Ngành hàng không thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với dự báo con số lưu lượng hàng không sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay vào năm 2035. Đi cùng với sự tăng trưởng về khai thác, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu là yếu tố mà các hãng hàng không phải đặt lên hàng đầu và máy bay kết nối vệ tinh là một trong những giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.
Một nghiên cứu từ Trường Kinh tế – Khoa học Chính trị tại London kết hợp với Công ty hàng không Inmarsat đã phát hiện rằng khi tất cả máy bay được kết nối với vệ tinh có thể tiết kiệm hằng năm cho các hãng hàng không đến 15 tỉ USD nhờ vào khả năng gia tăng hiệu quả hoạt động của máy bay cũng như giảm thiểu được 21,3 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2035.
Cùng với những dữ liệu có được từ các khảo sát do Hiệp hội hàng không Thương mại quốc tế IATA thực hiện thông qua những cuộc phỏng vấn các hãng hàng không, các cơ quan quản lý trong ngành, các nhà phát triển và cung cấp các giải pháp phần mềm, thiết bị trên máy bay, bản nghiên cứu chỉ rõ những hiệu quả nổi bật mà một máy bay được kết nối vệ tinh có thể đem lại cho hãng hàng không bao gồm: tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ, giảm thiểu tình trạng hoãn chuyến bay, đem lại thay đổi tích cực cho quy trình bảo trì máy bay, cải tiến phần quản lý trên không cũng như đảm bảo độ an toàn tốt hơn cho mỗi chuyến bay. Dựa trên số lượng máy bay đã được kết nối hiện tại, nghiên cứu cho thấy rằng các hiệu quả này có thể tạo ra mức giảm 1% trong 764 tỉ USD mà các hãng hàng không chi tiêu mỗi năm cho vận hành. Tất nhiên, khi số lượng máy bay được kết nối vệ tinh tăng theo cấp số nhân như hiện nay, chi phí tiết kiệm được cũng sẽ tăng theo.
Việc kết nối vệ tinh cho máy bay trước hết sẽ giúp tối ưu hóa thời gian thực cho các chuyến bay thông qua các liên lạc kích hoạt IP, cung cấp thông tin thời tiết tốt hơn cho buồng lái giúp phi công có kế hoạch tối ưu cho chuyến bay, hạn chế tối đa việc máy bay phải tốn thêm nhiều nhiên liệu cho thời gian bay chờ hay bay vòng trên không so với thời gian theo lịch trình. Điều này cũng mang lại mức giảm nhiên liệu ước tính 1% cho mỗi chuyến bay – tương đương với 3,39 tỉ lít nhiên liệu, 8,3 triệu tấn CO2 và 1,3 tỉ USD chi phí nhiên liệu hằng năm.
Ngoài ra, do được cung cấp những thông tin kịp thời về thời tiết ảnh hưởng đến hành trình, máy bay sẽ tránh được khả năng bị hỏng hóc do thời tiết xấu tác động. Vì vậy hãng hàng không sẽ hạn chế chi phí và thời gian cho những bảo trì đột xuất đối với máy bay, từ đó giảm thiểu tối đa thời gian máy bay phải hoãn giờ khởi hành. Trong năm 2016, các hãng hàng không trên toàn thế giới đã phải chi đến 62,1 tỉ USD cho việc bảo trì, sửa chữa và vận hành, con số này theo tính toán sẽ tăng lên khoảng 90 tỉ USD vào năm 2024.
Máy bay được kết nối vệ tinh vốn có thể cập nhật dữ liệu thực tế để tạo nên một nhật ký công nghệ điện tử trực tiếp bằng những thông số thể hiện chính xác tình trạng kỹ thuật của máy bay, được tích hợp kỹ thuật số với những hệ thống bảo trì vốn cho phép hãng hàng không có thể xác định trước bất kỳ những bảo trì cần thiết trước khi máy bay đáp. Điều này sẽ giúp nhà khai thác có thể giảm bớt chi phí bảo trì gần một nửa so với máy bay không được kết nối từ việc rút ngắn thời gian kiểm tra, tầm soát trước mỗi chuyến bay cũng như bảo trì định kỳ hằng năm.
Theo thống kê, nguyên nhân thời tiết chiếm 70% số lượng chuyến bay chậm trễ của các hãng hàng không toàn cầu và làm tiêu tốn của ngành công nghiệp vận chuyển hàng không thế giới 123 tỉ USD mỗi năm. Nhờ vào sự kết nối thông tin liên tục và chính xác giúp hãng hàng không có thể đưa ra những xử lý kịp thời để hạn chế tối đa số lượng chuyến bay bị chậm trễ, hủy chuyến hay phải chuyển hướng bay từ đó tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ hằng năm.
Mặt khác, việc tăng cường kết nối với vệ tinh trên máy bay cũng đang tạo nên nhiều thay đổi tích cực cho hoạt động của bộ phận kiểm soát không lưu (ATC) tại các sân bay. Việc trao đổi về thông số thời gian thực tế trên IP (Internet Protocol) giữa máy bay và ATC đang có tác dụng nâng cao khả năng giám sát cũng như giảm thiểu sự sai lệch thông tin từ đó cho phép điều chỉnh mật độ không gian hợp lý để đáp ứng sự gia tăng ngày càng cao về số lượng hành khách cũng như số lượng máy bay ngày càng đa dạng.
Ưu điểm nổi bật của kết nối vệ tinh trên máy bay, so với kỹ thuật sử dụng hệ thống radar kiểm soát, chính là máy bay được kết nối sẽ tự động báo cáo vị trí chính xác hiện tại cho ATC cũng như cung cấp sự kết nối thông tin chính xác giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu bằng những đường truyền dữ liệu kỹ thuật số. Đây được xem như là một cuộc cách mạng lớn trong hoạt động kiểm soát không lưu trên toàn thế giới đồng thời đem lại khoản tiết kiệm ước tính khoảng 3 tỉ USD mỗi năm.
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng không thương mại thế giới với dự báo số lượng máy bay khai thác sẽ tăng gấp đôi trong năm 2035 vừa là cơ hội cũng là thách thức không nhỏ. Những chiếc máy bay với sự hiện diện của IP là một thiết yếu để tạo điều kiện cho nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng đồng thời đáp ứng các yêu cầu an toàn quan trọng. Khả năng cung cấp sự truy cập không giới hạn dữ liệu thời gian thực tế giúp giảm được chi phí vận hành, lượng khí thải và gia tăng kiểm soát không lưu tốt hơn là những lý do chính đáng để khuyến khích các hãng hàng không toàn cầu cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với việc đầu tư kết nối vệ tinh cho đội bay của hãng ngay từ bây giờ.