Đau bụng là một triệu chứng dễ gặp trong cuộc sống hằng ngày vì gần 80% các bệnh lý đường tiêu hóa có biểu hiện triệu chứng là đau bụng. Đau bụng rất đa dạng như: đau quặn thắt, đau nhói từng cơn, đau nhẹ kéo dài… Không phải lúc nào đau bụng cũng là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm cần được điều trị, có những dạng đau bụng có thể tự khỏi như rối loạn tiêu hóa.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Về chuyên khoa, đau bụng thường chia làm hai dạng: đau bụng cấp tính và đau bụng mãn tính. Đau bụng cấp tính là các dạng đau bụng xuất hiện đột ngột và kéo dài không quá hai tuần. Còn đau bụng mãn tính là các đau bụng biểu hiện tương đối nhẹ và kéo dài trên hai tuần.
Đau bụng cấp tính được cho là nguy hiểm nếu kèm theo các triệu chứng: sốt cao, tiêu chảy có máu vì đó có thể là biểu hiện của nhiễm trùng đường ruột. Nếu đau bụng dữ dội kèm với tình trạng trướng bụng, nôn ói, không thể đi tiêu, không thể đánh hơi là những dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp thủng tạng rỗng như dạ dày nên bệnh nhân cần đến bác sĩ khám ngay.
Đau bụng cấp tính do ngộ độc thức ăn thường có các biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, sốt và đau bụng quặn từng cơn; biểu hiện nhiều hay ít tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể và loại vi trùng. Đa số các trường hợp ngộ độc thức ăn có thể tự khỏi, chỉ cần bệnh nhân ăn uống đủ chất dinh dưỡng và bù nước đầy đủ. Trừ trường hợp sốt cao, phân có máu là các biểu hiện của nhiễm vi trùng, cần gặp bác sĩ để dùng kháng sinh đúng chỉ định.
Một sai lầm phổ biến khi bị ngộ độc thức ăn là bệnh nhân thường kiêng ăn uống vì sợ ăn vào thì tình trạng tiêu chảy sẽ nặng hơn. Thực tế thì ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là việc vô cùng cần thiết, giúp niêm mạc ruột mau hồi phục và điều trị tiêu chảy nhanh hơn. Các loại thuốc điều trị tiêu chảy bán không theo toa chỉ dùng khi thật cần thiết (như khi đi du lịch), không nên dùng tùy tiện cho trẻ em hoặc người lớn tuổi.
Đau bụng mãn tính (kéo dài) thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện ở người trên 40 tuổi, trong gia đình có tiền sử ung thư đại tràng và kèm theo các biểu hiện: sụt cân không rõ nguyên nhân, đi tiêu ra máu, sốt nhẹ kéo dài, hay bị tiêu chảy hoặc táo bón. Đây có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như ung thư hoặc viêm loét đường tiêu hóa, cần gặp bác sĩ sớm để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, một trong những bệnh lý hay gặp của đau bụng mãn tính là hội chứng dạ dày – ruột kích thích, chiếm gần 80% bệnh nhân đi khám bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân của hội chứng này hiện nay chưa được biết rõ, có lẽ do sự căng thẳng thường xuyên và chế độ ăn uống nhiều chất béo. Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý lành tính, gây đau bụng hoặc đi tiêu phân sống kéo dài, không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân nên người bệnh chỉ cần được bác sĩ tư vấn kỹ về cách thay đổi lối sống để giảm stress, từ đó khắc phục được triệu chứng đau bụng và để tránh lạm dụng thuốc. Trước khi xác định hội chứng này, bác sĩ cần phải thăm khám kỹ bằng xét nghiệm máu hoặc nội soi dạ dày, đại tràng để loại trừ các bệnh lý thực thể như viêm loét, ung thư.
Không nên quá tin tưởng vào siêu âm trong chẩn đoán bệnh
Một thói quen thường thấy ở bệnh nhân là tự chẩn đoán bệnh liên quan đến đau bụng, ngay cả khi trò chuyện với bác sĩ. Chẳng hạn như khi đau bụng vùng thượng vị, rất nhiều bệnh nhân tự khẳng định mình bị đau dạ dày. Thực tế thì đau bụng vùng thượng vị có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: sỏi túi mật, u gan, u tuyến tụy, thậm chí ung thư đại tràng. Vì vậy, bệnh nhân nên nói rõ với bác sĩ triệu chứng đau bụng và các triệu chứng kèm theo, có liên quan đến việc ăn uống hay không. Không nên tự chẩn bệnh để tránh trường hợp chỉ quan tâm đến một nguyên nhân mà bỏ sót các bệnh khác.
Thực tế thăm khám cho thấy, việc nội soi dạ dày, siêu âm bụng rất dễ thực hiện nên hay bị lạm dụng ở nhiều cơ sở y tế. Bệnh nhân và bác sĩ lại quá tin tưởng vào khả năng phát hiện bệnh của phương pháp siêu âm nên dễ dàng bỏ qua nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh lý u tuyến tụy hoặc ung thư gan ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện bằng cách siêu âm nhiều lần. Phương pháp nội soi đại tràng phức tạp hơn nên ít được thực hiện, hậu quả là các bệnh lý đại tràng thường phát hiện ở giai đoạn muộn khi bệnh nhân đã đi tiêu ra máu kéo dài.
Những trường hợp đau bụng nghiêm trọng mà không tìm ra nguyên nhân sau khi siêu âm bụng, nội soi dạ dày và đại tràng thì cần tiếp tục thực hiện chụp CT bụng để tìm ra những nguyên nhân phức tạp hơn. Nếu tất cả các khảo sát đều cho kết quả bình thường, bệnh nhân sẽ được chuẩn đoán là hội chứng dạ dày – ruột kích thích. Trong trường hợp có kèm theo các triệu chứng nguy hiểm nói trên, bệnh nhân cần phải theo dõi sát và kiểm tra lại các khảo sát trong thời gian từ ba đến sáu tháng.