Trung Quốc có rất nhiều thành phố vốn là kinh đô cổ xưa. Nay người ta phân loại và xếp hạng có bảy kinh đô lớn, gọi là Thất đại cổ đô (Trung Quốc dùng từ cổ đô chứ không gọi là cố đô như ở Việt Nam). Đó là Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu, Tây An, Lạc Dương, An Dương, Khai Phong, riêng tỉnh Hà Nam có đến ba cổ đô là Lạc Dương, An Dương và Khai Phong. Từ thành phố An Dương, chúng tôi đã lần lượt đi thăm sáu cổ đô của Trung Quốc, trong đó cổ đô Nam Kinh là nơi cả đoàn đi thăm gần đây nhất.
Lịch sử hai mươi lăm thế kỷ
Nam Kinh có phía bắc nhìn ra sông Trường Giang, ba phía đông, tây và nam được bao bọc bởi con sông Tần Hoài. Thành phố sáu triệu dân này nằm trong khu vực châu thổ ở hạ lưu sông Trường Giang, được gọi là Trường Giang tam giác châu, bao gồm thành phố Thượng Hải, một phần tỉnh Giang Tô và một phần tỉnh Triết Giang. Đây là vùng đồng bằng trù phú nhất của Trung Quốc, kinh tế phát triển mạnh, mức sống người dân cao.
Nam Kinh hiện đại
Chúng tôi đến Nam Kinh vào một buổi sáng cuối xuân. Ấn tượng đầu tiên là các đường phố rất rộng, đường nào cũng rợp cây cao bóng mát, nhà cửa hai bên đường đều ẩn dưới bóng cây. Cô Trần, hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc cho biết rằng Nam Kinh là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Giang Tô, nhưng trước hết là một thành phố văn hóa có lịch sử lâu đời, do đó chính quyền đã cố gắng bảo vệ môi trường thật tốt. Theo chúng tôi, Nam Kinh đúng là một thành phố xanh và sạch.
Phố cổ Nam Kinh
Từ thời chiến quốc (475-211 trước Công nguyên), nhiều nước chư hầu đã giành giật nhau mảnh đất thuộc Nam Kinh ngày nay. Nước Sở đã từng cai trị vùng này và đặt tên là Kim Lăng. Khi nó thuộc về nước Việt của nhà vua Câu Tiễn, quan thượng đại phu Phạm Lãi đã cho xây đắp tường thành ở bờ nam sông Tần Hoài. Nếu tính từ đó đến nay thì Nam Kinh đã có 2.500 năm lịch sử.
Một điểm tham quan ở Nam Kinh
Về sau, từ thế kỷ III đến cuối thế kỷ thứ VI, thành phố này lần lượt trở thành kinh đô của sáu triều đại: Đông Ngô (thời Tam Quốc), Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần. Sau đó, từ thế kỷ VII thêm bốn triều đại Nam Đường, Minh, Thái Bình Thiên Quốc và sau cùng là nước Trung Hoa Dân Quốc sau cách mạng Tân Hợi (1911) cũng lần lượt đóng đô tại đây. Do đó, người ta còn gọi Nam Kinh là Thập triều cổ đô.
Một cây cầu của thành phố
Thập Lý Tần Hoài
Nam Kinh có rất nhiều di tích lịch sử lâu đời, có giá trị cao về văn hóa cũng như về kiến trúc. Trong các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Nam Kinh, nổi lên một khu vực gọi là Tần Hoài phong quang đới (dãy phong cảnh ven sông Tần Hoài). Đây là một khu phố xá sầm uất, nằm ở phía nam thành cổ, chạy dài 4 – 5km ven sông Tần Hoài, một con sông nhỏ xuyên qua thành phố Nam Kinh rồi chảy ra Trường Giang.
Kiến trúc cổ của thành phố
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đây là chốn phồn hoa đô hội, là nơi cư trú của nhiều danh gia vọng tộc và là nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách, thế nên cao lâu tửu điếm, lầu son gác tía nối nhau san sát. Đời nhà Nguyên, cái tên Thập Lý Tần Hoài (mười dặm Tần Hoài) biểu tượng cho sự phồn thịnh của Nam Kinh. Trung tâm của khu vực này là Phu Tử Miếu thờ Khổng Tử. Giờ đây, toàn bộ khu vực là nơi buôn bán sầm uất, đèn lồng đỏ treo khắp nơi, khách tham quan mua sắm đều đi bộ, một số phố còn giữ lại lòng đường lát đá từ đời xưa.
Tình cờ đến Ngõ áo đen
Thơ thẩn bên sông Tần Hoài, chúng tôi rời quảng trường rộng lớn trước miếu Khổng Tử, qua chiếc cầu Văn Đức Kiều, đi bộ thêm vài chục mét, đến một phố nhỏ có treo bảng đề Ô Y hạng. Các con đường ở khu vực này đều gọi là hạng (ngõ) vì nó đều bé nhỏ. Ô Y hạng tuy hẹp nhưng người đi lại rất đông, hàng quán nối liền san sát. Tôi đi vào trong phố, bỗng thấy trước mặt một dinh thự kiến trúc theo phong cách cổ xưa, trước cổng cổ gắn tấm biển Vương Tạ cố cư. Tôi ngẩn người ra, suy nghĩ một lúc mới nhớ đến bài thơ của Quách Tấn Đêm thu nghe quạ kêu, trong đó có nhắc đến Ô Y hạng.
Bài thơ Ô Y hạng của Lưu Vũ Tích
Quách Tấn (1910-1992) thuộc thế hệ thi nhân thời tiền chiến với phong trào Thơ mới, đánh dấu sự phát triển của thi ca Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Đêm thu nghe quạ kêu là bài thơ nổi tiếng được ông sáng tác năm 1939, được in trong tập thơMùa cổ điển trong đó tất cả các bài thơ đều làm theo thể Đường luật, thất ngôn bát cú. Trong bài thơĐêm thu nghe quạ kêu, thi sĩ Quách Tấn mở đầu bằng hai câu:
- Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
- Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng.
Ô Y hạng có nghĩa là Ngõ áo đen, Quách Tấn mượn điển tích này từ bài thơÔ Y hạng của Lưu Vũ Tích đời nhà Đường. Cái tên Ô Y hạng có từ thời Đông Tấn (thế kỷ thứ IV). Khi đó, Nam Kinh là kinh đô của triều vua này và có tên là Kiến Nghiệp. Tại một ngõ ở đây, có hai gia tộc lớn cư trú, đó là dòng họ Vương Đạo và Tạ An, đều là những quan to trong triều. Người trong hai gia tộc thường mặc áo đen, do đó người ta gọi cái ngõ này là Ô Y hạng (ngõ áo đen).
Trên đường phố Nam Kinh
Ô Y hạng chỉ nổi tiếng về sau, khi thi nhân đời Đường là Lưu Vũ Tích (772-842) làm bài thơ cùng tên, nói lên nỗi cảm hoài trước cảnh biến đổi mau chóng qua thời gian, nơi lầu son gác tía xưa kia, bây giờ chỉ còn lại những phế tích hoang tàn. Toàn bộ bài thơ chỉ bốn câu nhưng được xem là một tuyệt tác trong Đường thi.
- Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
- Ô Y hạng khẩu tịch dường tà,
- Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến,
- Phi nhập tầm thường bách tính gia
- Bản dịch của Trần Trọng San như sau:
- Chu Tước, bên cầu cỏ trổ hoa,
- Cửa Ô Y hạng, ánh dương tà,
- Xưa kia én đậu lầu Vương Tạ,
- Nay tới dân gian lượn mái nhà.
Đến đời Nam Tống (thế kỷ thứ XII-XIII), trên nền cũ của dinh thự nhà họ Vương Tạ, người ta xây dựng một ngôi nhà có tên Lai yến đường, lấy ý trong câu thơ thứ ba của Lưu Vũ Tích. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi nhà này vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ, trông thật u tịch tao nhã, gợi cho du khách nỗi niềm hoài cổ lâng lâng. Ở giữa đại sảnh đường có treo hai bức chân dung của Vương Đạo và Tạ An. Người Trung Quốc từ các tỉnh khác đến Nam Kinh đều kéo đến đây rất đông với tấm lòng ngưỡng mộ hai danh tướng đời Đông Tấn mà tên tuổi được lưu danh trong lịch sử.
Bước ra khỏi cổng Lai yến đường, chúng tôi trở lại thế giới đương đại với hai bên ngõ là quán xá nhộn nhịp, du khách đi lại mua sắm rất đông. Thật đúng như Lưu Vũ Tích đã mô tả, chim én bây giờ đã từ bỏ lầu son gác tía để bay vào mái nhà của những người dân bình thường.