Phục chế nghệ thuật là một trong những công việc đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng để thực hiện chính xác. Nhưng nếu nó được thực hiện một cách tồi tệ bởi những “chuyên gia” không đủ trình độ thì nó sẽ trở thành một câu chuyện cảnh báo. Chẳng hạn như một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng sau đây.
Tượng Đức Mẹ Maria bồng Chúa Hài đồng
Một tác phẩm điêu khắc về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng đã bị phá hoại, và chẳng biết ai đã bẻ gãy đầu của Chúa Hài đồng. Tuy phần đầu ban đầu đã biến mất, có rất nhiều bức ảnh vẫn tồn tại, vì vậy việc khôi phục đã được tiến hành.
Một nghệ sĩ tên là Heather Wise đã tình nguyện gia công để làm ra phần đầu mới. Cô bắt tay vào việc và trong khi có rất nhiều bức tranh còn chưa hoàn thành thì phần đầu cô đã tạo ra trông chẳng khác gì tác phẩm điêu khắc thô thiển.
Hơn nữa, chính xác nhìn nó cũng không giống con người. Những gì chúng ta thấy hiện nay từ một bức tượng đẹp một thời đã trở thành một ví dụ đáng sợ về những điều không nên làm khi khôi phục một bức tượng bị hỏng.
Cái đầu có vẻ ngoài giống như tranh hoạt hình và được làm bằng đất nung; vì vậy, nó không giống với bức tượng chút nào. Cô định chế tạo chiếc đầu mới từ đá nhưng đã dành một buổi chiều để tạo ra chiếc đầu quái dị để thay thế.
May mắn thay, câu chuyện đã được lan truyền rộng rãi và tên trộm đã trả lại chiếc đầu ban đầu; vì vậy, “tác phẩm phục chế” của đã Wise nhanh chóng được gỡ bỏ để phục hồi lại đúng cách.
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc
Nhiều phần của Vạn Lý Trường Thành đã không chống chọi nổi với sự tàn phá của thời gian và quân Mông Cổ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để bảo tồn các khu vực khác nhau vì lợi ích của du lịch. Một số phục hồi đã làm cho bức tường trông như ban đầu trong khi những nơi khác lại chẳng ra làm sao.
Một trong những phần đẹp nhất của bức tường đã cho thấy sự thất bại lớn về nỗ lực trùng tu là vào năm 2016. Mục tiêu của việc trùng tu là duy trì vẻ nguyên sơ của bức tường nhưng không để nó đổ nát. Kết quả chỉ là một mớ hỗn độn.
Phần dài 780 mét của bức tường không được xây lại bằng bất kỳ mảnh đá ban đầu nào. Thay vào đó, nó được lát bê tông. Phần trên cùng của bức tường được làm nhẵn nhụi, điều này trở thành sự phá hủy hoàn toàn.
Phần tường dài không còn trông giống như trước đây nữa. Bây giờ nó trông giống như một vỉa hè hơi cao và không có bất kỳ di tích lịch sử nào. May mắn là trường hợp “trùng tu” cụ thể này đã được điều tra và các dự án tương lai liên quan đến Vạn Lý Trường Thành sẽ được giám sát kỹ lưỡng hơn.
Bộ râu Mặt nạ thần chết của Tutankhamen
Mặt nạ của Tutankhamun được cho là một trong những vật tạo tác và tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, nổi tiếng nhất trên thế giới. Mặt nạ được tìm thấy vào năm 1925 trong lăng mộ của vị pharaoh trẻ tuổi và là một ví dụ tuyệt đẹp về nghệ thuật điêu luyện thời cổ đại.
Khi được tìm thấy, chiếc mặt nạ đã có tuổi đời 3.248 năm nhưng nó vẫn ở trong tình trạng nguyên sơ. Đáng tiếc điều đó không kéo dài lâu và vào năm 2014, bộ râu bị gãy và chiếc mặt nạ đã phải trải qua những nỗ lực phục hồi để bảo tồn nó.
Bộ râu tết nặng 2,5kg; vì vậy, việc gắn lại nó đòi hỏi kiến thức và kỹ năng để bảo đảm được thực hiện đúng cách. Nhưng các nhân viên bảo tàng đã vội vàng dán nó trở lại chiếc mặt nạ một cách không khéo léo.
Việc sửa chữa dẫn đến nhiều hư hỏng hơn vì quá trình được thực hiện quá yếu kém, những người liên quan bị buộc tội sơ suất và vi phạm các tiêu chuẩn chuyên môn về sự cố. “Công việc sửa chữa” của họ đã để lại những vết xước và những vết khoét sâu do họ cố gắng loại bỏ lớp keo tích tụ.
May mắn có một nhóm chuyên gia ở Đức đã sửa chữa lại chiếc mặt nạ này vào năm 2015. Công việc của họ là sửa chữa những hư hỏng và gắn lại bộ râu theo đúng cách.
Lâu đài Matrera, Tây Ban Nha
Khôi phục các tòa nhà cổ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, dẫu sao vẫn cần có cách làm phù hợp, và đó là trường hợp của lâu đài Matrera. Lâu đài được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 để bảo vệ thành phố Iptuci, và đến thế kỷ 13, nó đã được xây dựng lại, mặc dù vậy nó đã rơi vào cảnh đổ nát trong những năm can qua.
Vào năm 2010, lâu đài vẫn còn đó nhưng đã trơ trọi. Một vài bức tường vẫn đứng vững, và những tàn tích còn lại đã bị thời tiết làm hư hại; vì vậy. một dự án trùng tu đã được khởi động. Đứng đầu là kiến trúc sư Carlos Quevedo Rojas, ông đã quản lý dự án trong 5 năm cho đến khi hoàn thành vào năm 2015.
Mục tiêu của ông là “khôi phục hình khối, kết cấu và sắc điệu ban đầu tòa tháp đã có. Do đó, bản chất của dự án không nhằm mục đích là một hình ảnh của tương lai, mà là sự phản ánh quá khứ và nguồn gốc của chính nó”.
Nói gì thì nói, kết quả cuối cùng đã khiến người dân địa phương vô cùng phẫn nộ; họ đã từng nhìn thấy lâu đài cổ kính khi còn hoàn toàn đổ nát. Tổ chức Di sản văn hóa của Tây Ban Nha Hispania nostra đã gọi điều đó là “tuyệt đối khủng khiếp”. Về mặt kiến trúc, nó đã được thực hiện tốt, nhưng về mặt văn hóa và lịch sử, di tích quốc gia này đã bị phá hủy hết.
“Thánh George và con rồng”, Estella, Tây Ban Nha
Nhà thờ St Michael ở Estella, Navarre là nơi có bức tượng Thánh George và con rồng đa màu sắc thế kỷ 16, nhưng sau nhiều thế kỷ, nó đã bị hư hỏng. Màu sắc phần lớn đã phai mờ, vì vậy các nỗ lực trùng tu đã bắt đầu vào năm 2018.
Một nghệ sĩ địa phương đã được kêu gọi để sửa chữa bức tượng, nhưng kết quả cuối cùng trông không giống như cách nó được tạo ra. Thay vì vậy, vẻ ngoài của nó trông không khác gì như trong phim hoạt hình, Thánh George có đôi má ửng hồng, khiến ông ta trông giống nhân vật Tintin hơn là Thánh George.
Việc trùng tu là một thảm họa vì nó được thực hiện kém cỏi, bức tượng “không được đặt lại vào chỗ cũ” để sau này hy vọng nó có thể được phục hồi đúng cách. Sau đó một quá trình làm việc chăm chỉ đã được thực hiện để hoàn tác tất cả các thiệt hại được thực hiện trong lần trùng tu ban đầu. Dù sao, sau 1.000 giờ làm việc, nó đã được sửa chữa phần lớn.
Phần lớn lớp sơn ban đầu đã bị mất trong quá trình trùng tu. Nhưng bức tượng trông đẹp hơn so với trước khi có bất kỳ nỗ lực sửa chữa nào. Cuối cùng, quá trình phục hồi lẽ ra có giá khoảng 10.000 euro thì chi phí lên tới gần 33.000 euro. Rốt cuộc, tổng giáo phận Pamplona buộc phải nộp phạt 6.000 euro cho thiệt hại.
“Santa Bárbara” – Fortaleza De Santa Cruz, Brazil
Nhà nguyện Santa Cruz da Barra từng là nơi đặt bức tượng Santa Barbara bằng gỗ thế kỷ 19, và đến năm 2012, nó cần được trùng tu. Theo thời gian, lớp sơn đã phai màu; vì vậy, các nhà bảo tồn từ Museu Histórico do Exército ở Rio được giao nhiệm vụ khôi phục nó.
Người ta đã dành 6 tháng nghiên cứu chi tiết bức tượng để đưa nó trở lại vẻ rực rỡ trước đây, nhưng kết quả cuối cùng khác xa những gì nhà nguyện mong muốn. Những người phục chế đã loại bỏ 4 lớp sơn mà họ thay thế bằng một vật phẩm màu sắc kỳ lạ được mô tả là búp bê Barbie, chứ không phải Santa Barbara.
Bức tượng nhận được những mô tả là “phục chế xấu”. Làn da trắng bệch và kẻ viền mắt quá đậm. Những chiếc áo choàng được tô màu sặc sỡ khiến bức tượng trông lạc lõng hẳn trong nhà nguyện.
Phần tồi tệ nhất của việc khôi phục là phục chế những thứ không cần thiết, ít nhất nó không nằm trong phạm vi phải làm. Nói chung, nó chỉ cần được làm sạch toàn thể cùng với một vài chỉnh sửa. Nhưng những người phục chế đã lột bỏ hoàn toàn và sơn lại bức tượng, phá hủy vẻ đẹp ban đầu của nó trong quá trình.
“Thánh Antôn thành Padua”, Soledad, Colombia
Một bức tượng bằng gỗ của Thánh Antôn thành Padua (San Antonio de Padua) ở Soledad, Colombia, cần được trùng tu vào năm 2018 vì màu sắc đã mờ đi phần lớn. Về mặt cấu trúc, bức tượng rất đẹp, nhưng nếu không có màu sắc phù hợp, nó đã mất đi phần lớn những gì khiến nó nổi bật trong nhà nguyện.
Bức tượng được chạm khắc vào thế kỷ 17; vì vậy, nó đã bị hao mòn theo thời gian, và nhà thờ đã ủy quyền cho một nghệ nhân sửa chữa nó. Nhưng anh ta là một họa sĩ, không phải một chuyên gia phục chế chuyên nghiệp và vì thế có một sự khác biệt.
Công việc mà nhà họa sĩ làm chắc chắn đã khôi phục sự sống động của bức tượng, nhưng không phải theo cách mà các giáo dân đánh giá cao. Những bình luận xung quanh tác phẩm thường dán nhãn nó là “quá kém cỏi”, trông như thể Thánh Antôn mang trang điểm vậy.
Thật vậy, việc kiểm tra cận cảnh bức tượng khiến bức tượng trông như thể vị thánh đã được thoa son bóng, tô phấn mắt và vẽ thêm màu trên đôi má. Một giáo dân đã mô tả bức tượng: “Ngài không còn là người bảo trợ như tôi đã cầu nguyện trong 12 năm qua; họ bôi phấn mắt, đánh má hồng và thậm chí tô son bóng lên môi, trông ngài thật ẻo lả làm sao!”.
Các bức bích họa Phật giáo ở thị trấn Triều Dương, Trung Quốc
Ngôi đền 270 năm tuổi ở Triều Dương, Trung Quốc từng là nơi lưu giữ một số bức bích họa tuyệt đẹp của triều đại nhà Thanh, nhưng thời gian đã làm chúng mất đi gần hết. Những gì còn lại là những hình vẽ, nhưng phần lớn màu sắc đã bị mờ từ lâu. Chúng là một ví dụ điển hình của thời kỳ này và đã được khôi phục vào năm 2013.
Thay vì khôi phục các hình ảnh ban đầu, có vẻ như người khôi phục đã dựa vào nó để vẽ một bức tranh hoàn toàn mới lên họa phẩm đã bị mờ. Mặc dù điều đó có thể chấp nhận được phần nào nếu nó theo đúng phong cách vẽ ban đầu, nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra.
Bức bích họa mới trông giống như một bức tranh hoạt hình. Nó sử dụng các màu sắc tươi sáng giống như bạn có thể xem trong một bộ phim của hãng Disney. Những bức tranh ban đầu đã bị phá hủy, và những bức tranh mới là một nhắc nhở đau đớn về những gì đã bị mất.
Một quan chức phụ trách các vấn đề về đền thờ và một quan chức khác làm trưởng nhóm giám sát di sản văn hóa ở Triều Dương đã bị sa thải vì việc trùng tu trái phép. Điều đáng tiếc là thiệt hại đã được gây ra và các bức bích họa ban đầu bị phá hủy hoàn toàn.