Sức khỏe là điều quý giá nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là những người trẻ, lại có những thói quen xấu gây bất lợi cho sức khỏe.
Ăn uống không điều độ
Việc bỏ bữa, nhất là bữa sáng, và ăn khi không đói đều không tốt cho dạ dày. Theo tạp chí khoa học Metabolism, bỏ bữa không có nghĩa là chúng ta sẽ nạp ít calo hơn, mà ngược lại, sẽ ăn nhiều hơn trong bữa kế tiếp để bù cho bữa ăn đã bỏ qua. Bỏ qua một bữa ăn có thể kéo theo những thay đổi nguy hại về chuyển hóa. Sau khi bỏ bữa, nồng độ glucose trong máu lúc đói sẽ tăng cao và phản ứng với insulin bị trì hoãn – có nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Có nhiều lý do khiến bạn ăn vặt hoặc ăn thêm khẩu phần thứ hai dù không thật sự đói: ăn theo cảm xúc, “buồn miệng”, hoặc ăn nhiều tại các buổi tiệc… Kết quả là bạn bị lên cân, tăng nguy cơ tiểu đường type 2, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ, thoái hóa khớp, bệnh thận. Để duy trì mức cân nặng hợp lý thì không nên xem thực phẩm là một dạng “giải trí” để giảm stress. Đi bộ, tham gia hoạt động giải trí cũng là cách để đối phó với cảm giác không thoải mái và tạo sự bình an cho cơ thể. Giảm mức calo được tiêu thụ có thể giúp chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Thức khuya
Do tính chất công việc bận rộn, nhiều người đã chủ quan và coi thường sự quan trọng của giấc ngủ mà không biết rằng thức khuya làm suy giảm thể chất trầm trọng. Một số bệnh lý như tim mạch, ung thư, đột quỵ, đau dạ dày, đặc biệt là não bị tổn hại nghiêm trọng dẫn đến giảm sút trí nhớ và sự minh mẫn. Bên cạnh đó, thức khuya còn khiến da xỉn màu, nổi mụn, sần sùi đồng thời lão hóa nhanh chóng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và làn da hãy chú ý điều chỉnh giấc ngủ đủ tám tiếng một đêm.
Ngồi quá nhiều
Nếu phải ngồi quá nhiều trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như bệnh cột sống, xương khớp, giãn tĩnh mạch chi, táo bón, trĩ, tăng cân, béo bụng… Bên cạnh đó, ít vận động còn có thể gây ra béo phì, tiểu đường type 2 và bệnh tim. Do đó, nếu tính chất công việc bắt buộc bạn phải ngồi nhiều thì cứ sau nửa tiếng, cố gắng đứng dậy đi lại vài phút là cách giữ cho cơ thể và tâm trí khỏe mạnh hơn; đồng thời nên tập thể dục mỗi ngày để hạn chế ảnh hưởng của việc ngồi quá nhiều.
Thường xuyên nhịn tiểu tiện, đại tiện
Tiểu tiện, đại tiện là nhu cầu tất yếu của mỗi người, thế nhưng trong cuộc sống không ít người lại có thói quen “nhịn” và duy trì nó trong một thời gian dài. Không chỉ gây khó chịu cho cơ thể, việc nhịn tiểu tiện thường xuyên có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ, lâu dài có thể dẫn đến suy thận, sỏi thận.
Bác sĩ Kyle D. Staller ở khoa Ruột và Dạ dày Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) khuyến cáo rằng những người giữ thói quen nhịn đại tiện có thể bị rối loạn chức năng ở các cơ điều khiển hoạt động đại tiện. Nếu không bài tiết, tất cả độc tố và chất thải vẫn ở trong cơ thể, có nghĩa là bạn đang tự đầu độc cơ thể mình, gây nhiễm trùng ruột, nếu không thoát khỏi tình trạng này sớm, có thể bị mất mạng.
Lười tập thể dục
Tập thể dục không chỉ giúp giữ cho vóc dáng thon gọn, làn da mịn màng mà còn tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn để các bộ phận trong cơ thể đều hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn còn giúp cải thiện chức năng tình dục, não bộ hoạt động nhạy bén hơn, tinh thần phấn chấn và giúp kéo dài tuổi thọ. Vì thế, cho dù bận rộn thế nào thì mỗi ngày nên dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục. Chỉ sau một tháng, bạn sẽ thấy sức khỏe được cải thiện đáng kể.
Sử dụng điện thoại, máy vi tính quá nhiều
Đối với nhiều người, điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính là những thiết bị điện tử không thể thiếu. Tuy nhiên, chính thời gian sử dụng những thiết bị này quá nhiều đã gây ra không ít bệnh cho giới trẻ như giảm thị lực, thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng ngón tay cái, trầm cảm, thiếu máu não… Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe tinh thần.
Nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn nên thường xuyên “lướt” Facebook hay Instagram một cách không chủ đích. Nhưng thực tế, theo các nhà nghiên cứu, mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và càng dành nhiều thời gian cho nó thì chúng ta càng cảm thấy cô độc, chưa kể đến việc so sánh, ganh tỵ qua mạng xã hội cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Do đó, thay vì dành thời gian “sống ảo”, tốt hơn nên dành năng lượng và thời gian cho giao tiếp ngoài đời thực. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè hoặc sắp xếp họp mặt gia đình… giúp cải thiện cuộc sống vui khỏe của chúng ta. Cũng nên hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại, giữa các giờ sử dụng cũng nên cho cơ thể vài phút nghỉ ngơi thư giãn để bảo vệ sức khỏe.