Ngày nay, các hãng hàng không đang cố gây ấn tượng với khách hàng bằng những dịch vụ đầy tính “mới” và “lạ” mà không phải hãng nào cũng dám thực hiện.
Trải nghiệm những chuyến bay vào vũ trụ
Nhà tỉ phú người Anh, Sir Richard Branson, chủ tập đoàn hàng không nổi tiếng thế giới Virgin, không giới hạn khả năng biến những ước mơ về chinh phục không gian thành sự thật. Trong quá khứ, để có được một cuộc du ngoạn vũ trụ, bạn phải là một phi hành gia kinh nghiệm, hai là bạn phải có 25 triệu USD. Nhưng với Virgin Galatic, chỉ cần 200 ngàn USD, bạn có thể thực hiện giấc mơ bay vào vũ trụ của mình.
Theo kế hoạch, SpaceShip Two (SS2) – tên của con tàu, sau khi được đưa vào không gian bằng máy bay phản lực White Knight Two (WK2), sẽ đưa hành khách trải qua một chuyến hành trình kéo dài 2g30 ở độ cao 360.000 feet (109.728 mét) tính từ trái đất. Trong chuyến bay hành khách sẽ có cơ hội quý giá để trải nghiệm từ bốn đến năm phút trong trạng thái phi trọng lượng và hơn thế nữa như là một ưu đãi, hành khách của SS2 còn được trở thành phi hành gia thực thụ khi có thể ra ngoài không gian và du ngoạn trong phạm vi bán kính 500 dặm (80km) xung quanh con tàu. Một trải nghiệm không phải ai cũng có được. Sau khi bay một đoạn ngắn trên quỹ đạo trái đất để hành khách ngắm toàn cảnh vũ trụ, con tàu sẽ trở lại bầu khí quyển và lượn lại trái đất.
Thiết kế khoang khách bên trong con tàu vẫn chưa hoàn chỉnh, nhưng theo mô hình và bản phác họa thì bao gồm những chiếc ghế ngả lưng được đặt trong một không gian rộng rãi với những ô cửa đa chức năng giúp việc quan sát khung cảnh bên ngoài đạt mức độ cao nhất.
Dự kiến chuyến bay chính thức đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2014, đã có hơn 600 hành khách đặt chỗ trên chuyến bay, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như diễn viên Ashton Kutcher, Angelina Jolie, ca sĩ Justin Beiber và Katy Perry, và đương nhiên phải có mặt vị sáng lập Virgin Galatic. Với mức giá lên đến 200 ngàn USD, đây có thể được xem là một dịch vụ đắt tiền nhất trên thế giới mà một hãng hàng không cung cấp cho khách hàng. Bạn có khả năng và đủ dũng cảm để có mặt trên những chuyến bay như thế này không?
Khoang khách không có trẻ em – “Child-free zone”
Trẻ em sẽ luôn là hình ảnh dễ thương, đáng yêu nếu đừng có những tiếng la hét, những trò nghịch ngợm, đặc biệt trong không gian giới hạn như khoang khách trên máy bay. Và để đảm bảo tối đa sự nghỉ ngơi thoải mái dành cho hành khách của mình, một số hãng hàng không đã triển khai dịch vụ khoang khách không trẻ em trên các chuyến bay của mình. Tất nhiên, đây là một hành động mà không phải hãng hàng không nào cũng dám làm. Gần đây nhất, hãng hàng không giá rẻ – công ty con của Singapore Airlines – Scoot, đã thông báo không chấp nhận khách dưới 12 tuổi mua vé trên khoang Scoot’s Super and Stretch, vốn dành cho những hành khách trả thêm phí để có được một chỗ ngồi rộng và khoảng duỗi chân xa hơn so với ghế hạng phổ thông. Sau khi ra quy định, Scoot đã đổi tên khoang khách trên thành ScootinSilence với những cam kết rằng hành khách sẽ được tận hưởng không gian hoàn toàn thoải mái với chiếc ghế rộng rãi và đặc biệt là sẽ không bị làm phiền bởi sự nghịch ngợm và tiếng ồn phát ra từ những đứa trẻ. Những gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi phải chọn vị trí ngồi tại những khoang khác, và bù lại, những người khách ngồi tại khoang đặc biệt này cũng phải trả thêm phí cao hơn vé bình thường khoảng 14 USD.
Scoot không phải là hãng hàng không đầu tiên thực hiện việc cung cấp khoang khách không có trẻ em trên chuyến bay. Trước đó, Malaysia Airlines đã thực hiện quy định từ chối trẻ em trên khoang hạng nhất vài năm trước và bắt đầu triển khai những khu vực khoang khách phổ thông không có trẻ em trên các dòng máy bay A380 và B747. Tương tự, Air Asia X cũng cung cấp khoang khách QuietZone gồm bảy dãy ghế đầu tiên trong khoang khách hạng phổ thông.
Trong khi việc các hãng hàng không đưa ra quy định về những khoang khách không trẻ em có thể được cho là hơi cực đoan thì ở một khía cạnh khác, đây được xem là một phương thức hiệu quả đối phó với những hành động không thể kiểm soát từ những đứa trẻ trên chuyến bay.
H.K