Tuy nhiên mọi sự phát triển đều có hai mặt. Bên cạnh sựủng hộ cho các dịch vụ như vậy cũng còn đó nhiều băn khoăn, trong đó việc chính quyền tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang chấp thuận cho xây dựng hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan và cao nguyên địa chất Đồng Văn đã gây ra khá nhiều tranh cãi với những quan điểm trái chiều.
Những khó khăn trước mắt
Đỉnh Fansipan – Nóc nhà của Đông Dương với chiều cao 3.143m quanh năm mây mù bao phủ và đầy thử thách để chinh phục. Cao nguyên địa chất Đồng Văn với vô số những núi đá cao ngất xen lẫn những thung lũng sâu thẳm với dòng sông Nho Quế xanh biếc, cùng những cung đường hiểm trở luôn là điểm đến quyến rũ của tất cả những ai yêu thích trải nghiệm, khám phá. Vậy việc xây dựng cáp treo lên đỉnh Fansipan và cao nguyên đá Đồng Văn có thật sự cần thiết hay không?
Leo Fansipan
Qua một khảo sát nhỏ trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã nhận được nhiều chia sẻ chân thành. Có thành viên bày tỏ quan điểm đồng tình vì cáp treo sẽ tạo cơ hội du lịch cho người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ nhỏ. Thành viên khác thì góp ý nên “bình dân hóa” thắng cảnh. Nhiều thành viên ủng hộ vì cho rằng quá ít người yêu thích điểm đến này có đủ sức khỏe để thực hiện chuyến đi. Nhưng bên cạnh số ít ủng hộ thì hầu hết là phản đối. Có thành viên phân tích rất nhiều các yếu tố cảm xúc cá nhân, kinh tế để phản đối, có thành viên lại phân tích những điều bất cập về môi trường khi thực hiện. Có người còn đưa hình ảnh so sánh dí dỏm: “Việc chinh phục Fansipan bằng cáp treo giống như thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh bằng email”. Đa số những người có kinh nghiệm đi phượt lâu năm khác đều bày tỏ quan điểm không ủng hộ. Bên cạnh đó vẫn có những ý kiến trung lập bày tỏ quan ngại những phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bằng kinh nghiệm của người đã có ba lần chinh phục đỉnh Fansipan cùng nhiều lần đến với cao nguyên đá Hà Giang, chúng tôi nghĩ việc xây dựng cáp treo cần phải xem xét lại vì chưa thật sự cần thiết. Được đứng trên đỉnh Everest nóc nhà của thế giới hẳn là sự tự hào vô tận, nhưng hiện nay vẫn không có bất cứ công trình nào hỗ trợ việc chinh phục ngọn núi này dù chỉ là một phần rất nhỏ. Tất cả những đỉnh núi cao tuyệt đẹp như Asgard, Auyantepui, Vinson Massif, Kilimanjaro… cũng đợi con người tự mình chinh phục. Đỉnh Kinabalu (Malaysia), được coi là nóc nhà Đông Nam Á với chiều cao 4.095m cũng chỉ có hệ thống bậc thang hỗ trợ mà thôi.
Đỉnh Fansipan là một bãi đất, đá chỉ với diện tích vỏn vẹn khoảng 10m2 thì việc ngồi cáp treo lên đó để chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp có lẽ là không phù hợp. Việc leo núi luôn được cảnh báo và lưu ý rất kỹ về sức khỏe. Hành trình leo Fansipan nhanh nhất cho người bình thường là đường Trạm Tôn với hai ngày ròng rã trong rừng để cơ thể thích nghi dần và quay xuống nếu thấy không phù hợp. Vậy với những khách du lịch lớn tuổi, tàn tật hoặc có vấn đề về sức khỏe liệu có chịu nổi sự thay đổi đột ngột về áp suất, sốc nhiệt độ, thời tiết trong một thời gian quá ngắn khi đến cao độ 2.800m?
Cao nguyên đá Đồng Văn
Dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan là nơi có thời tiết rất khắc nghiệt, thường xuyên có băng đóng, tuyết rơi vào mùa đông và mưa bão thường xuyên. Cấu tạo địa hình đồi núi ở Fansipan phức tạp, hằng năm thường xuyên xảy ra sạt lở và để lại những tai nạn không dự đoán trước trước. Còn cao nguyên đá Đồng Văn rất hiểm trở với những vách đá thẳng đứng. Việc xây dựng hệ thống cáp treo an toàn vững chắc đòi hỏi phải có chuyên gia am hiểu sâu sắc, cùng với rất nhiều chi phí để nghiên cứu, khảo sát, xây dựng. Mỗi một sai sót nhỏ đều để lại hậu quả to lớn. Chưa kể với những điều kiện khắc nghiệt như vậy thì việc duy trì bảo dưỡng, đảm bảo an toàn phải là một khối lượng khổng lồ về nhân công và chi phí hằng năm. Vậy bài toán kinh kế lợi nhuận du lịch đặt ra có thật sự phù hợp?
Những tổn hại lâu dài
Vùng Hoàng Liên Sơn là khu bảo tồn đặc dụng với vô số những loại cây thuốc, cây gỗ quý hiếm, động vật đặc hữu, những khu rừng đỗ quyên, rừng chè cổ thụ cả ngàn năm tuổi… Cao nguyên đá Đồng Văn với địa hình địa chất đặc biệt cần phải bảo tồn nghiêm ngặt nguyên hiện trạng. Vậy việc xây dựng điểm đến du lịch với quy mô rộng lớn chắc chắn sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.
Một điều quan trọng không thể quên khi nói đến chinh phục đỉnh Fansipan: Đó chính là sự trải nghiệm, khám phá. Hiện nay những du khách đến với Fansipan là để gạt bỏ những lo toan của cuộc sống công nghiệp bộn bề náo nhiệt. Họ muốn hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên, có những trải nghiệm thật sự để vượt qua những khó khăn và thử thách, để học hỏi và trau dồi kỹ năng sống. Leo Fansipan, du khách không thể tự một mình chinh phục đỉnh núi mà cần có đồng đội, có bạn bè hỗ trợ. Chính vì vậy khi cùng nhau vượt qua khó khăn, gian nan thử thách, tâm hồn và trái tim du khách sẽ mở rộng. Tình thương yêu, sự gắn bó chia sẻ sẽ khắc sâu trong tâm trí và cảm xúc của những người đồng hành. Đó là giá trị nhân văn vô giá mà không thể tìm được khi bạn chỉ mất vài tiếng ngồi cáp treo.
Để đáp ứng được những mong muốn phát triển du lịch ở Fansipan và cao nguyên đá Đồng Văn, vẫn có nhiều cách mà không phải xây dựng cáp treo. Với đặc thù cao nguyên đá Đồng Văn, ta có thể xây dựng những cung đường trên cao để ngắm được toàn cảnh toàn vùng. Tuy nhiên trước hết hãy hoàn thiện hệ thống hạ tầng thật tốt, đảo bảo đường sá không sạt lở, xây dựng các trạm nghỉ chân dọc đường an toàn tiện nghi, thiết kế nhiều trạm ngắm cảnh ở các vị trí đẹp, xây dựng bậc thang leo ở các vị trí nguy hiểm.
Bên cạnh đó cần thực hiện thêm nhiều hoạt động du lịch thú vị khác như: Chèo xuồng, leo vách đá, vượt thác, khám phá rừng đặc dụng, tìm hiểu văn hóa bản làng. Ngoài ra cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ tốt mỹ quan, bảo vệ môi trường sạch đẹp.
Ngô An