Trong hai ngày 25 và 26-8, Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM) phối hợp với Merck (Darmstadt – Đức) – một công ty khoa học và công nghệ dẫn đầu trong các lĩnh vực dược sinh học, khoa học đời sống và vật liệu công nghệ cao – tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề L.I.F.E 2018 (Learning Initiative for Fertility Experts) tại Khách sạn The Reverie Saigon.
Đây là hội thảo cập nhật thông tin chuyên ngành về hỗ trợ sinh sản uy tín trong khu vực châu Á tổ chức thường niên từ năm 2007 được hỗ trợ bởi quỹ đào tạo y khoa liên tục của Merck tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay, Việt Nam được vinh dự tổ chức hội thảo quan trọng này.
Hội thảo L.I.F.E 2018 với chủ đề “Controlling Critical Variables in ART to Shorten Time to Live Birth” (tạm dịch: Kiểm soát hiệu quả các yếu tố then chốt trong công nghệ hỗ trợ sinh sản, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian mong con) thu hút sự tham gia của 150 đại biểu, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo: vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Thống kê của tổ chức này cho thấy tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng trên toàn cầu từ 6 đến 12%. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, một số nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore trong những năm gần đây tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia đã lo sợ về một sự bùng nổ dân số toàn cầu không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, quỹ đạo này đã đảo chiều khá nhanh và ít nhất 60 quốc gia trên thế giới hiện đã có tỷ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức độ cần duy trì.
Một thực tế đáng lo ngại ở nước ta hiện nay là số các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con đang có xu hướng tăng lên. Theo định nghĩa của WHO, vô sinh là tình trạng mà các cặp vợ chồng mong muốn có thai, sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào nhưng không có thai trong vòng 12 tháng.
Theo ước tính, cứ sáu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có một cặp vô sinh và tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang phát triển, tăng hơn các năm trước khoảng 15 – 20%. Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở tám tỉnh đại diện cho tám vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Điều đáng chú ý là tại Việt Nam, ước tính có 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó có 50% ở độ tuổi dưới 30.
Cũng theo các chuyên gia về sản phụ khoa và hiếm muộn, chỉ có khoảng 40% nguyên nhân vô sinh có thể giải quyết được bằng điều trị thuốc hoặc phẫu thuật, còn lại 60% là cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Chương trình L.I.F.E 2018 được thiết kế với những bài giảng của các báo cáo viên hàng đầu thế giới và khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hongkong, Đài Loan, Ấn Độ, Úc, Đức, Đan Mạch, và các chuyên gia Việt Nam. Nội dung tập trung vào các chủ đề mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản: Cá thể hóa kích thích buồng trứng và hỗ trợ giai đoạn hoàng thể, hướng về một trung tâm IVF không còn hội chứng quá kích buồng trứng, các chiến lược quản lý chất lượng trong phòng thí nghiệm và các kỹ thuật mới giúp chọn lọc phôi nhằm tối ưu hóa kết quả thụ tinh trong ống nghiệm. Những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật tiếp tục được ứng dụng vào trong điều trị vô sinh và hiếm muộn. Có thể kể đến những trang thiết bị mới, môi trường nuôi cấy, tủ đông… góp phần nâng cao tỷ lệ thành công và rút ngắn thời gian có con của các cặp vợ chồng. Chương trình thu hút sự tham gia của 150 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế về thụ tinh trong ống nghiệm, các nhà phôi học chia sẻ về những kiến thức, cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trong khu vực và trên thế giới.
Với quan niệm cuộc sống viên mãn khi gia đình đủ đầy con cái của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đã khiến vô sinh, hiếm muộn ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc hôn nhân gia đình và đời sống vợ chồng. Đối với bác sĩ, vô sinh, hiếm muộn chính là thách thức với y học, trăn trở của người hành nghề y khi hằng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân. Vì vậy, hội thảo chuyên đề L.I.F.E 2018 sẽ là chiếc cầu nối để các quốc gia trong khu vực chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm, cải thiện tình hình vô sinh và hiếm muộn trên thế giới.
Ông Javed Alam – Tổng giám đốc Merck Việt Nam chia sẻ: “Tại Việt Nam, đa phần phụ nữ Việt Nam rất lạc quan về khả năng sinh con và họ nghĩ rằng điều trị hiếm muộn là xa xỉ, đắt đỏ. Nhưng thực tế, tất cả đều có thể khắc phục nếu sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Hội nghị L.I.F.E 2018 phác họa cái nhìn toàn cảnh về vấn đề vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam và thế giới, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho ngành y tế Việt Nam nâng cao chất lượng công nghệ hỗ trợ sinh sản, mang lại niềm hy vọng mới và cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cặp vợ chồng” .
Merck là một công ty khoa học và công nghệ dẫn đầu trong các lĩnh vực dược sinh học, khoa học đời sống và vật liệu công nghệ cao. Công ty có 53.000 nhân sự trên 66 quốc gia đang nỗ lực không ngừng phát triển công nghệ để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống với những phát minh tiên phong từ các liệu pháp sinh dược phẩm để điều trị ung thư hay đa xương cứng cũng như lĩnh vực hỗ trợ sinh sản hiện nay.