Khoảng mươi năm trở lại đây, so với một số thành phố lớn khác, tốc độ xây dựng những công trình giao thông trọng điểm, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới… của TP.HCM có chậm lại. Sau khi đi đầu cả nước với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tốc độ hiện đại hóa đô thị của thành phố này không còn nổi bật như trước. Nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, số lượng các công trình hạ tầng tại TP.HCM được đưa vào sử dụng và khởi công đã tăng lên đáng kể. Khu đô thị mới Thủ Thiêm dần thành hình, các tuyến cao tốc và sáu cây cầu vượt đã đi vào hoạt động, trải đều ở các quận nội, ngoại thành…
Đặc biệt, tuần qua là một công trình trọng điểm: Ngày 25-7, liên danh nhà thầu Shimizu-Meada (Nhật Bản) đã động thổ gói thầu số 1b xây dựng tuyến tàu điện ngầm trong lòng đất từ nhà ga Nhà hát Thành phố đến nhà ga Nhà máy Ba Son (Q.1) dài 1,8km. Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP.HCM, có chiều dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Trước đó, tháng 8-2012 đã khởi công gói thầu số 2 xây dựng tuyến metro trên cao từ nhà ga Nhà máy Ba Son đến Suối Tiên dài 17,1km. Theo ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, gói thầu số 1b sẽ thi công trước nhà ga Nhà hát Thành phố ở giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi để hoàn thành vào tháng 3-2015, nhằm đồng bộ với dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ và dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ phía trước UBND thành phố. Nếu đúng kế hoạch, tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử năm 2019, trước khi khai thác thương mại từ năm 2020.
Chuẩn bị xây dựng tuyến tàu điện ngầm trong lòng đất từ nhà ga Nhà hát Thành phố
Có hạ tầng là có dự án. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã khởi công các dự án bất động sản ở những khu vực có hạ tầng tốt. Không những thế, một số dự án bất động sản với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng cũng được khởi động. Có thể kể hai dự án tiêu biểu, là Vinhomes Tân Cảng và bán đảo Thanh Đa. Vinhomes Tân Cảng chính thức được khởi công cuối tháng 7 vừa qua, có tổng vốn đầu tư lên đến 30 ngàn tỉ đồng, trên khu đất diện tích gần 43ha ở trung tâm TP.HCM với mặt tiền trải dài theo bờ sông Sài Gòn. Dự án này có mật độ xây dựng chỉ 23%, diện tích công viên cây xanh lên đến 13,8ha, các phân khu chính là khu căn hộ và biệt thự cao cấp, khu văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ, khu trung tâm thương mại và các khu tiện ích khác. Vinhomes Tân Cảng sẽ lập kỷ lục Việt Nam với tòa nhà cao nhất là Landmark 81 tầng. Đại diện UBND TP.HCM cho biết đây là dự án đầu tiên nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 của thành phố, nên sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo của TP.HCM. Sau hơn 20 năm kể từ khi được giao cho nhà đầu tư, dự án bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa thể tiến hành. Mới đây, TP.HCM đã quyết định chọn Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư của dự án có quy mô lên đến 420ha này. Chủ đầu tư mới cho biết sẽ biến Bình Quới – Thanh Đa thành khu thương mại – du lịch – vui chơi giải trí, giáo dục và công nghệ cao, trung tâm hội nghị, hội thảo của thành phố, nhằm thu hút các hội nghị, hội thảo lớn trong và ngoài nước đến để kết hợp với vui chơi nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, dự án sẽ có khu phức hợp bao gồm nhà thấp tầng và một số nhà cao tầng, chủ yếu phát triển về thương mại dịch vụ để thu hút khách quốc tế.
Hy vọng những dự án kể trên sẽ giúp cơ sở hạ tầng đô thị của TP.HCM ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm bất động sản trong tương lai.
Hồng Thuận