Nhắc đến Thụy Sĩ, nhiều du học sinh Việt Nam nghĩ ngay đến ngành học Quản lý khách sạn. Từng có một thời, đây là ngành học gây “sốt”, được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn và đã học Quản lý khách sạn thì Thụy Sĩ là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, Thụy Sĩ còn có rất nhiều ngành học nổi bật khác và là một trong những nền giáo dục toàn diện, một đất nước rất đáng sống với du học sinh.
Điểm giao thoa của văn hóa châu Âu
Không phải tự nhiên mà Thụy Sĩ có được vị trí và sự phát triển như ngày nay. Tất cả là nhờ vào vị trí giao thương đắc địa, kề cận với các cường quốc ở châu Âu. Thụy Sĩ có đến bốn ngôn ngữ chính là tiếng Đức, Pháp, Ý và Roman. Mỗi vùng đất nơi đây lại chịu ảnh hưởng văn hóa của một quốc gia láng giềng khác nhau. Nằm giữa Áo, Pháp, Đức, Ý và Liechtenstein, có thể nói Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ nhưng lại có nhiều láng giềng bậc nhất thế giới. Sự giao thoa này không chỉ ở ngôn ngữ, mà còn về văn hóa, chính trị, kinh tế…
Có thể chia Thụy Sĩ ra thành ba khu vực văn hóa đặc trưng chính, tương ứng với ba vùng sử dụng ngôn ngữ khác nhau, chịu ảnh hưởng của Đức, Pháp và Ý. Nhưng thay vì có sự phân biệt, phân rõ ranh giới thì ở Thụy Sĩ, ba vùng ngôn ngữ và văn hóa này lại có sự hòa hợp, ảnh hưởng lẫn nhau giúp mang đến một nền văn hóa hài hòa, đặc sắc, đại diện cho những nét văn hóa nổi bật nhất của châu Âu. Ngoài sự hài hòa của văn hóa, Thụy Sĩ còn được biết đến với sự hiếu khách, cởi mở. Có đến 21% cư dân sống tại Thụy Sĩ là người nước ngoài và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Đất nước giàu có và xinh đẹp
Chính nhờ vị trí đặc biệt nằm ngay trung tâm châu Âu mà Thụy Sĩ được rất nhiều tổ chức quốc tế chọn là nơi đặt trụ sở chính, từ những tập đoàn kinh tế cho đến các tổ chức phi chính phủ lớn và quan trọng. Ở Thụy Sĩ còn có rất nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn điều phối một tỷ lệ không nhỏ dòng tiền của toàn thế giới. Chính vì những điểm này mà Thụy Sĩ là một trong những nền kinh tế lớn mạnh, vững vàng và ổn định nhất thế giới.
Giáo dục ở Thụy Sĩ không quá đắt đỏ.Theo thống kê của báo Telegraph (Anh), chi phí toàn bộ cho việc du học ở Thụy Sĩ thấp hơn đáng kể so với chi phí du học ở những nước phát triển khác như Mỹ, Anh và Úc. Chính vì sự “dễ chịu” này mà khi đi du học ở Thụy Sĩ, du học sinh sẽ được thụ hưởng một nền giáo dục phát triển, được sinh sống ở một đất nước tiện nghi nhưng với chi phí hợp lý.
Bảo Tú – cựu du học sinh tại Geneva chia sẻ: “Cuộc sống ở Geneva không giống ở nhiều thành phố châu Âu khác. Nhịp sống ở Geneva không thư thả mà rất năng động.Tuy nhiên cái năng động ở Geneva lại không ồn ào, náo nhiệt và cạnh tranh nhưở những trung tâm kinh tế khác. Người dân ở Geneva sống và làm việc rất gọn gàng mà hiệu quả. Phải nói là đời sống ở Thụy Sĩ rất tốt, những người dân, học sinh và cả du học sinh ở đây thường chẳng có bất kỳ mối bận tâm nào, cứ lo học lo làm thôi”.
Ngoài ra, Thụy Sĩ còn là một đất nước đáng để du học vì cảnh đẹp ở đây.Là một đất nước phát triển và giàu có từ rất lâu, các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng ở Thụy Sĩ đều được thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh. Đặc biệt, thiên nhiên ở Thụy Sĩ vẫn đậm nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người tàn phá.
Nền giáo dục chất lượng quốc tế
Với yêu cầu lớn của thị trường lao động, nền giáo dục của Thụy Sĩ luôn nâng cao chất lượng và sự đầu tư để có thể đào tạo ra được những chuyên viên giỏi nhất. Có đến bốn trường đại học của Thụy Sĩ lọt vào Top 100 các trường đại học tốt nhất thế giới, đó là Đại học ETH Zurich, Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne, Đại học Geneva và Đại học Zurich.
Học phí tại các trường đại học Thụy Sĩ được xếp vào nhóm “hợp lý” khi so với mức học phí trên thế giới. Giống như các nước láng giềng châu Âu khác, chính phủ Thụy Sĩ cũng có những chính sách hỗ trợ giáo dục, giúp sinh viên có thể nhận được một nền giáo dục hàng đầu với một mức học phí dễ chịu. Tùy vào ngôn ngữ của khóa học mà mức học phí cũng sẽ thay đổi, các khóa học bằng tiếng Anh thường có học phí cao hơn các khóa học tiếng Pháp, Đức hoặc Ý.
Ở Thụy Sĩ, bạn sẽ phải liên lạc trực tiếp với trường mình muốn theo học và nộp đơn theo những quy định của từng trường. Yêu cầu nhập học tại Thụy Sĩ cũng không phức tạp, đa phần chỉ cần bảng điểm và chứng chỉ ngoại ngữ. Ở Thụy Sĩ cũng không có nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính, đặc biệt là ở bậc đại học. Chính vì vậy, khi du học Thụy Sĩ, bạn phải chuẩn bị đủ tài chính để hoàn thành khóa học.Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được phép ở lại Thụy Sĩ trong sáu tháng để tìm việc làm. Sinh viên tìm được việc làm sẽ được chính phủ cho phép ở lại Thụy Sĩ để làm việc.
Ngọc Chi – cựu sinh viên du học tại Thụy Sĩ cho biết: “Tuy chính sách việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp khá dễ chịu nhưng để ở lại Thụy Sĩ làm việc thật không dễ. Là một nơi “đất lành chim đậu”, tất cả những chuyên viên giỏi nhất trên thế giới đều muốn đến Thụy Sĩ làm việc và sinh sống. Vậy nên, mức độ cạnh tranh là rất gay gắt. Các công ty Thụy Sĩ đều có khả năng trả lương cao nên họ cũng sẽ chọn những nhân viên xuất sắc nhất. Tôi được một người bạn giới thiệu cho một công việc, phỏng vấn xong tưởng được nhận, nhưng rồi sau đó biết mình bị loại bởi một người đến từ Pháp. Chật vật mãi, hết sáu tháng tôi vẫn không tìm được công việc ưng ý, đành phải về nước. Tuy nhiên, không tìm được việc ở Thụy Sĩ không đồng nghĩa với thất bại. Với tấm bằng loại giỏi cùng những kỹ năng học được, tôi đã tìm được một công việc tốt ở Singapore. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn không hối hận khi đã chọn du học tại Thụy Sĩ”.
Nhật Hà (DNSGCT)