Bên cạnh những nội dung nghiêm túc, trang trọng, nhiếp ảnh cũng có một mảng lớn, khắc họa những phút giây vui hài, dí dỏm mà thường là những điều rất giản dị, quen thuộc, song bị đặt sai vị trí, thời điểm- đối tượng hoặc là có mâu thuẫn với văn hóa, lề lối ở từng địa phương, ngoài ra là một số sự vật, hiện tượng phức tạp, mới lạ, hoang đường đến tức cười.
Dù rằng cười vui hay cười có tính chất bi hài, mỗi bức ảnh hài đều cho công chúng sự sảng khoái, nhẹ nhõm để tiếp tục thưởng thức nghệ thuật. Vì thế, có thể nói ảnh gây cười, ảnh làm người xem vui vẻ là một thành công lớn của nhiều nghệ sĩ.
Thế nhưng, để chụp được ảnh hài khá khó, đòi hỏi người chụp phải có nhiều kỹ năng, từ sự nhạy bén với điều gây cười đến việc sáng tác táo bạo, và hơn cả là tính kiên trì, đợi nó diễn ra và chụp một người hay vật không phải để chê bai, đả kích, mà nhằm phát hiện ra những điều kỳ dị, vui mắt khác với thông thường.
Tính chất của ảnh như vui, buồn, có đùa cợt, xúc phạm hay không, cũng tùy thuộc vào cả người xem với các phong tục tập quán riêng lẫn các nội quy, pháp luật ở từng nước. Mỗi tác giả ảnh phải làm sao xóa mờ được các ranh giới, quy định ấy để nội dung trong ảnh là của chung, không phản cảm và còn được tiếp nhận rộng rãi. Nếu khéo léo, đây sẽ là một cách thông minh để lật lại vấn đề đã cũ và truyền tải các tư tưởng, quan niệm mới.
Có vô số sự việc hài hước có thể lọt vào ống kính.
Thứ nhất là những đồ vật, con người, con vật có sự tương phản (xung khắc) hoặc tương đồng (hòa hợp) khó tin về kích cỡ, màu sắc, hình dạng… Chẳng hạn cùng lúc thấy một vật hay người nhỏ xíu đứng cạnh một vật/ người khổng lồ; một kẻ ăn mặc sang chảnh, là lượt ở bên một kẻ vá víu, lôi thôi; rồi cái này màu xanh cái kia màu đỏ, hình tròn hình vuông cùng các họa tiết “đối chọi” nực cười.
Thứ hai là những điều nghịch lý, khuôn mẫu được coi là biểu tượng của sự to lớn, dữ dằn hay tài giỏi,… thì giờ đảo lộn, như mặt trời bị nằm trên chảo, cho cảm tưởng về một quả trứng ốp lết, con mèo nhảy quẫng bỏ chạy trước con chuột, một người đi lại không đầu, tay chân, một nhân vật quyền quý xuất hiện giữa phố xin ăn (cổ đeo đầy vàng); rồi người nhện bắt taxi thay vì leo trèo nhờ siêu năng lực; trong khi nam giới ở nhà thổi cơm thì nữ giới cầm súng ra trận…
Thứ ba là những điều rất bình thường, hay gặp, song được đặt trong những bối cảnh trêu chọc, có tác dụng so sánh, đối chiếu như việc trai gái ôm nhau dưới một tượng đài, trong lúc hai người đang ấm áp mặn nồng, thì pho tượng ở trên là một kẻ đang “run cầm cập” vì lạnh và cô đơn, gò mình nhòm xuống như thể ganh tỵ với họ. Cũng hai người ấy, ở một nơi khác, lại có một đôi chim bay nhảy quấn quýt xung quanh, như muốn nói đằng đó có đôi thì đằng này cũng có cặp.
Thứ tư cũng về sự trái ngược, nhưng trái ngược, đối lập trong văn hóa, tập tục, điều kiện sống. Do ở hai môi trường khác biệt, nên mọi thứ tại đây khi song hành, kết hợp sẽ tạo nên không ít điểm khôi hài, như người thì mặc áo đỏ khi tiếp khách, kẻ lại vận áo đen hoặc trắng; rồi người đứng kẻ ngồi khi chào, thậm chí nằm sấp; có người làm quen thì bắt tay, vỗ vai, nhưng có người lại phải cọ mũi, chạm hông…
Nói chung, có thể thấy khá nhiều điều hài hước, dí dỏm trong cuộc sống, mà nhiều nhất là trên đường phố, nơi thường xuyên có các hoạt động vui chơi, thi đấu, giành giật, cãi vã cùng nhiều sự cố, tình huống bất ngờ, mất kiểm soát. Ngay cả sự tác nghiệp của thợ ảnh lắm lúc cũng rất bi hài và được công chúp chụp lại, như việc tay xách nách mang nhiều thiết bị, cảnh phải leo trèo vắt vẻo trên cây hay hóa trang ẩn náu vào môi trường hoang dã và chạy trốn khi bị tấn công, đuổi bắt… Một chủ đề nữa cũng được ưa chuộng, phổ biến là các thú nuôi, sinh vật hoang dại ngộ nghĩnh.
Ảnh thú nuôi hài đã ra đời từ những ngày đầu của ảnh nghệ, song chỉ phát triển gần đây khi có nhiều người yêu thích động vật, mà nhất là do chật chội, cô đơn muốn có chúng làm bạn. Các nghệ sĩ xưa thường cho vật nuôi, như chó mèo, lợn gà ăn diện, kéo xe, đi chợ, đi chơi, sinh hoạt như người nhằm tạo ra sự lạ mắt, trào phúng.
Song hôm nay, nhiều người đã để chúng bộc lộ tự nhiên bản chất, như cho chạy nhảy, nô rỡn hoặc chơi với đồ vật nhằm toát ra vẻ bướng bỉnh, nhõng nhẽo, ranh mãnh hay tinh quái, mà tất cả đều dễ thương, vui nhộn trong mắt người xem. Cùng thú nuôi, họ cũng đi tìm thú hoang để thấy sự vô tư, hồn nhiên lẫn ngớ ngẩn, dại dột của chúng trong môi trường hoang dã hoặc gần người.
Và từ năm 2014, tại Phi châu đã có một cuộc thi ảnh thú hoang hài nhằm đặc tả những nét đẹp phong phú của nhiều động vật, đồng thời ghi lại từng khoảng khắc chơi đùa, nghịch ngợm của chúng, khắc họa từng cảm xúc hoan hỷ khắp hành tinh.
Dựa vào sở thích, có nghệ sĩ sẽ chọn đề tài hài hước từ đường phố tấp nập, sôi động, phản ánh những người lạ, vật lạ thuộc nhiều tiểu văn hóa. Có người lại đi vào khai thác cuộc sống êm đềm, kín đáo trong các gia đình, giữa bố mẹ con cái, già trẻ lớn nhỏ, thú cưng, đồ chơi, mang tới nhiều hình ảnh đáng yêu. Tuy nhiên, cách làm thường khá giống nhau.
Đó là dùng các góc độ đặc biệt, như từ trên cao nhìn xuống hoặc trái ngược để biến một sự vật thành to/ nhỏ, đan xen hay nối tiếp. Cũng dùng ống kính góc rộng nhằm lấy được nhiều cảnh tượng, chi tiết. Cách này là để tạo nên ảo giác, sự nhầm lẫn, bối rối dẫn tới buồn cười. Ngoài chụp tự nhiên, họ cũng tận dụng những yếu tố tình cờ lọt vào máy ảnh, như một người vừa lướt qua, cắt ngang khung hình, có thể không che hết mọi vật nhưng lại cho thêm vào ảnh một vài chi tiết gây sửng sốt, kỳ quái như bàn tay, bàn chân, cái đầu…
- Xem thêm: Những tấm ảnh suýt giết chết chủ nhân
Với những sự kiện bắt gặp trên phố, họ thường dùng kỹ thuật tả chân, song tối giản để nhấn mạnh tới những điểm lập dị – lạ hoắc, còn với những hoạt động trong nhà, dễ dàng dàn dựng thì dùng lối hóa trang, kết hợp đạo cụ và biên tập hậu kỳ, biến những cái không thành có hoặc siêu thực. Ngoài ra, với những ai giỏi quan sát sáng tạo, còn có thể nhận ra những chỗ bi hài, châm biếm trong mỗi sự việc, và đưa tiếng cười vào trong cả những thời điểm, nơi chốn con người trang nghiêm, mực thước nhất. Thế nhưng, tựu trung ai nấy đều phải chụp cực nhanh và tuân theo quy luật khoảng khắc vàng, gồm chụp đúng lúc, đúng nơi, đúng người.
Trên thế giới, đã có rất nhiều nghệ sĩ lừng danh về ảnh khôi hài, mà một người tiên phong trong thế kỷ 20 là nghệ sĩ Rene Maltête (1930-2000) của Pháp. Vào thập niên 60, khi ảnh đường phố hãy còn non nớt, ông đã có những sáng tác đầy tính xây dựng, củng cố cho sự lớn mạnh, độc lập của thể loại này. Đấy là những bức ảnh tếu táo, hóm hỉnh về đời sống Pháp, nhất là giới trí thức, cho thấy cách họ vui chơi, hẹn hò, mua sắm…
Nghệ sĩ dùng khá nhiều hiệu ứng từ bóng đổ, sự ngược sáng, tương phản, đối lập đến những điều bất ngờ, vô lý trong cảnh quan, để tạo nên sự vui vẻ, hài hước của tác phẩm. Sinh trưởng tại Lamballe- Pháp, 16 tuổi Rene Maltête đã biết chụp ảnh, và vì yêu ảnh cùng nghề quay phim, nên 21 tuổi đã chuyển tới Paris sống, làm ảnh đường phố. Mới đầu, ông cũng định chụp ảnh nghiêm túc, có gì nói nấy, song trước đầy rẫy những điều kỳ cục, xa lạ của thành thị, đã quyết định đổi hướng, tạo ra những bức ảnh bông đùa, hề cười. Ảnh đơn giản, thường chỉ có hai màu đen trắng, song vẫn cực vui vì sự bất ngờ, siêu thực, triết lý lấy từ sự trùng hợp, chồng chéo.
Người thứ hai cũng đóng góp to lớn cho ảnh hài, là nhiếp ảnh gia tài liệu Martin Parr (sinh năm 1952) của Anh. Ông cũng đã tiếp xúc với ảnh từ nhỏ và tới nay hoạt động trong nhiều chủ đề từ nông thôn Anh, đất nước thời hậu chiến, văn hóa tiêu dùng đến các thú vui giải trí và cảnh đông đúc, chật chội. Chúng được thể hiện qua hơn 80 tập ảnh màu và đen trắng, bề ngoài tả vẻ đẹp rực rỡ, hào nhoáng – nhộn nhịp, song phía sau lại là những hài kịch về sự chênh lệch giàu nghèo, tuổi tác, rảnh bận, chăm lười cùng nhiều toan tính e dè.
Thường thấy cảnh người giàu khoe mẽ, trưng diện, đi chơi mang theo chó mèo, biến chúng sang trọng hơn người. Cũng thấy cảnh người nghèo ăn vận xuê xoa, lúc mua sắm luôn cân nhắc so đo nhấc lên đặt xuống. Trong khi những cụ già hay mơ tưởng được trẻ trung – vui chơi – nhí nhảnh thì nhiều bạn trẻ lại ước ao được nghỉ ngơi – tĩnh dưỡng như đã già vì suốt ngày bận rộn con cái, rồi cảnh xếp hàng tranh nhau mua đồ giảm giá, thi nhau để được mặc đẹp, không thua kém… Cả một không khí đầy những hưởng thụ, và người ta sẵn sàng bỏ rơi mọi thứ để chạy theo sự sung sướng, gồm cả nhà cửa, ruộng đồng, thân quyến, thậm chí con nhỏ kêu khóc mẹ vẫn ngủ ngon, nằm sưởi nắng.
Có lẽ vì thời tiết nhiều sương, ở Anh ai nấy đều đổ ra biển tắm, kéo theo vô vàn dịch vụ đông nghịt. Chỉ một thoáng tả chân và bằng những màu chói lòa- lòe loẹt, nghệ sĩ đã khắc họa được những phút giây tâm lý con người rực lên vì những nhu cầu trần tục, mà để thỏa mãn nhiều người đã làm những hành động hết sức kỳ quặc.
Chris Buck (sinh năm 964), người Canada, cũng là một nghệ sĩ tài giỏi về ảnh hài, hơn thế anh còn chụp chân dung, và lại là chân dung của những nhân vật nổi tiếng, quan trọng trong làng giải trí, chính trường. Nhắc đến họ, mọi người thường nghĩ đến sự nghiêm nghị hoặc giữ hình tượng ghê gớm, thế nhưng trong ảnh của anh, tất cả đều hiện lên rất “đời” với đầy đủ những xúc cảm yêu, ghét, hờn, giận, nũng nịu, thậm chí dữ tợn, và đó là những phút giây xuất thần của họ khi ở một mình hay bên gia đình, bạn bè.
Và điều gây cười ở đây chính là việc không ai nghĩ họ sẽ làm vậy! hoặc bị ngoại cảnh tác động, như nằm bò ra sàn như vừa ngủ dậy của Steve Carell, nhìn xa phụng phịu như không muốn ăn của Steve Martin hay cười ngại ngùng vì bị con trẻ tè lên áo của Jimmy Fallon, thậm chí nhúng mặt vào bể cá cho mát của Bruce Mathers, ngồi thu lu nhăn nhó trên một chiếc đôn của Tina Fey và thân thể bị chia thành nhiều mảnh nhỏ của Donald Trump… Bằng cách phá vỡ ràng buộc chuẩn mực – khuôn phép và dùng những cử chỉ đáng yêu – hóm hỉnh thay thế, anh đã không làm xấu đi thần tượng của mọi người, mà còn giúp họ trở nên gần gũi hơn với công chúng.
Song điều này không hề dễ đối với cả nhân vật lẫn thợ chụp ảnh vì nó rất công phu và phải giữ được những tính cách cao quý nhất định. Bộ ảnh vào năm 2016 đã được tập hợp thành sách, mang tên Không dễ, và là kết quả trong suốt 30 năm từ năm 1986 của anh, với hơn 300 bức ảnh dí dỏm từ tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump đến nam diễn viên George Clooney, ca sĩ Wallie Nelson, cây hài William Shatner, nhiếp ảnh gia Cindy Sherman…
Những nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa, ghi được dấu ấn sâu sắc trong ảnh hài, không thể không kể đến Elliott Erwitt, Greg Gilbert, Richard Sandler, Rogen Ballen, Willem Jonkers, Chris Maggio, Becky Frances, Zack Seckler, Timothy Bailey, Ralph Hargarten, Roie Galitz, Daniel Trim, George Cathcart, Graeme Guy, Bob Rarich, Josef Friedhuber…