Tuy mới thành lập hơn chín tháng nhưng Quản trị và Khởi nghiệp đã trở thành một trong những nhóm và câu lạc bộ hoạt động sôi nổi và hiệu quả nhất trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đây cũng là nhóm mà các thành viên liên tục chia sẻ lên website các bài viết có chất lượng và phong phú. Ngoài ra, Quản trị và Khởi nghiệp cũng trở thành nơi kết nối và hỗ trợ cho việc kinh doanh của các thành viên. Những chia sẻ của ông Đỗ Long, Chủ tịch nhóm Quản trị và Khởi nghiệp sau đây sẽ cho chúng ta hiểu thêm về câu chuyện của cộng đồng doanh nhân này. Ông Đỗ Long cho biết:
Quản trị và Khởi nghiệp (QTKN) là nhóm dành cho các doanh nhân, nhà quản trị, quản lý, cho người khởi nghiệp và người sắp khởi nghiệp, nhằm trao đổi thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về quản trị và khởi nghiệp để nâng cao năng lực cá nhân và năng suất của tổ chức.
Hẳn là có một lý do nào đó cho sự ra đời của nhóm QTKN, phải không ông?
Tiếp xúc với lớp trẻ, tôi thấy có những người bi quan, thường nhìn cuộc đời, xã hội qua một lăng kính màu xám. Ngược lại, những người may mắn có chút ít thành công thì nhìn đời màu hồng và dễ tự mãn. Chúng tôi muốn xây dựng một nơi dung hòa hai thái cực này, để người bi quan nhìn đời sáng sủa hơn, còn người thành công bước đầu không trở nên kiêu ngạo, tự mãn.
Nhóm được phát triển từ group Quản trị và Khởi nghiệp, sáng lập cách đây một năm bốn tháng bởi các anh Lâm Minh Chánh – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại LMC, anh Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Group, anh Nguyễn Đức Sơn, CEO Richard Moore Associates. Đến tháng 10-2016, từ trong group chúng tôi xây dựng ra Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp, tập trung những thành viên xuất sắc trong group và những người này có điều kiện để cống hiến cho cộng đồng nhiều nhất.
Mới hơn một năm hoạt động mà group đã có đến gần 40 ngàn thành viên, qua đó có thể thấy độ “hot” của cộng đồng này…
Thật ra, con số 40 ngàn thành viên như hiện nay được hình thành từ group trước là chúng tôi đã có những hạn chế về số lượng người tham gia, chủ yếu là tương tác online. Hiện có những thành viên tự “rút lui” khi cảm thấy mình không phù hợp với một nhóm hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận và đặt cái tôi của mình sau giá trị chung của cộng đồng. Có thể nói rằng, nhóm đã làm được một việc “không tưởng”, khi thuyết phục được các doanh nhân tiếng tăm, bận “trăm công nghìn việc” vừa làm diễn giả “không công”, lại vừa tài trợ chi phí, địa điểm cho các buổi offline. Chẳng hạn như ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco vừa trở thành diễn giả cho buổi nói chuyện chủ đề: “Chia sẻ để kinh doanh thành công”, vừa tài trợ khán phòng có sức chứa gần 1.000 người tại Sala Đại Quang Minh (quận 2) cho buổi offline này. Hay ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ông Trần Kim Thành – Chủ tịch Tập đoàn Kido… vừa tham gia giảng dạy các lớp CEO do CLB mở tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, vừa tài trợ tiền cũng như nguồn tư liệu sách vở cho các lớp học.
Nhóm không chỉ giới hạn các thành viên trong nước mà nhiều thành viên ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng hoạt động khá tích cực. Như doanh nhân Lý Quí Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24 cũng đã tổ chức những buổi học trực tuyến cho các bạn trẻ trong nước. Hay cô Lan Phan Bercu, diễn giả, tác giả và nhà đào tạo quốc tế sống ở Atlanta, bang Georgia Hoa Kỳ, cũng nhiều lần tự bỏ chi phí để về Việt Nam tham gia các buổi chia sẻ…
Bí quyết nào để ông có thể thuyết phục những người tâm huyết như trên tham gia các buổi chia sẻ của nhóm?
Tôi hay nói vui là có lẽ nhờ giỏi “đi xin”, đôi khi tôi phải chọn thuyết phục khi họ vui vẻ hoặc có hơi men, như đối với ông Trần Bá Dương hay ông Mai Hữu Tín. Nhưng sau khi nhận lời, họ đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cho phần chia sẻ của mình. Tôi nghĩ rằng họ cũng có cùng tầm nhìn, mục tiêu như QTKN nên mới có những bài chia sẻ sâu sắc, giá trị như thời gian qua.
Tầm nhìn đó là gì, thưa ông?
Là đến năm 2025, thành viên của nhóm đóng góp 5% GDP Việt Nam. Câu lạc bộ hiện đang sở hữu một tài sản có giá trị rất lớn, đó là bộ óc của hàng trăm nhà tư vấn, nhà quản trị giỏi giang trên cả nước. Và những người này lại sẵn lòng chia sẻ, tương tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo một cộng đồng tương hỗ chặt chẽ, thường xuyên “hiến kế” để giải quyết cho từng khó khăn của các thành viên, bất kể đó là khó khăn nhỏ hay lớn, từ chuyện “gỡ khó” cho một dự án bất động sản đến việc thiết kế, dịch thuật cho một catalogue bán hàng… Đó là chưa kể đến hoạt động tích cực của ban công tác xã hội với các chương trình ý nghĩa như: “Chuối nghĩa tình” hay “Hành trình đỏ” – kết nối 64 tỉnh thành làm chương trình hiến máu nhân đạo… thật sự đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Làm thế nào để ban quản trị khuyến khích cộng đồng doanh nhân dành thời gian chia sẻ các bài viết chất lượng và phong phú trên website?
Nhóm khuyến khích tinh thần “chia sẻ – nhận chia sẻ” kiến thức và trải nghiệm, vì thế nhóm yêu cầu các thành viên tích cực hoạt động bằng cách đăng các bài tự viết hoặc sưu tầm, đồng thời tham gia thảo luận các nội dung mà thành viên khác đăng tải. Tôi nghĩ ai cũng có khả năng viết, nhất là viết về những kinh nghiệm khởi nghiệp, quản trị mà mình đã trải qua. Đó là những kinh nghiệm quý giá, giúp rút ngắn con đường thành công của thế hệ đi sau mà không sách vở, trường học nào dạy. Để các anh em thành viên chủ động sắp xếp thời gian cho công việc, gia đình cho việc viết lách, nhóm còn có quy định hơi khắt khe, đó là các thành viên không hoạt động trong hai ba tháng sẽ được mời ra khỏi nhóm. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích những cây viết mới bằng cách đăng bài của họ một cách trang trọng trong bộ sách “Quản trị và Khởi nghiệp” mới phát hành vào cuối tháng 6-2017.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về bộ sách này không?
Bộ sách gồm bốn cuốn: “Nghệ thuật lãnh đạo”, “Vững bước thương trường”, “Khởi nghiệp – Dẫn đầu cuộc đua” và “Thương hiệu – Mở lối thành công”, do nhóm phối hợp cùng Saigon Books tổ chức biên soạn, với mong muốn chia sẻ những bài học, kinh nghiệm về quản lý doanh nghiệp và khởi nghiệp. Nội dung của các cuốn sách được tập hợp từ các bài viết chọn lọc của các thành viên trong nhóm, được hình thành trên nền tảng Facebook, gồm rất nhiều thành viên ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có những người giữ vai trò lãnh đạo tại nhiều tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Bộ sách tập hợp những bài viết từ tâm huyết của các tác giả, nên người đọc cũng sẽ thấy những kinh nghiệm thực tế trong lề lối quản trị tại doanh nghiệp Việt Nam, được các tác giả phân tích, tổng hợp qua thực tiễn quản lý tại chính doanh nghiệp của mình. Điểm chung của những bài viết này chính là chuyện thực, kiến thức thực do những con người thực đang mong muốn mang lại món ăn tinh thần dinh dưỡng và bổ ích cho cộng đồng. Chính điều này giúp bộ sách trở nên khác biệt so với những cuốn sách cùng đề tài đang có mặt trên thị thường.
Có thể thấy QTKN đã mang lại nhiều tác động tích cực cho thành viên, với các hoạt động đa dạng của mình…
Group mang lại những tác động tích cực đối với từng thành viên thế nào, có lẽ cần thêm thời gian để “đong đếm”, nhưng những nhận xét tích cực từ các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Sau ba lần tự bỏ “tiền túi” để sang dự các buổi offline của nhóm, ông Glen Wan, đại diện của tổ chức APAIC Đài Loan nói: “Hoạt động của nhóm vượt ngoài sức tưởng tượng của họ, Đài Loan khó mà có được một nhóm nào như QTKN”…
Hiện ông đang nhận được nhiều sự tín nhiệm từ cộng đồng doanh nhân, có lẽ ông sẽ không chỉ giữ vị trí chủ tịch một nhiệm kỳ?
Với cộng đồng doanh nghiệp này, tôi nghĩ rằng mỗi vị chủ tịch nên chỉ nên giữ chức đúng một nhiệm kỳ. Theo đó, thế hệ sau mới có cơ hội chứng minh được khả năng vượt bậc của mình so với đời trước. Là vị chủ tịch đầu tiên của nhóm, tôi luôn cố gắng hết mình để làm một điều gì đó hữu ích cho các thành viên bằng sự chân thành và chính trực. Và tôi mong những giá trị cốt lõi của nhóm sẽ được gìn giữ vẹn nguyên trong quá trình hoạt động bền lâu.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.