Sự cố xảy ra với dòng máy bay Boeing 737 MAX trở thành tâm điểm của ngành vận chuyển hàng không toàn cầu trong năm 2018. Tất cả 371 chiếc Boeing 737 MAX đã bàn giao cho các hãng hàng không thế giới đã bị dừng bay để chờ hãng sản xuất cập nhật phần mềm chỉnh sửa những sai sót của hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay MCAS – nguyên nhân chính được cho là gây ra hai vụ tai nạn gần đây của dòng máy bay này.
Chỉ sau ba ngày kể từ khi vụ tai nạn xảy ra đối với chuyến bay mang số hiệu ET 302 của Hãng hàng không Ethiopia vào ngày 10-3-2019, một tập đoàn hàng không lớn là Lufthansa, gồm các hãng hàng không như Austrian, Swiss, Brussels Air, Germanwings, Eurowings và Lufthansa Airlines, đã loan báo đơn đặt hàng 20 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner trị giá khoảng 5,85 tỉ USD vẫn tiếp tục, bất chấp cơn sóng nghi ngại về độ an toàn của máy bay thương hiệu Boeing đang lan rộng sau tai nạn.
Đây được xem là một hành động đầy ý nghĩa từ một khách hàng lớn, lâu năm dành cho nhà sản xuất máy bay của Mỹ, mặc dù hiện tại không có hãng hàng không nào thuộc Tập đoàn Lufthansa khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX mà thay vào đó là đối thủ A320neo. Lãnh đạo Lufthansa tuyên bố rằng tập đoàn của ông sẽ quan tâm đến Boeing 737 MAX cho những đơn đặt hàng trong năm tới và vẫn đặt lòng tin vào nhà sản xuất máy bay Boeing.
Sự bênh vực của Lufthansa hoàn toàn có cơ sở khi trong quá khứ đã có nhiều dòng máy bay cũng từng rơi vào khủng hoảng nhưng cuối cùng cũng vượt qua và thành công mỹ mãn sau đó như De Havilland Comet, McDonnel Douglas DC-10 và cả Airbus A320.
Được đưa vào khai thác chính thức vào năm 1952, chiếc De Havilland Comet là mẫu máy bay có tốc độ cao, hình dáng đẹp và là đại diện của công nghệ kỹ thuật hàng không đỉnh cao lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong giai đoạn đưa vào khai thác đầu tiên, nhiều chiếc Comet này đã không hoàn thành hết chuyến bay và ở vài tai nạn đầu tiên mà lỗi được xác định là do xuất hiện vết nứt trên cánh máy bay.
Điều đáng nói là sau khi những chiếc Comet đã được sửa chữa, các vụ tai nạn lại tiếp tục xảy ra, mà nặng nhất là liên tiếp các vụ máy bay Comet bị vỡ đôi ngay trong không trung trong khoảng thời gian giữa mùa hè năm 1953 và mùa xuân năm 1954.
Chính phủ Anh phải cho dừng bay tất cả dòng máy bay này vào năm 1954. Một lỗi kỹ thuật khác cũng nhanh chóng được tìm ra sau đó từ tạo hình ô vuông của khung cửa sổ trên thân máy bay làm giảm sức chịu đựng của kim loại dưới tác động của áp suất bên trong khoang và bên ngoài, dẫn đến tình trạng mất áp suất đột ngột trong khi bay.
Ngay sau đó, nhà sản xuất đã tiến hành thay đổi chất liệu kim loại dày hơn đồng thời thiết kế lại ô cửa sổ hình oval của những chiếc De Havilland Comet để đưa dòng máy bay này trở lại thị trường và tiếp tục vận chuyển hành khách cho đến đầu thập niên 1980.
Chiếc máy bay ba động cơ McDonnel Douglas DC-10 được đưa vào khai thác đầu tiên vào năm 1971 và được xem là một đối thủ ở phân khúc nhỏ hơn của chiếc jumbo Boeing 747 thời gian này, nhưng ngay từ lúc khởi đầu DC-10 đã vướng nhiều vấn đề về độ an toàn. Năm 1972, chuyến bay mang số hiệu 96 của American Airlines với một chiếc DC-10 mới toanh đã phải đáp khẩn cấp tại Detroit sau khi bị mất áp suất do cửa khoang hành lý rơi ra. Hai năm sau đó, một chiếc DC-10 khác của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp sự cố tương tự, nhưng hậu quả nặng nề hơn khi máy bay đâm mũi xuống một vùng ngoại ô nước Pháp và nổ tung, khiến toàn bộ 346 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Không dừng ở đó, chuyến bay mang số hiệu 191 của American Airlines do DC-10 thực hiện đã rơi xuống mặt đất ngay khi vừa cất cánh tại sân bay Chicago do một động cơ rơi khỏi máy bay, làm thiệt mạng 271 người cùng với hai người khác tại mặt đất.
Tuy nhiên, với sự trở lại đầy ấn tượng vào năm 2014, DC-10 vẫn tiếp tục là mẫu máy bay đáng tin cậy trong đội bay của các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, United Airlines, Continental Airlines, Northwest Airlines và cũng như vẫn chiếm đa số trong đội bay của hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới FedEx.
Từ lần đầu cất cánh vào giữa thập niên 1980, mẫu máy bay một lối đi A320 đã đem lại danh tiếng lẫy lừng cho nhà sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu Airbus khi trở thành dòng máy bay bán chạy thứ hai trên thế giới chỉ sau Boeing 737. Ưu thế vượt trội của A320 lúc bấy giờ chính là sự hiện diện của hệ thống điều khiển kết nối máy tính tiên tiến – một công nghệ đạt đẳng cấp cao về sự tự động trong ngành công nghiệp hàng không thương mại.
Tuy vậy trong chuyến bay biểu diễn do Air France thực hiện tại một triển lãm hàng không vào năm 1988, chiếc A320 đã đâm xuống đất, khiến ba người trên máy bay thiệt mạng. Theo nhận định của các nhà điều tra sau đó, lỗi lớn nhất của tai nạn này là do các phi công đã quá chủ quan, dựa hoàn toàn vào những công nghệ mới trang bị cho máy bay. Dòng máy bay này sau đó đã nhanh chóng lấy lại sự tin cậy của các hãng hàng không và trở thành dòng máy bay đắt khách nhất thế giới hiện nay.