Với sự phối hợp giữa hai gallery Chryse Fine Art và K Moeller ở đảo quốc Sư tử, một triển lãm chung giữa các họa sĩ ba nước Việt Nam, Singapore và Myanmar đã được tổ chức từ ngày 21-11 đến 29-11-2016 tại gallery ION Art nằm trong một khu thương mại sầm uất gần phố Orchard. Đây cũng là lần đầu tiên có một triển lãm như vậy, theo lời một trong những giám tuyển người Việt có uy tín tại Singapore là bà Thanh Kiều Moeller, cũng là người điều hành gallery K Moeller.
Các họa sĩ Việt Nam có tranh dự triển lãm “Nở hoa” (Blossom) gồm Nguyễn Hoàng Hoanh, Hứa Thanh Bình, Liêu Nguyễn Hướng Dương và Lim Khim Katy. Cao niên nhất là họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh (sinh năm 1937), nguyên là giáo sư, phó giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn những năm 1973-1975 và là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh những năm 1986-1988. Từng đoạt giải nhất Giải Văn học nghệ thuật tại Sài Gòn năm 1970, họa sĩ lão thành Nguyễn Hoàng Hoanh sáng tác với nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, lụa. Ông được biết đến nhiều với tranh lụa sở trường, với những tác phẩm được tạo hình mềm mại, đậm chất Nam bộ mộc mạc mà duyên dáng, màu sắc nền, đằm thắm. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, đương nhiệm phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng là một tác giả thể hiện được những nét đặc trưng, tinh hoa của đất Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung trong tranh của ông. Với bảng màu trầm ấm, thủ pháp tạo hình riêng biệt, Hứa Thanh Bình đang ở thời kỳ hoàn thiện của sự nghiệp nghệ thuật và là một trong những tác giả ưa thích của gallery K Moeller.
Tranh phong cảnh và chân dung những người lao động Sài Gòn hôm nay của Lim Khim Katy có mặt trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Singapore và nhiều nước. Nữ họa sĩ là một trường hợp thành công và thành danh khá sớm, tranh của cô được coi là có giá trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, với loạt tranh hoa đào bừng nở, màu sắc lung linh, rực rỡ được vẽ theo phong cách “hành động điểm màu”, một sự kết hợp giữa hội họa hành động và trường phái điểm họa (pointillism), Liêu Nguyễn Hướng Dương đã nhanh chóng nổi tiếng. Đặc biệt là trong chiến dịch quảng cáo của hãng Apple năm 2016, tác phẩm Hoa anh đào – Cherry Blossom – được Liêu Nguyễn Hướng Dương sáng tác trên iPad 2, cũng vẫn với thủ pháp chấm màu độc đáo của anh – hiện được trưng bày tại tất cả các cửa hàng bán lẻ của Apple trên toàn thế giới. Chàng họa sĩ gốc Trà Vinh đã trở thành nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được Apple chọn để tôn vinh sản phẩm toàn cầu.
Về phía chủ nhà, triển lãm “Nở hoa” có sự góp mặt của hai tên tuổi hàng đầu thuộc thế hệ thứ ba các họa sĩ vẽ tranh với mực nho theo phong cách hội họa Trung Hoa, đó là Hong Sek Chern và Anthony Chua. Sinh năm 1966, Anthony Chua đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi vẽ tranh tại Singapore. Tranh của ông dù vẽ với chất liệu truyền thống song thể hiện cuộc sống và con người đương đại của Singapore, với phong cảnh đô thị, những cao ốc đã xưa cũ và cả những bố cục trừu tượng. Sức thu hút từ các tác phẩm mực nho của Anthony Chua nằm ở các nhát bút lông mạnh mẽ, dứt khoát, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu cổ truyền với các thủ pháp nghệ thuật phương Tây hiện đại. Còn nữ họa sĩ sinh năm 1967 Hong Sek Chern là một trong những tác giả vẽ mực nho xuất sắc nhất Singapore hiện nay. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Nanyang (NAFA) và Trường Mỹ thuật Goldsmith (Anh), cô có thời gian là trưởng khoa của NAFA và cũng từng đoạt nhiều giải thưởng tại Singapore. Tranh Hong Sek Chern có trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và các bảo tàng như Bảo tàng quốc gia Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật Đài Bắc (Đài Loan).
Đáng chú ý hơn cả tại triển lãm “Nở hoa” là tranh của hai bậc thầy hội họa Myanmar U Win Pe và U Lun Gywe. Sinh năm 1930 ở Yangon, U Lun Gywe được coi là tên tuổi lớn nhất của hội họa Myanmar vẫn còn sống và sáng tác, đồng thời được vinh danh là họa sĩ theo khuynh hướng Ấn tượng đáng kính trọng nhất tại đất nước của bà Aung San Suu Kyi. Ở tuổi đã gần chín mươi, lão họa sĩ từng theo học mỹ thuật tại Trung Quốc vào năm 1964, sau đó có thời gian theo học về phục chế tranh tại Đông Đức vào năm 1971. Ảnh hưởng của hội họa Trung Hoa được thấy rõ trong kỹ thuật vẽ màu nước và sơn dầu của ông theo phong cách thủy mặc, trong khi những ngày làm việc ở Đông Đức cho ông cơ hội nghiên cứu các tác giả châu Âu trong các bảo tàng ở Đông Berlin, Dresden và Potsdam; từ đó khẳng định tình yêu của ông với trào lưu Ấn tượng. Tranh của U Lun Gywe cho thấy niềm hạnh phúc và sự hài hòa trong thể hiện những nét đẹp của cảnh sắc và con người xứ sở Myanmar, đặc biệt là khi ông ca ngợi những nét quyến rũ, gợi cảm của phụ nữ Myanmar, tôn vinh sự cân đối thể xác của các nữ vũ công trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Dù tuổi cao, lão họa sĩ tài năng vẫn tham dự nhiều triển lãm và các cuộc thi mỹ thuật khắp thế giới.
Một ngôi sao lớn khác tại triển lãm là U Win Pe, người được coi là tác giả đương đại xuất sắc nhất của Myanmar. Năm nay ở tuổi tám mươi, U Win Pe là một nghệ sĩ đa năng, đa tài. Ngay từ thời còn là sinh viên mỹ thuật, U Win Pe đã nổi tiếng. Không chấp nhận chế độ quân phiệt, ông lưu lạc sang Mỹ suốt gần 20 năm, rồi làm phóng viên cho nhiều đài phát thanh nhưVOA, BBC. Ông còn viết văn, vẽ tranh biếm, làm chủ biên một tạp chí trào phúng của những người chống đối chính quyền quân sự tại Myanmar trước đây. Song tài năng của ông thể hiện rõ nét nhất là với hội họa, đặc biệt là với mảng tranh màu nước sở trường. Trở về quê nhà năm 2012, U Win Pe dành hết tâm lực và thời gian cuối đời cho hội họa. Từ sau ngày hồi hương, ông đã có ba triển lãm cá nhân tại Myanmar. Trong các triển lãm, nhiều bức tranh màu nước của ông được mua trước ngày khai mạc, điều đó cho thấy U Win Pe được mến mộ như thế nào.
- Phạm Đán Bình