Ðồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa đa dạng, chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá. Chỉ riêng những gì của vương quốc Phù Nam thôi đã là một vấn đề lớn mà tính thời sự của nó vẫn đang được tranh cãi, dù đã có nhiều phát hiện mới được giới thiệu tại các hội thảo, báo cáo khoa học.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, Phù Nam hiện ra qua những phát hiện đầu tiên của các viên chức sĩ quan người Pháp sau đó công việc đào bới, khảo cứu của các nhà khoa học Pháp như H. Fotaine, J. Bonchot, E. Saurin… hé mở rộng hơn của một nền di chỉ có nhiều niên đại khác nhau thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc cổ đại Phù Nam. Cũng cần nói thêm rằng sở dĩ chúng ta gọi nền văn hóa ấy là Óc Eo bởi đó là tên của một di tích khảo cổ lớn nhất nằm trên cánh đồng Óc Eo thuộc địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Chính nơi đây cuộc khai quật đầu tiên vào năm 1944 do L. Malleret làm chủ sự đã chính thức làm sống dậy nền văn hóa nằm im dưới lòng đất hàng nghìn năm nay. Sau đó, chính L.Malleret đã không ngần ngại coi di tích Óc Eo là một thành phố – miền cảng thị lớn của đồng bằng sông Cửu Long có niên đại cách nay khoảng từ 1.900 năm đến 1.300 năm.
Chính nền văn hóa này là một bộ phận quan trọng tạo nên nền văn minh của vương quốc phía Nam được các cổ sử Trung Hoa ghi chép một cách tỉ mỉ thông qua con đường buôn bán, ngoại giao. Từ những khai quật được từ di chỉ Óc Eo, các nhà khoa học đã phác họa ra một chân dung mà theo E. Genet Varcin khi tiến hành nghiên cứu di cốt thu được ở Cạnh Ðền (Kiên Giang) cho rằng người bản địa văn hóa Óc Eo thuộc chủng Indonesien, hay chúng ta còn gọi là chủng Proto – Malais mà trong quá khứ đó là sự pha tạp của những yếu tố nhân chủng khác. Tuy nhiên, với những hiện vật tìm được cùng với những ghi chép của các cổ sử Trung Hoa, chúng ta vẫn chỉ có thể hiểu được một phần nhỏ trong không gian văn hóa phong phú và đa dạng như vương quốc Phù Nam. Ðiều đó có thể nói rằng văn hóa Phù Nam vẫn đang là một hấp lực chào mời các nhà nghiên cứu đến để khám phá và truy tìm.
Một số đặc trưng của vàng lá trong các di tích khai quật
Vàng lá đa phần được tìm thấy trong các cuộc khai quật ở những di chỉ mộ táng hay đền tháp của văn hóa Óc Eo. Theo số liệu thống kê của GS. Lê Xuân Diệm trong “Văn hóa Óc Eo – những khám phá mới” thì có gần 1.000 hiện vật, nhưng số lượng thực tế thì lớn hơn gấp 2 lần con số đã được công bố. Sự rơi vãi các hiện vật này chủ yếu lọt vào tay các nhà sưu tập cổ vật và những dân buôn bán cổ vật chợ trời. Tuy nhiên, những hiện vật vàng được phát hiện từ sau năm 1975 mà GS. Lê Xuân Diệm công bố cũng đã đầy lý thú, đặc biệt nhất là những hiện vật vàng lá trong các di chỉ của văn hóa Óc Eo. Tất cả vàng lá được phát hiện có rất nhiều hình dạng khác nhau tập trung nhiều và trội là hình chữ nhật, hình bình hành, hình tròn với những kích cỡ từ nhỏ đến rất nhỏ, trong đó loại nhỏ nhất chỉ có kích cỡ từ 0,5cm đến 2,0cm, loại trung bình có kích thước từ 2,0cm đến 5,0cm và loại lớn nhất chỉ dừng lại ở 5 – 8cm mà thôi. Kích thước là thế nhưng trọng lượng của chúng thì vô cùng phong phú. Chẳng hạn 312 hiện vật vàng lá được phát hiện tại Ðá Nổi thì có đến 143 vàng lá cân nặng từ 0,1 đến 1 phân, chiếm tỷ lệ 45,61%, số 96 vàng lá khác cân nặng được từ 1,1 đến 2 phân, chiếm 29,95%, có 43 lá vàng cân nặng từ 2,1 đến 4 phân, chiếm tỷ lệ 13,42% và cuối cùng, 30 vàng lá có trọng lượng cao nhất đạt từ 4,1 đến 6,5 phân. Như vậy, từ di tích Ðá Nổi, trọng lượng phổ biến của các vàng lá trung bình chỉ đạt từ 0,1 đến 2 phân. Tuy nhiên, qua đối chiếu, chúng ta vẫn có thể xem đây là mẫu số chung cho trọng lượng của tất cả những hiện vật vàng lá ở Óc Eo. Có trọng lượng nhẹ, kích cỡ nhỏ, không mang tính hoành tráng, vàng lá Phù Nam đã cõng trên mình những thông điệp của xã hội đương thời mà nội dung chủ yếu là vai trò điều hành xã hội của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, từ bản địa đến du nhập. Khám phá từ những đặc trưng cơ bản của vàng lá Phù Nam, ta có thể thấy được vai trò phù chú luôn nổi trội hơn trong các đề tài khác. Có lẽ chính yếu tố phù chú đã giúp cho những là vàng này chịu nằm yên trước sự thèm khát của con người qua nhiều thế hệ.
Thông điệp từ những lá vàng
Hoa văn là đề tài trang trí được xem là nổi trội hơn cả so với các đề tài khác. Nó được thể hiện trên gần đến 298 vàng lá được tìm thấy ở các di tích như Nền Chùa, Gò Tháp, Ðá Nổi, Gò Xoài, Gò Thành, Kè Một và Gò Hang. Hoa văn trên những vàng lá được tìm thấy trong các lòng tháp, đền thờ hay những nơi mộ táng cổ là một loại hình linh phù của nền tôn giáo bản địa hay sự pha trộn giữa tính bản địa với tôn giáo Bà La Môn. Tính phù chú ấy cho đến nay vẫn còn thấy ở những cư dân của người Chăm, Khmer… mà mục đích chính của nó là giúp cho người đã chết được phép trở về với thế giới bên kia và người đang sống không bị sự quấy nhiễu của linh hồn người chết. Những lá vàng có tính linh phù ấy được trang trí theo các họa tiết hoa văn mà trong lúc xuất thần, vị pháp sư nào đó ngẫu hứng viết ra hay dựa theo những ký tự có sẵn của họa tiết linh phù do các vị khai sáng trường phái ma thuật, phù chú đã quy định. Trong ứng dụng phù chú của ma thuật, cách trình bày những họa tiết ấy người ta gọi là “linh phù họa tiết thần vị”. Trong cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long nổ ra tại Sài Gòn, ông đã cho các tín đồ, chiến sĩ của mình đeo những lá bùa hộ thân, trong đó có vẽ rất nhiều họa tiết hoa văn xung quanh chữ của linh phù. Những họa tiết ấy đã có những nét tương đồng với các hoa văn được chạm khắc trên những lá vàng Phù Nam.
Bên cạnh loại hình hoa văn, đề tài con người cũng xuất hiện khá nhiều. Theo thống kê từ 100 hiện vật vàng lá thì có đến 44 mảnh vàng được chạm hình người, hình nhân thành hình người thú, người chim và bàn chân người. Có lẽ đây là quy định chung của cách trình bày một phù chú có đẳng cấp cao. Việc sử dụng những lá vàng có nội dung được nói ở trên đa phần xảy ra trong các cuộc hiến tế của tôn giáo Bà La Môn, cá biệt có cả các vị pháp sư dân gian dùng. Ðiều chứng minh rõ nét nhất là ngay cả như một lá vàng có khắc minh văn bằng chữ phạn (Sanskrit) tìm thấy được tại di chỉ Gò Xoài (Long An) cũng là một lá linh phù. Loại linh phù này được chôn dưới tượng Phật mỗi khi người ta làm lễ an vị tượng thờ trong đền chùa. Vì sao ta biết nó là lá vàng linh phù? Lý do là ngoài yếu tố của pháp thân kệ được trích trong phần của Kinh Tạo tượng Công Ðức ghi trong lá vàng này, ta còn thấy có sự xuất hiện của thần chú dhàrani của Mật Tông phật giáo với câu kết của nó là “Liki limilikirtti, Caramudke mudramukhe Svàhàh”. Ðây là câu thần chú dùng cho việc trấn giữ chùa chiền, nhà cửa của các vị pháp sư thuộc hệ phái Mật Tông.
Như vậy, có thể thấy rằng yếu tố cơ bản của các vàng lá tìm được ở các di chỉ trong nền văn hóa Óc Eo của cư dân Phù Nam chủ yếu mang một nội dung duy nhất là tính ma thuật và phù chú. Tuy nhiên, thông qua đó chúng ta đã đôi phần biết được nhiều thông tin về yếu tố cư dân và hình thái xã hội của người Phù Nam cổ đại, vốn vẫn còn những điều bí mật mà chúng ta chưa khám phá ra. Cần có nhiều thời gian và công sức mới mong giải mã đôi phần về tính năng của các lá vàng này. Hy vọng từ những phát hiện đầu tiên này, có lẽ một ngày không xa nữa chúng ta sẽ mở tung cánh cửa bí ẩn của những lá vàng Phù Nam trong nền văn hóa Óc Eo đầy huyền thoại.