Thành lập một công ty là chuyện không dễ dàng. Đó là lý do vì sao nhiều công ty non trẻ phải sớm chịu thất bại trong vòng vài năm đầu. Người lần đầu sáng lập công ty rất dễ mắc phải những sai lầm tai hại và “ngây thơ”. Không doanh nghiệp nào giống với doanh nghiệp nào nhưng sai lầm thì thường giống nhau.
Không dành đủ sự chú tâm khi chọn cộng sự đồng sáng lập và những nhân sự đầu tiên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu sáng lập công ty với một hoặc hai cộng sự thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Hai hoặc ba đồng sáng lập viên có thể giúp nhau kiểm tra đối chiếu ý tưởng, cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn hay bổ sung những quan điểm khác nhau. Nhờ thế, một công ty mới có thể gặt hái được những kết quả tốt nhất.
- Xem thêm: Để khởi nghiệp không thất bại vì cái tôi
Tìm được người đồng sáng lập phù hợp là một bước đi rất quan trọng. Nghĩ ra một ý tưởng nào đó và nhìn quanh xem có ai đó sẵn sàng làm chung hay không là chuyện không khó. Thế nhưng, quá vội vã để rồi “gật đầu với bất kỳ ai” thường dẫn đến sai lầm lớn. Các sáng lập viên cần phải dành rất nhiều thời gian bên nhau.
Vì thế, biết được những điểm mạnh của người đồng sáng lập, cách mà họ xử lý áp lực và một số thói quen của họ sẽ giúp ích nhiều cho một doanh nhân khởi nghiệp khi quyết định chuyện hợp tác. Những nhân sự đầu tiên của công ty cũng có tầm quan trọng gần như sáng lập viên. Bất cứ thành viên nào không phù hợp với văn hóa công ty đều có thể “góp phần nhận chìm” một doanh nghiệp non trẻ.
Không thực tế
Nhiều người thường mở công ty và đánh giá quá cao sự hấp dẫn bề ngoài của quá trình khởi nghiệp. Nào là gọi vốn, nào là sự chú ý của truyền thông và sự nhìn nhận của bạn bè, gia đình. Nhà sáng lập nào khởi sự với một trong những mong đợi như thế có lẽ sẽ gặp rắc rối lâu dài.
Thực tế, các nhà sáng lập cần chuẩn bị sẵn sàng cho một quá trình làm việc không ngơi nghỉ vì kết quả không thể đến ngay lập tức. Duy trì được năng lượng và động lực để tiếp tục cuộc hành trình là điều rất quan trọng. Vì thế, việc vạch ra những mong đợi thực tế sẽ giúp nhà sáng lập giữ được đà phát triển và tiến về phía trước.
Không tập trung vào khách hàng
Bước đầu tiên, thường cũng là bước bị bỏ lỡ, là tìm cách giải quyết một vấn đề để làm cho cuộc sống của khách hàng dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn. Trong thực tế, mỗi khi nhận được những phản hồi tiêu cực từ người sử dụng thì các nhà sáng lập thường “đổ lỗi cho người dùng”.
Không trung thực với chính mình, với nhân viên
Nếu mọi thứ diễn ra không thuận lợi (lâm vào cảnh cạn nguồn tiền hoặc chất lượng sản phẩm không được như mong đợi), nhà sáng lập rất dễ đi đến chỗ tự lừa dối bản thân và đội ngũ của họ.
- Xem thêm: Bài học từ lần khởi nghiệp thất bại
Đây là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra vì nó không chỉ làm lãng phí thời gian và năng lượng của người sáng lập mà còn ảnh hưởng đến cả đội ngũ, những người ủng hộ và nhà đầu tư (nếu có). Vì vậy, trung thực với những gì đang diễn ra là điều tối quan trọng với người sáng lập.
Sai lầm trong chiến lược kêu gọi đầu tư
Dù đôi khi chuyện gọi vốn là cần thiết nhưng nhiều công ty kêu gọi đầu tư vì những lý do sai lầm. Họ có thể làm điều đó vì danh vọng, vì muốn được chú ý. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề theo sau. Khi gây quỹ quá sớm, doanh nhân khởi nghiệp cũng có thể thu hút sự chú ý về phía công ty của họ vào một thời điểm chưa thích hợp.
Ngược lại, một số nhà sáng lập gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và sẽ làm bất cứ chuyện gì mà các nhà đầu tư tiềm năng đòi hỏi. Điều này cũng gây hại không kém. Lắng nghe quan điểm của nhà đầu tư tiềm năng là điều hữu ích, nhưng đừng vội xem đó là tiêu chuẩn vàng, vì các ông chủ mới có thể ưu tiên chuyện kiếm tiền hoặc phát triển nhanh và đi ngược lại lợi ích của khách hàng.
Mất quá nhiều thời gian để có thể giới thiệu chính thức sản phẩm
Các nhà sáng lập nghĩ rằng họ cần có một “sản phẩm hoàn hảo” trước khi ra mắt với cả thế giới. Thế nhưng, thường những người sớm đón nhận một sản phẩm mới sẽ không bận tâm đến vài vấp váp nhỏ nếu như họ thích giá trị mà sản phẩm này mang lại cho họ. Hơn nữa, việc kiểm tra những giả định và nhận phản hồi về sản phẩm cần được thực hiện càng sớm thì càng tốt.
- Xem thêm: Khởi nghiệp thất bại, đâu là lý do thật?
Thực hiện khảo sát người tiêu dùng có thể cần thiết, nhưng thật ra, không có cách nào để hiểu rõ thị trường cả. Cách duy nhất là phải đưa sản phẩm đến tay người dùng và nhanh chóng nhận phản hồi.
Trên đây chỉ là những sai lầm phổ biến nhất, còn hàng trăm dạng sai lầm khác mà chính người trong cuộc cũng khó nhận ra. Không thể phủ nhận là thành công luôn cần tới may mắn, nhưng cũng có những “bước đi chiến thuật” có thể giúp các nhà sáng lập tăng cơ hội thành công. Những người sáng lập cũng có thể tìm đến những cố vấn giàu kinh nghiệm để có thể đưa ra cái nhìn đa diện, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của họ.