Mỗi người trên đời đều có một thói quen xấu và chúng ta thường nghĩ rằng những thói quen này chỉ là tiêu cực và cố gắng loại bỏ chúng, thậm chí một số người còn cảm thấy xấu hổ về chúng. Nhưng không hẳn như vậy…
Càng nghiên cứu nhiều về những hành vi này, người ta càng thấy rõ rằng một số trong số chúng thực sự là những dấu hiệu của những đặc điểm tốt, chẳng hạn như trí thông minh hoặc sự lạc quan. Dưới đây, chúng tôi tổng hợp một số thói quen xấu phổ biến nhưng có thể là một dấu hiệu tốt.
Cắn móng tay
Có đến 25% trẻ em mút ngón tay cái hoặc cắn móng tay, và những đứa trẻ này thường vẫn giữ những thói quen như thế cho đến khi trưởng thành. Thông thường, những người cắn móng tay được khuyến khích từ bỏ thói quen này, và mặc dù không phải là thói quen kém vệ sinh nhất, nhưng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa cho thấy rằng việc cắn móng tay cũng có tác dụng tích cực.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 1.000 trẻ em bắt đầu từ khi chúng được 5 tuổi. Khi trẻ được 5, 7, 8 và 11 tuổi, cha mẹ được hỏi liệu trẻ có cắn móng tay hay mút ngón tay cái hay không. Khoảng một phần ba số trẻ thể hiện một hoặc cả hai thói quen. Khi những cá nhân tham gia bước sang tuổi 13 và sau đó 32 tuổi, họ được kiểm tra dị ứng.
Nhóm có thói quen cắn móng tay hoặc mút ngón tay cái khi còn nhỏ được chứng minh là ít có nguy cơ bị dị ứng hơn 40%. Tuy vậy, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên khuyến khích con cái cắn móng tay vì nó có thể làm tổn thương vùng da xung quanh móng, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng hơn.
Sự trì hoãn
Sự trì hoãn là một chủ đề nóng trên thế giới vào những năm gần đây, với nhiều chuyên gia đang cố gắng giải mã tại sao nó lại xảy ra và có thể làm gì để khắc phục nó. Một giả thuyết cho rằng sự trì hoãn là một dấu hiệu của trí thông minh hơn là sự lười biếng vì nó cho phép người làm việc đó chờ đợi thời điểm thích hợp để thực hiện một nhiệm vụ.
Nói cách khác, trì hoãn có thể thúc đẩy sự sáng tạo bởi vì bạn đang cho mình cơ hội để phát triển những ý tưởng lớn. Nhà tâm lý học Adam Grant thuộc Trường Wharton đã đề cập đến Steve Jobs như một ví dụ. “Có lần Steve Jobs đã hoãn lại và cân nhắc các khả năng; đó là thời gian ông dành cho nhiều ý tưởng khác nhau xuất hiện, trái ngược với việc đi sâu ngay vào những điều thông thường nhất, rõ ràng nhất, quen thuộc nhất”.
Hay đi trễ
Đi trễ thường xuyên thực sự có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội và nghề nghiệp của một người vì nó có thể khiến họ có vẻ vô tổ chức và thậm chí thiếu tôn trọng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The New York Times, Linda DeLonzor, tác giả của quyển Self Help Never Be Late Again (Tự giúp mình không bao giờ bị trễ lần nữa), giải thích rằng việc đi trễ thực sự có thể cho thấy sự lạc quan cao độ hơn là thiếu lịch sự.
“Nhiều người đến trễ có xu hướng lạc quan và phi thực tế, và điều này ảnh hưởng đến nhận thức của họ về thời gian. Họ thực sự tin rằng nhờ đó họ có thể chạy bộ, chọn quần áo ở tiệm giặt khô, mua hàng tạp hóa và cho lũ trẻ đến trường trong vòng một giờ”. DeLonzor nói.
Nói tục
Một số người có thể liên kết lời nói tục theo bản năng với một người có đầu óc đơn giản hoặc có vốn từ vựng kém, nhưng thực tế nghiên cứu lại chứng minh điều ngược lại. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ đã tìm được bằng chứng cho thấy việc nói tục lưu loát thực sự có liên quan đến sự trôi chảy của ngôn ngữ đang được nói.
Chúng ta chọn nói tục trong các tình huống khác nhau cho các mục đích khác nhau: để thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, để gây cười và đôi khi để cố tình xúc phạm. Điều này và mối tương quan với sự đa dạng của ngôn ngữ, cho thấy rằng nói tục là một đặc điểm của ngôn ngữ rõ ràng mà người ta sử dụng để truyền đạt thông điệp của họ với hiệu quả tối đa.
Nhai kẹo cao su
Trong một số tình huống xã hội nhất định, chẳng hạn như một cuộc phỏng vấn xin việc, nhai kẹo cao su bị coi là thô lỗ hoặc khó coi. Tuy nhiên, hành động đó không hại gì khi bạn ở một mình hoặc khi hoàn cảnh cho phép. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu thậm chí đã chứng minh rằng nhai kẹo cao su có thể giúp mọi người tỉnh táo hơn.
Ví dụ: một nghiên cứu cho thấy những người nhai kẹo cao su đã thực hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh so với những người không nhai. Một nghiên cứu khác cho rằng hành động nhai sẽ giúp đem lại tâm trạng bình tĩnh bằng cách giảm mức độ hormone căng thẳng cortisol.
Nơi làm việc bề bộn
Bàn làm việc của bạn lúc nào cũng đầy giấy tờ, bút mực và nói chung là một mớ hỗn độn? Nó có thể không phải là một vấn đề lớn như vậy. Một nghiên cứu năm 2015 cho rằng sự lộn xộn khiến mọi người có định hướng mục tiêu hơn vì nó thúc đẩy họ tìm kiếm trật tự ở đâu đó thường là trong các ý tưởng và các nhiệm vụ liên quan đến công việc.
Có vẻ như ngược lại với trực giác, quan điểm cho rằng bàn làm việc sạch sẽ tương đương với một người làm việc hiệu quả; đó là một bằng chứng cho lập luận “kết quả phụ thuộc vào phương pháp” trong thế kỷ 20. Điều thú vị là trong suốt lịch sử, các thiên tài luôn được khắc họa trong các tranh ảnh nghệ thuật cho thấy các bàn làm việc của họ dường như lúc nào cũng lộn xộn.
Tám chuyện
Nói chuyện phiếm vốn có xu hướng mang hàm ý tiêu cực, nhưng cũng có một hình thức nói chuyện phiếm tích cực được thực hiện để giúp đỡ một ai đó. Theo nghiên cứu, việc tham gia vào những câu chuyện phiếm mang tính ủng hộ xã hội như vậy có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
Trong nghiên cứu, một nhóm người tham gia quan sát mọi người chơi một trò chơi ủy thác, trong đó một số người chơi (thực sự là thử nghiệm) đã gian lận. Trong những khoảnh khắc đó, nhịp tim tăng lên đã được ghi nhận ở nhiều người tham gia. Các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia một tùy chọn để gửi cho người chơi một ghi chú trong suốt trò chơi về bất cứ điều gì họ muốn.
Khoảng một nửa trong số họ đã chọn thông báo cho người chơi về cách chơi gian của những kẻ gian lận. Sau khi những người gửi ghi chú tham gia vào những câu chuyện phiếm ủng hộ xã hội, nhịp tim của họ giảm xuống và họ cảm thấy tốt hơn.
Dùng các từ bổ sung
Việc sử dụng thường xuyên các từ phụ như ‘Ô’, ‘Anh/Chị biết đấy’, ‘Tôi muốn nói’, “Vậy thì” hoặc ‘Chẳng hạn như’ có thể khiến bạn trở thành người ăn nói thiếu chuyên nghiệp, do dự hoặc tệ hơn là không khéo léo cho lắm. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho thấy thành kiến của chúng ta đối với những từ ngữ như vậy là không hợp lý.
Cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng những người tận tâm và chăm chỉ có nhiều khả năng sử dụng các từ phụ trong cuộc trò chuyện hơn. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy người nói đã dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì họ sắp phát biểu. Nói như vậy, không thể phủ nhận rằng việc lạm dụng các từ bổ sung có thể khiến chúng ta nghe kém rõ ràng hơn.
Steven D. Cohen, giáo sư về giao tiếp tại Đại học Baltimore, gợi ý chỉ cần thử và thay thế một số từ trong số này bằng cách ngưng lại một chút rồi hãy nói tiếp. Ông nói: “Một khoảng dừng ngắn, đơn giản có thể có tác động đáng kể đến việc sử dụng từ ngữ bổ sung của chúng ta và cách người khác nhìn nhận chúng ta”.
- Xem thêm: Những thói quen xấu có hại cho sức khỏe