giá thuê phòng nhìn ra biển chỉ ở mức 300 ngàn đồng/đêm.
Tương tự như khách sạn ống cống, khách sạn mini làm từ container tại Đà Nẵng cũng được giới du khách trẻ ưa chuộng. Phòng nhỏ, giá rẻ nhưng tạo được phong cách riêng nên khách lưu trú vẫn thích thú chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội, giúp các chủ khách sạn tiết kiệm được khá nhiều tiền cho việc quảng cáo. Mới đây nhất, nhiều người trẻ thích khám phá đã ra đến tận đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) để trải nghiệm cảm giác ở “lều vịt”. Cách trung tâm thị trấn Cô Tô khoảng sáu cây số có một khu nhà nghỉ mới xây với 18 căn nhà gỗ hướng biển. Các căn nhà mái lá nhỏ xinh được bố trí trên bãi biển Hồng Vàn này sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, mang phong cách dân dã nên được đặt tên là “lều vịt”.
Vừa qua, nhiều khách sạn ba sao tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu than thở vì công suất phòng bắt đầu giảm dù lượng khách đến thành phố vẫn đang tăng mạnh. Lý do là phân khúc khách sạn này đang bị mô hình chia sẻ chỗ ở Airb&b cạnh tranh khá dữ dội. Đây cũng là xu hướng chung tại các thành phố lớn trên toàn thế giới, tương tự như Uber hay Grab đang tranh giành thị phần với taxi truyền thống. Xem ra, những khách sạn tầm trung sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới khi phải cạnh tranh với công nghệ và óc sáng tạo của những đối thủ dù ít vốn nhưng nhanh nhạy.
Đối tượng du khách trẻ ngày càng đông đảo, tạo nên xu hướng du lịch mới và điều đó đang mở ra nhiều cơ hội cho những nhà kinh doanh năng động. Chỉ cần một khoản ngân sách vừa phải nhưng nếu biết sáng tạo vận dụng các mô hình khách sạn kiểu mới thì hoàn toàn có thể gặt hái thành công. Chẳng thế, hàng loạt khách sạn diện tích nhỏ đã và đang mọc lên, đáp ứng đúng nhu cầu của giới trẻ hiện đại là không cần nhiều tiền vẫn có thể đi du lịch. Có lẽ những mô hình kinh doanh lưu trú kiểu mới như vậy sẽ còn được nhân rộng tại các tỉnh thành khác trên toàn quốc.