Bài viết mở đầu chuỗi sự kiện mừng 100 năm GS Trần Văn Khê gửi tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, kỷ niệm những trang hồi ký đầu tiên của GS Trần Văn Khê ra mắt độc giả Việt Nam.
Đầu năm 2015, khi chỉ còn hơn tháng nữa đến Tết Nguyên đán, tôi hỏi thầy Trần Văn Khê về những ngày Tết của thầy ở Việt Nam. Thầy kể thầy vẫn giữ nếp xưa từ cúng ông Táo, đến đón ông bà, xông đất, khai bút… Thế là, trong vài phút, trong đầu tôi chợt nảy ra một ý, tôi xin phép Thầy: “Thưa thầy, năm nay là kỷ niệm 10 năm thầy về sống ở Việt Nam, con xin phép được ở lại ghi hình hoạt động đón Tết cổ truyền của thầy”. Thầy vui vẻ đồng ý và nhận lời sẽ mặc áo dài thật đẹp.
Tôi cùng chị Na, hai chị em tất bật chuẩn bị Tết cho ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai. Tôi ra chợ mua mấy chậu cúc, mãn đình hồng, vạn thọ trang trí trong sân vườn, cầu mong thầy “bách niên trường thọ”. Chị Na mua hoa mai giấy về trang hoàng trong phòng khách và nấu thật nhiều món ăn ngon.
Chiều 30 Tết (18.2.2015), chị Na chuẩn bị mâm cơm cúng với thịt kho trứng, gà luộc, xôi gấc, dưa giá, chả lụa,… Mâm cỗ nhà thầy, thường phong phú các món ăn của các miền vì ai đem đến tặng thầy món gì cũng đều được bày trên các mâm cơm trong ngày Tết, như chả miền Bắc do cô dược sĩ Vân Loan, vợ TS Nguyễn Nhã đem đến biếu, món Tây do ông Bùi Văn Tuyền gửi tặng anh Hai Khê,…
Thầy Khê chọn áo màu xanh tươi tắn, kính cẩn cầm ba nén nhang, cúi đầu khấn trước ban thờ ông bà; sau đó, thầy chầm chậm trở về bếp, thắp ba nén nhang rước ông Táo về.
- Xem thêm: Đêm nghe tiếng đàn tranh và đàn Koto
Năm nào, ngày 30 Tết, thầy cũng cúng khấn giản dị như thế. Thầy dạy chúng tôi giữ những phong tục truyền thống giản dị ông bà, nhưng không sa đà vào mê tín, mâm lễ rườm rà, mà quan trọng là thành tâm kính cẩn hướng đến tổ tiên.
Sáng mùng một (19.2.2015), sau khi mặc áo dài khăn đóng chỉn chu (bên trong là áo dài đỏ, bên ngoài là áo dài lụa), chúng tôi đẩy thầy ra đường Huỳnh Đình Hai, dạo một vòng chừng 200 mét, thầy ngắm khung cảnh Sài Gòn sáng mùng một yên ả, thỉnh thoảng có vài âm thanh náo nhiệt của đoàn múa lân. Năm nào, thầy cũng tự xông đất căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai. Vào trong sân, thầy đến từng góc vườn, đưa tay vuốt ve ngắm từng cây hoa pháo, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa mai,… đang khoe sắc đỏ vàng rực rỡ. Chúng tôi vào phòng khách, thầy lấy ra các phong bao lì xì đỏ, gọi từng người đến để thầy chúc Tết, dặn dò cố gắng trong năm mới.
Tiếp theo đến lễ khai đờn, thầy cầm cây đờn kìm, cẩn thận lên dây đờn và đánh vài câu tài tử, đây là phong tục xưa. Thầy giảng giải rằng “khai đờn” tức là cho các cây đờn “lên tiếng” để dâng lên tổ tiên, ông bà, cho mọi người trong gia tộc cùng nghe và cả những người hàng xóm cũng có thể sang thưởng thức. Thầy thường chọn những bài bản tài tử Nam bộ mang giai điệu trang trọng để mọi người có thể cảm nhận sự thiêng liêng trong ngón đàn.
Tiếng đàn dứt, thầy đến bàn viết, vòng hai tay lại, nhắm mắt tập trung tư tưởng, chuẩn bị bài thơ khai bút đầu xuân. Thân hữu của thầy ai ai cũng biết thầy đã duy trì nếp khai bút sáng tác thơ Đường luật suốt mấy mươi năm.
Trên tay tôi cầm máy quay, trong lòng cố gắng kìm sự xúc động. Tết này, thầy đã 95 tuổi ta, hai mắt thị lực gần như lòa chỉ còn nhìn thấy lờ mờ. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn 30 phút, tay Thầy thảo trên tờ giấy trắng bài thơ khai bút năm Ất Mùi, từng chữ uyển chuyển tài hoa xếp ngay ngắn từng dòng. Viết xong, thầy tự tay đóng triện bên chữ ký.
Đầu năm Ất Mùi
Khai bút Tự thuật
Còn năm năm nữa đúng mười mươi
Sống khỏe nhờ ơn đức Phật trời
Nguồn cạn sông ngòi luôn sống động
Cây già cành lá vẫn xinh tươi
Ngón đàn có kém thời trai trẻ
Trí nhớ không thua lúc thiếu thời
Tiếp tục lưu truyền văn hóa Việt
Không quên tận hưởng lúc nhàn thơi
Trường ca trang, Bình Thạnh
Ất Mùi Nguyên Đán
Giờ Thìn, 8g15
Trần Văn Khê
Làm xong bài thơ, tôi đưa thầy về phòng. Thầy cười vui nói, giờ hai thầy trò khai máy, Thầy đưa tay bật máy tính khởi động. Tôi giúp thầy gửi email chuyển bài thơ Khai bút Tự thuật đến bạn bè thân hữu, như thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, GS Trần Quang Hải (con trai trưởng Thầy Khê), bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc…
Và GS Trần Quang Hải là một trong những người gửi bài thơ xướng họa gửi đáp lại sớm nhất.
Qua khỏi năm năm tuổi chín mươi
Sống vui sống khỏe nhớ ơn Trời
Tìếng đàn còn mạnh luôn trong sáng
Câu hát vẫn mềm mãi tốt tươi
Cường tráng tâm hồn theo tuổi tác
Yếu suy thể xác với niên thời
Chúc Ba hạnh phúc vui ngày tháng
Vẫn hát vẫn đàn mãi thảnh thơi.
GS Trần Quang Hải họa thơ GS Trần Văn Khê ngày 19 tháng 2, lúc 6:20am (giờ Paris tức 12:20 giờ Việt nam)
Khi ghi lại kỷ niệm này, trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày Tết đặc biệt ấy, được may mắn ghi lại những hình ảnh ngày Tết cuối cùng của thầy Khê tại quê hương, nơi thầy sống và làm việc hạnh phúc những ngày cuối đời, thỏa ước nguyện quy hồi cố hương sau mấy mươi năm ở xứ người.