Tên tuổi Trịnh Tú đã quá quen thuộc trong giới mỹ thuật, nhưng phải đến những ngày này nhiều người mới được thưởng ngoạn những tác phẩm của ông một cách có hệ thống, qua triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Cảm xúc – Trịnh Tú” đang diễn ra tại Flora Art café gallery, 713 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Có thể ví von rằng 18 tác phẩm (sơn dầu) ở phòng tranh là 18 đoản văn đẹp được người nghệ sĩ “viết” với đầy xúc cảm và sự tinh tế. Cảm xúc và tinh tế trong từng nhát cọ, trong từng gam màu. Rất ít bắt gặp những màu nguyên trong tranh của Trịnh Tú. Ông luôn cho chúng những cơ hội được hòa vào nhau, được thể hiện trên khung vải với những “tinh thần” rất khác nhau. Có lẽ điều ấy khiến cho tranh của ông không “ồn ào”, dữ dội mà ý nhị, có duyên – một nét duyên thầm lặng nhưng mời gọi và níu kéo những ánh mắt biết thưởng ngoạn.
Ngoài hoa thì hình thể phụ nữ chiếm phần lớn các bức tranh ở triển lãm này. Điều đáng nói là những bức khỏa thân ấy đều được ông thể hiện ước lệ nhưng vẫn hết sức gợi cảm. Những bức vẽ hoa cũng vậy, thật khó gọi tên chính xác loài hoa trong từng tác phẩm bởi người nghệ sĩ chỉ chú tâm nắm bắt cái “hồn” của hoa, hay nói khác là thể hiện cảm xúc của mình trước những tuyệt tác ấy của thiên nhiên. Phải chăng, tất cả những điều đó đã làm nên sự khác biệt, dấu hiệu để nhận biết Trịnh Tú một cách ấn tượng nhất ở ngay lần triển lãm đầu tiên này, cả với những người lần đầu xem tranh của ông.
Còn với những người quen biết họa sĩ Trịnh Tú lâu nay, có lẽ không ai ngạc nhiên về phong cách hội họa ấy, bởi ngoài việc mấy chục năm vẽ minh họa cho rất nhiều tờ báo, Trịnh Tú còn là cây bút rất có duyên. Trong những bài viết về mỹ thuật hay âm nhạc cổ điển – hai lĩnh vực mà ông yêu thích – bao giờ Trịnh Tú cũng có những nhận xét rất chính xác về mặt học thuật với những từ ngữ được dùng rất “đắt” khiến người đọc dễ dàng cảm nhận được những hiểu biết, tình cảm mà người viết muốn chia sẻ. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao màu sắc trong tranh của ông lại dịu dàng đến thế, và những nét cọ lại nhẹ nhàng như thế.
Đến với phòng tranh, không ít người thấy “tiếc” cho Trịnh Tú, rằng giá như ông chuyên tâm vào hội họa sớm hơn… Nhưng rõ ràng với triển lãm này ông đã khẳng định với người xem rằng, chỉ có khi nào cảm xúc trong người nghệ sĩ được đong đầy thì mới có thể chia sẻ được với người khác một cách hoan hỉ và trọn vẹn nhất. Đây cũng chính là cái cách ông thể hiện sự tôn trọng với những người đến với phòng tranh của mình.
- Diễm Anh