Với một tác phẩm của Paul Gauguin lập kỷ lục giá tranh cao nhất từ trước tới nay và với kỷ lục mới nhất về giá tranh của họa sĩ Đức đương thời Gerhard Richter, lợi nhuận đã che khuất sự sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật như nhận định của chính Gerhard Richter.
Trong buổi đấu giá đêm 10-3 vừa qua tại nhà Sotheby’s ở London, bức tranh khổ lớn Abstraktes Bild (Tranh trừu tượng) của họa sĩ người Đức Gerhard Richter đã được bán với giá 30,4 triệu bảng Anh (tương đương 46,3 triệu USD), vượt qua kỷ lục trước đó của tranh Richter là bức Domplatz, Mailand(Quảng trường Nhà thờ ở Milan), được bán năm 2013 tại nhà Sotheby’s ở New York với giá 37 triệu USD. Ở tuổi 83 và vẫn còn sáng tác đều tay, Gerhard Richter là một trong vài họa sĩ thế hệ sau 1945 hiện có giá tranh cao nhất trên thị trường mỹ thuật thế giới. Trước đó, bức tranh sơn dầu Abstraktes Bild có chiều cao tới 3,5m, rực rỡ với sắc đỏ, xanh lá cây và xanh dương được ước tính có thể bán với giá khoảng 14-20 triệu bảng Anh nhưng đã được một người mua giấu tên trả cái giá cuối cùng qua điện thoại. Vào tháng 5-1999, tại nhà Sotheby’s ở New York, Abstraktes Bild được bán với giá 607.500 USD.
Gerhard Richter: “Giá tranh khiến tôi ghê tởm!”
Vì sao giá tranh của Gerhard Richter nói riêng và của nhiều tác giả nổi tiếng khác, còn sống hay đã qua đời, ngày càng cao như thế trên các sàn đấu giá? Đây là lý giải của nhà buôn tranh Christophe Van de Weghe ở New York: “Những ngày này có rất nhiều nhà sưu tập có thể mua một bức tranh với giá cao như thế. Và có nhiều bảo tàng tư nhân đang mở ra trên khắp thế giới”.
Nhưng người mua tranh ở Sotheby’s hay Christie’s hoặc các nhà đấu giá tên tuổi khác không chỉ tranh nhau tác phẩm của Richter và những họa sĩ bậc thầy. Phiên đấu giá ngày 10-3 ở nhà Sotheby’s London được mở đầu với bức Phía trước xưởngvẽ của họa sĩ người Mỹ Jonas Wood chưa được mấy người biết đến. Vậy mà chỉ trong vài phút đầu tiên, giá tranh đã tăng vọt từ 45.000 lên 200.000 bảng, để rồi được bán với giá 365.000 bảng, gấp 10 lần giá tranh đã từng bán của Jonas Wood! Cũng trong phiên đấu giá đó, một bức tranh của họa sĩ Ý Lucio Fontana đã được bán với giá 8,4 triệu bảng, một chân dung tự họa của họa sĩ Francis Bacon đạt mức giá 14,7 triệu bảng trong khi chỉ được bán với giá 353.500 bảng vào năm 1993.
Lẽ ra phải hân hoan trước kỷ lục mới giá tranh của chính mình, Gerhard Richter đã có phản ứng ngược lại. Ông nói với tờ nhật báo Die Zeit: “Những kỷ lục cứ bị phá vỡ và mỗi lúc như thế phản ứng tức thời của tôi là sự ghê tởm cho dù đó là những tin vui đi nữa”. Họa sĩ tin rằng giá tranh kỷ lục đó là “điên rồ” và nó sẽ nát vụn “khi thị trường mỹ thuật tự điều chỉnh”.Ông cũng cho biết giá bức Abstraktes Bild đã tăng gấp 5.000 lần khi ông bán nó vào năm 1986.Ngày ấy, bức tranh được bán với giá khoảng 15.000 mark (chừng 11.350 USD) cho một nhà sưu tập ở Cologne nhưng tác giả “đã rất tự hào khi nó thuộc về bộ sưu tập ấy”. Richter còn cho biết: không một ai trong số những người mua tranh của ông những năm gần đây từng liên hệ với ông để bày tỏ sự yêu thích đối với cá nhân ông hoặc với tác phẩm, họ chỉ quan tâm tới giá trị của khoản đầu tư đã bỏ ra để mua tranh. Richter khẳng định rằng người ta mua tranh ông như một cách đầu tư an toàn, lại được miễn thuế và sau đó “nhốt” tranh vào những kho đặt tại Thụy Sĩ hay ở các nước vùng Đông Á. Cũng theo ông thì: “Họa sĩ chúng tôi hầu như chẳng được hưởng lợi gì cả từ các cuộc đấu giá đó. Ngoại trừ một miếng bé nhỏ, tất cả lợi nhuận đều về tay giới buôn tranh”.
Trước thực trạng thị trường mỹ thuật đang bị chi phối hoàn toàn bởi các khoản lợi nhuận khổng lồ, Richter cho biết: “Thật đáng báo động, đặc biệt là khi anh nhìn qua các vựng tập (đấu giá). Họ thường gửi đến cho tôi và các vựng tập ấy ngày càng tệ hại. Bạn không thể hình dung được người ta chào hàng những thứ rác rưởi, và giá cả của chúng đang tăng mãi”. Với ước muốn tác phẩm của mình có thể đến với nhiều người bình thường, Richter đã từng vẽ 100 bức tranh khổ nhỏ và bán chúng với giá rất rẻ, thế nhưng: “Họ (người mua được tranh ông với giá rẻ) đã bán lại chúng ngay lập tức và cuối cùng thì chúng lại được đưa ra đấu giá… Bạn không thể nào trốn thoát khỏi thị trường”.
Còn bức tranh nào giá cao hơn 300 triệu USD?
Hơn một tháng trước, vào thượng tuần tháng 2-2015, thị trường mỹ thuật thế giới đã rúng động khi biết tin một bức tranh của Paul Gauguin – được ông vẽ năm 1892 khi đến sống ở Tahiti và được ông đặt tên theo thổ ngữ Polynesia là Nafea Faa Ipoipo?(Khi nào bạn lấy chồng?) – đã được bán với cái giá kinh hoàng: 300 triệu USD, vượt xa những kỷ lục về giá tranh tượng đã bán từ trước tới nay. Người bán là ông Rudolf Staechelin, 62 tuổi, một cựu viên chức của Sotheby’s hiện sống ở Basel (Thụy Sĩ) và thuộc một gia đình là sở hữu chủ của hơn 20 tác phẩm có giá trị thời Ấn tượng và Hậu – Ấn tượng. Trước khi được bán, bức tranh Gauguin nêu trên được gia đình ông cho Bảo tàng Kunstmuseum Basel mượn trưng bày trong gần nửa thế kỷ.Ông Staechelin cho biết đã rất buồn khi phải quyết định bán bức tranh, nhưng đã đến lúc ông phải phân chia tài sản gia đình và bởi “Các bộ sưu tập cá nhân cũng giống như cuộc đời các cá nhân, chúng không tồn tại mãi mãi được”. Trong những ngày không bán vé trước khi tạm đóng cửa để tôn tạo, tân trang, Bảo tàng Kunstmuseum Basel đã tràn ngập khách tham quan, đặc biệt là những người muốn được xem bức Nafea Faa Ipoipo?lần cuối cùng tại đây.
Dù người mua bức tranh ẩn danh nhưng theo các nguồn tin đáng tin cậy thì đó không ai khác hơn là gia đình tiểu vương Qatar. Giới chuyên môn tin rằng cũng chính họ đã mua bức Người đánh bài của Paul Cézanne với giá 250 triệu USD vào năm 2011. Trong vài năm gần đây, gia đình tiểu vương xứ dầu mỏ Qatar và Bảo tàng mỹ thuật Qatar mà họ xây dựng được cho là đã vung các khoản tiền khổng lồ để thâu tóm những tác phẩm mỹ thuật từ thời Ấn tượng tới đương đại của tác tên tuổi như Cézanne, Mark Rothko, Damien Hirst. Người ta cho rằng với nguồn lực về tài chính của mình, các ông hoàng bà chúa xứ Qatar đủ sức khuynh đảo thị trường mỹ thuật, thậm chí các tỉ phú tài chính cũng không thể chạy đua với họ. James Roundell, giám đốc một chi nhánh của gallery nổi tiếng Simon Dickinson ở London nhận định: “Trong thị trường mỹ thuật đang bị vẩn đục, một loại siêu chiến tích mới đang nổi lên. Có những thứ treo ở bảo tàng rồi được cá nhân đem bán, điều đó giải thích vì sao giá chúng cao đến thế. Ngay như khi chúng được đem đấu giá, ai có thể thi đua với mức giá như thế?”.
Giá dầu thô đang ngày một giảm và còn hứa hẹn giảm sâu, những khoản lợi nhuận từ dầu mỏ sẽ ngày càng bé lại trong khi đầu tư vào tác phẩm mỹ thuật chắc chắn hơn, đảm bảo hơn nhiều trong bối cảnh thị trường cứ tiếp tục “vẩn đục” và “điên rồ”. Đó là lý do để tranh Cézanne, Gauguin… và nhiều tác giả lớn khác rồi sẽ đến với tiểu vương quốc Qatar.
- Diên Vỹ