Mừng thọ được biết đến là một trong những truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt. Việc tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ như một cách để con cháu báo hiếu, bày tỏ lòng kính trọng đối với người có công sinh thành, dưỡng dục. Các vua triều Nguyễn khi xưa cũng rất quan tâm đến lễ mừng thọ mẹ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn lưu giữ nhiều bản khắc ghi chép lại không khí mừng thọ cho các Hoàng thái hậu trong hoàng cung khi Tết Nguyên đán đến.
Các vua triều Nguyễn thực hiện các nghi lễ mừng tuổi Hoàng Thái hậu đúng vào ngày đầu xuân (tức ngày mồng 1 tết) hằng năm. Nghi lễ này được triều đình tổ chức hết sức ấm cúng và trang nghiêm.
Đối với vị vua đầu tiên của vương triều, vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, vua Gia Long đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, đeo đai ngọc, cầm ngọc khuê, từ Đại Nội dẫn theo các quan văn võ, hoàng tử, thân công đến cung Hoàng mẫu (còn gọi là Từ Cung) lạy tạ chúc mừng mẹ nhân dịp đầu xuân. Hôm đó, dọc theo con đường từ ngoài cửa Nguyệt Anh đến trước cửa Từ Cung, hai bên tả, hữu đều bày lỗ bộ, nghi trượng trang nghiêm. Khi đến nơi, vua quỳ dâng tờ kim tiên, lễ phẩm, tuyên đọc rồi đưa vào trong cung. Xong, lạy 5 lạy lui ra. Lúc này, trên lầu Ngọ Môn chuông trống nổi lên giòn giã.
Đến triều vua Minh Mạng, sáng mồng 1 Tết năm Giáp Ngọ (1834), vua Minh Mạng đã xuống dụ: “Trước đây, hằng năm gặp khi có tiết mừng thì đến sớm hôm tiết, quan coi việc đều trần thiết các đồ xa giá, lỗ bộ ở ngoài cửa Đại Cung, trẫm sang cung Từ Thọ làm lễ. Nay nghĩ, ngày tiết Chánh đán, sau khi làm lễ ở Từ Cung xong, lại còn về điện Thái Hòa nhận mừng thì quan coi việc phải tâu “trong ngoài đã nghiêm chỉnh sắp đặt” đến hai lần, khoản ấy không khỏi lại thêm phiền bận. Nay chuẩn hàng năm, buổi sớm ngày tiết Chánh đán, trẫm từ Đại Nội tiến sang cung Từ Thọ làm lễ lạy mừng xong, về cung. Đặt theo đó làm lệnh”.
Theo như nghi lệ đó, hằng năm vào ngày đầu tiên của năm mới, vua Minh Mạng đến cung Từ Thọ, tiến lên Hoàng mẫu 10 lạng vàng và kính dâng lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới mẹ. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 117, mặt khắc 3 có khắc bài kim tiên chúc mừng Hoàng Thái hậu của vua như sau: “Nay kính gặp tiết Nguyên đán, trời sáng ngày dài, trời đông thoảng mát, bóng ác đường đông soi thấu, cư vũ sáng ngời, cảnh xuân nhà bắc thêm tươi. Áo xiêm rạng vẽ trẫm thực lòng vui vẻ, xin dâng kim tiên chúc mừng. Thiết nghĩ: không cùng đất chở, đức dầy rộng khắp sinh linh, năm mới buổi đầu, lộc hưởng vui vầy cảnh sắc. Đón điềm cửa ngọc, tụ phúc sân Lai. Kính nghĩ: Hoàng Thái hậu bệ hạ, đức tốt trang nghiêm, duy nghi đoan tĩnh. Nơi cung cấm đề cao khuôn phép, đức ôn hòa cảm hóa từ lâu; Con cháu nhờ ơn, mưu mô để lại. Gốc lành bền vững, ân trạch vĩnh xương. Cảnh vật thêm tươi, phúc hay chung đúc. Cảnh năm mới đẹp, phong quang cung Tràng Lạc hoà vui, thẻ tuổi tiên thân, năm tháng núi Phương hổ trùng điệp. Vẽ đượm tiệc đào nhiều phúc khí lành nhà mẹ hòa vui. Trẫm, chầu chực dung nhan ngửa trông khuôn phép. Ngày một năm ba trăm sáu mươi sáu, buổi đầu gặp tiết sinh nuôi, tuổi trời cho cho tám nghìn xuân thu, phúc lớn mừng nay được hưởng. Trẫm khôn xiết mừng vui chúc cầu rất mực”.
- Xem thêm: Vua Gia Long và vùng đất Gia Định
Xong rồi, vua ngự điện Thái Hoà, bầy tôi chầu mừng. Trong buổi lễ ấy, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã tự tay viết sáu chữ lớn “Phúc Thọ Thượng Thọ Hữu Niên” vào bốn bức giấy rồng, đưa bảo bầy tôi rằng: “Năm mới trẫm khai bút viết sáu chữ ấy, hai chữ “Thượng Thọ” là dâng cung Từ Thọ, để cầu phúc lớn, hai chữ “Hữu Niên” để cầu cho dân ta năm nay được mùa, hai chữ “Phúc Thọ” để ở bên hữu chỗ ngồi để theo ý nghĩa nhà vua thu phúc mà ban cho dân”. Ngoài ra, như một lời tri ân mà vua Minh Mạng muốn dành tặng các bậc đại thần trong triều, những người giúp việc kề cận, đắc lực suốt một năm qua, Thế tổ Nhân hoàng đế đã cho ban khắc Mộc bản chữ Thọ để các quan đem về tặng mẹ nhân dịp năm mới đến.
Đến triều vua Thiệu Trị, trước tiết Chính đán một ngày (tức ngày 30 Tết), Bộ Lễ kính cẩn đem hộp đựng tờ Khánh hạ, Kim tiên dâng lên vua phê điền, rồi đặt án ở điện Cần Chánh, để hộp tờ lên. Sáng sớm ngày đầu tiên của năm Quý Mão (1843), khi Bộ Lễ đã sắp đặt đủ nghi trượng, nhã nhạc, kính đưa hộp kim tiên sang đặt trên án vàng ở gian bên tả cửa cung Từ Thọ. Đến giờ, vua từ Đại nội tiến đến cung Từ Thọ, tuyên triệu hoàng tử, hoàng thân, bách quan văn võ đến cung hoàng mẫu lạy mừng và kính dâng phẩm vật. Lễ xong, vua ngự điện Đông Các, triệu đình thần vào hầu, ban nước trà, rồi vua tôi hàn huyên trò chuyện.
Dưới triều vua Tự Đức, nổi tiếng là người có tấm lòng hiếu thảo với mẹ. Sáng sớm ngày Chính đán (tức ngày mồng 1 một Tết), vị vua thứ tư của triều Nguyễn quần áo tề chỉnh đến cung Gia Thọ dâng lên Hoàng Thái hậu các phẩm vật quý và lời chúc mừng tốt đẹp: “Nay gặp tiết Nguyên đán, trận gió đông thoảng mát, áng mặt trời mở điềm khôn thuận thể nguyên, muôn nước phép khuôn mới dương thái hanh đều tốt nhà trời, phúc lớn đương lên, trẫm chiêm ngưỡng bóng xuân, cầu mong phúc thọ. Kính đem 100 lạng vàng, 1.000 lạng bạc dâng lên, cúi xin thánh từ thâu nhận, trẫm khôn xiết tụng cầu rất mực kính cẩn tâu”.
Đối với vua Kiến Phúc, vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, năm Bính Tý (1884), vua mặc cát phục, thân đến cung Gia Thọ, tiến dâng phẩm vật cùng giấy mừng lên Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái phi. Hoàng thái hậu vàng tốt 8 đĩnh, Hoàng Thái phi vàng tốt 7 đĩnh, để ở nội viện, vâng thân đến làm lễ. Còn vua Hàm Nghi, vào ngày mồng 1 tết Nguyên đán, vua vâng đến Hoàng thái hậu ở nhà Ôn Khiêm cung, cũng sai quan vâng đệ tiến lễ thay, rồi ngự ở điện Văn Minh, các quan đều mặc áo thịnh phục vào lạy, y như nghi tiết ngày mồng 1 tháng giêng năm Kiến Phúc thứ 10.
- Xem thêm: Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?
Đến triều vua Đồng Khánh, với quan niệm “Các bậc vua chúa xưa nay, đều thờ phụng Thái hậu rất hiếu. Đã vì thiên hạ mà phụng dưỡng tất sẽ cùng thiên hạ hưởng phúc. Việc chúc vạn an mừng thượng thọ đã trở thành lễ tiết trong kỷ cương, nhằm thể hiện phúc lành của nước nhà, thỏa lòng hồ hởi của dân chúng”. Vào ngày mồng 1 Tết, năm Bính Tuất (1886), đúng dịp Hoàng Thái hậu chuyển về ngự ở cung mới. Vua Đồng Khánh kính dâng thiếp mừng lên mẹ với nội dung như sau: “Huyên đường xuân sắc, diên tước phong cao. Buông rèm năm tháng lòng vui, khoanh gối sớm hôm tâm tĩnh. Thần hân hoan khôn xiết kính dâng thiếp chúc mừng. Cúi nghĩ, áo vàng hợp quẻ, ngời ngời bút nữ sử còn ghi, điện yến mở ra, êm ái sênh cung đình hòa tấu. Cửa động tiên tỏa sáng, mừng thưa đến mẹ hiền. Kính nghĩ Hoàng Thái hậu bệ hạ, sử sách nêu gương thơm, ngọc ngà vạch khuôn thước. Đem nhan sắc hiến cho xã tắc, như thể vua Vũ lấy vợ chốn Đồ Sơn; gom nhân hậu về chốn gia đình, nào khác nhà Chu có được bà Thái Tự. Tôn kính tràn hòa bốn biển, phúc trạch thấm khắp mọi nhà. Quầng trăng sáng tỏa ngời thêm cung ngọc quế, tường sơn son càng thêm sinh sắc; áng mây lành quấn quanh xa giá kim liên, mặc ngũ sắc múa vui lòng mẹ. Nghe tiếng ngọc vẳng tự chín tầng, vái hầu bữa gắn trong gang tấc. Thần khôn xiết nỗi niềm hân hoan vui mừng, kính cẩn dâng thiếp lên dâng cùng lời chúc mừng”.
Có thể nói, lễ mừng thọ mẹ vào dịp Tết Nguyên đán của các vua triều Nguyễn đã trở thành nét đẹp văn hóa cung đình Huế. Ngày nay, việc tổ chức mừng thọ cho các bậc cao niên vẫn luôn được duy trì và phát huy trong từng nếp nhà của người dân đất Việt mỗi dịp tết đến, xuân về.