Nhai rào rạo từng miếng cơm cháy vàng thơm hòa cùng độ béo của tóp mỡ, vị mằn mặn của nước mắm kho quẹt, nồng hương tiêu bốc lên mũi, nhai tới đâu nghe ấm tới đó khi bên ngoài trời đang mưa.
Chiếc vỏ lãi ghé mũi vào bến sông nhà ngoại,tôi bước lên bờ, đi qua một miếng đất lớn. Ngoại đứng trước sân đất vẫy tay, tôi đứng sựng lại, nhìn căn nhà vách, mái lợp lá dừa nước. Chân tôi ngập ngừng bước vào nhà trên nền đất nện bóng nhẵn,nổi lên những hình tròn như khu đít khuông bánh bò, ngoại nói đó là vảy rồng.
Tôi đi thẳng ra nhà sau, thấy một sàn nước bằng ván dùng để rửa rau, vo gạo. Nơi đó, đặt hai cái lu chứa nước sông đã được lóng phèn trong vắt. Bên ngoài là miếng đất rộng, có một cái chòi lá, ngoại gọi đó là chái bếp, bên trong chất rất nhiều củi được chặt bằng nhau, xếp gọn thẳng hàng và cao độ chừng 1 mét. Một cái kệ bếp đóng bằng tre, bên trên đặt một cái lò, một cái cà ràng cả hai đều bằng đất nung.
Tôi giấu kín trong lòng cảm nghĩ rằng “Ăn cơm sẽ không được ngon như ở Sài Gòn”. Bên cạnh chái bếp là khoảnh đất hình chữ nhật, được rào bằng những nhánh tre, một bên là trấu mụt với những bụi bạc hà lá xòe to, cọng cao, mập ú. Còn bên kia là rau thơm, húng quế, vấp cá, ngò gai… tòn ten vài trái ớt sừng trâu đang chín đỏ.
Sáng hôm sau, cậu Út đi thăm câu, đem về hai con cá lóc lớn. Ngoại xuống mé sông đón ghe hàng mua một ít giá sống, một trái khóm rồi cắt bạc hà, hái rau ngò gai, ớt. Sau khi làm cá, rửa sạch, ngoại khứa hai cái đầu và hai cái đuôi để nấu canh chua, còn phần thân khứa từng khoanh, kho. Tôi tò mò, bước ra sau hè với điều mới lạ, không giống như ở Sài Gòn, mẹ tôi nấu cơm bằng lò dầu hôi.
Nhìn ánh lửa từ cây củi cháy phừng phực, những cuộn khói ùn ùn bay lên, hòa huyện hương củi, hương canh chua và mùi thơm của cá kho len qua mũi rồi xa dần trong vòm lá cam. Hương thơm ấy kích thích vị giác tôi thèm được ăn. Mẹ giúp ngoại dọn thức ăn lên mặt bộ ngựa gõ, nồi cơm dù khi nấu được đặt lên một chiếc chảo rỗng đít,phần vành của nó che chắn khói, nhưng quanh nồi vẫn có màu đen, ngoại nói đó là lọ nồi, phía dưới nồi là chiếc rế tre đã cũ.
Gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm quê thật ấm áp hạnh phúc. Nước canh vừa chua vừa ngọt, thơm, cay thấm qua lưỡi hòa cũng những âm hít hà. Còn cá kho thì tuyệt trần hơn, ăn cặp miếng thịt cá với tóp mỡ, vị mằn mặn, thơm béo, nồng mùi cay của tiêu sọ đâm nhuyễn. Tôi say mê ăn mà quên rằng mình đã ăn nhiều hơn những bữa ăn trên Sài Gòn. Buổi ăn trưa đã xong, ngoại kêu mẹ gom hết chén, tô, đũa, nồi… xuống chiếc cầu ván dưới mé sông rửa.
Tôi lót tót đi theo chân mẹ, đứng trên bờ, nhìn những giề mở trôi lềnh bềnh trên mặt sông và những bọt bóng vỡ do lũ cá lòng tong đớp mồi. Lần đầu trong đời tôi được nhìn thấy con sông rộng lớn mênh mông, vậy mà tôi không sợ, trái lại rất yêu thích vẻ đẹp yên bình của nó.
Những ngày tháng sau đó,tôi có những đứa bạn mới. Chúng dạy tôi tập bơi bằng thân cây chuối, không bao lâu, tôi đã thành thục, tự bơi một mình, đùa vui, nghịch nước. Dần dần, tôi yêu thích những món ăn do ngoại nấu. Tuy sống ở vườn, nhưng ngoại nấu ăn rất ngon, hợp khẩu vị.
Có lẽ là khi nấu món nào đó, bà đặt hết tâm tư của mình cùng với sự khéo léo dùng gia vị nêm nếm cho từng món, hòa hợp với nhau cũng như việc canh lửa tùy theo từng giai đoạn. Thỉnh thoảng, mẹ xuống sông đón ghe hàng, hay có dịp đi chợ huyện, bà mua 1-2kg mỡ heo tươi ngon về, rửa sạch cho vào rổ ráo nước, xắt ra từng miếng nhỏ, mỏng.
Tất cả cho vào chiếc chảo gang, đặt lên bếp, lửa than liu riu, đập vài tép tỏi cho vào. Khi mở đã chín thơm, các tóp mỡ vàng nổi lềnh bềnh, bà nhấc chảo xuống, vớt các tóp mỡ cho vào tô để nguội rồi cho vào chiếc keo thủy tinh. Còn mỡ nước được cho vào cái thố bằng sành. Ngoại nói: “Tóp mỡ dành để kho cá hay kho quẹt vào những ngày mưa gió, không đi chợ được”.
Rồi một ngày mưa tầm tã, ngoại ngồi vo gạo trong chiếc nồi gang. Sau khi đặt nồi lên lò, ngoại lấy chiếc ghế cây đặt nơi bếp ngồi canh lửa. Mặt ngoại đỏ bừng, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương. Tôi thấy lạ hỏi, ngoại giải thích: “Hôm nay, ngoại nấu cho mấy cháu ăn món cơm quê của người nghèo. Ngoại chắc rằng tụi cháu chưa từng được ăn món này ở Sài Gòn”.
Tôi tò mò hỏi, ngoại cười nhân hậu, đưa tay cầm cây kẹp sắt, gắp bớt củi đang cháy lửa ngọn ra ngoài, để lại trên vĩ lò những cục than củi cháy ngún đỏ. Ngoại nói: “Đây là món cơm cháy giòn ăn với tóp mỡ kho”. Nghe ngoại nói món ăn nhà nghèo, tôi chợt nhớ mấy câu ca dao được nghe bác Sáu ru cháu khi còn ở Sài Gòn. “Bà giận bà chẳng ăn cơm. Bà ăn miếng cháy cho thơm mồm bà”, hay “Tín chủ ngồi đồng. Xin thầy miếng cháy”.
Theo lời bác Sáu kể, ngày xưa ở miền Bắc, nếu ai đó nấu cơm, quên trông coi lửa, cơm cháy quá khét, họ gọi là cơm khê và cho là điềm xui chẳng lành. Nhất là ai sắp đi xa, không dám ăn cơm khê. Người ta còn dùng hình ảnh cơm cháy như thứ bỏ đi mà chỉ trích những người phụ nữ vụng về, không khéo: “Đàn bà chẳng phải đàn bà. Thổi cơm cơm khét muối cà cà chua”, hay chê bai con dâu không giỏi nữ công gia chánh: “Con gái mới về nhà chồng. Thổi cơm nồi đồng nửa sống nửa khê”.
Khi cơm cháy đã bốc mùi thơm, ngoại nhấc nồi xuống, cho đáy nồi vào thau nước lạnh khoảng 3 phút cho tróc cháy. Ngoại xới cơm nạc ra chiếc nồi nhôm, dùng chiếc đũa bếp bằng tre cạy xoay vòng phần miệng miếng cơm cháy, trút nguyên giề cơm cháy vàng phía bên ngoài và sậm dần vào bên trong, nơi gần tâm có màu hơi đen do khét.
Nhìn giề cơm cháy, giờ tôi mới hiểu câu ca dao bác Sáu nói, “Nhất ngon là đầu cá gáy. Nhì ngon là cơm cháy nồi gang”. Ngoại cắt miếng cơm cháy ra làm sáu, cho mỗi miếng lên dĩa. Sau đó múc tóp mỡ và lớp nước mắm kho sóng sánh màu hổ phách sậm nằm dưới lớp mở nước tưới đều lên mặt cơm cháy. Đứa nào thích ăn cay thì rắt thêm tiêu bột. Nhai rào rạo từng miếng cơm cháy vàng thơm hòa cùng độ béo của tóp mỡ, vị mằn mặn của nước mắm kho quẹt, nồng hương tiêu bốc lên mũi, nhai tới đâu nghe ấm tới đó khi bên ngoài trời đang mưa.
Món nghèo mà ngoại nói đó lại ngon nhất trần gian đối với tuổi thơ tôi. Nó là món ăn vui miệng xa xỉ của người nghèo. Cơm cháy mà! Có đâu nhiều, nên thể nào đủ no bụng khi miệng vẫn còn muốn ăn thêm. Rồi mấy anh em tôi tiếp tục ăn những chén cơm nạc với tóp mỡ kho và canh rau tạp tàng nấu với tôm khô, nước canh vừa ngọt vừa mát rửa trôi chất tiêu cay trên lưỡi.
Sau khi ngoại mất, gia đình tôi dời ra thành phố, sống với mẹ, không còn dịp được ăn món cơm cháy giòn với tóp mỡ kho quẹt. Nhưng niềm nhớ thương hương cơm cháy của ngoại không hề nguôi ngoai. Giờ món ăn dân dã ấy không còn là món ăn của người nghèo. Nó đã chắp cánh, rời quê ra phố, trở thành món ăn ngon khoái khẩu của các gia đình và những nhà hàng cao cấp.
Tuy bây giờ, người đầu bếp giỏi, có nhiều công cụ và điều kiện chế biến, họ có thể tạo ra miếng cơm cháy lớn hơn, số lượng nhiều hơn, nhưng vì giữ cho miếng cơm cháy có màu vàng đẹp để phục vụ khách hàng, nên người đầu bếp không dám để lửa lớn nên phần tâm của miếng cơm cháy không có màu vàng sậm hơi đen cho hương thơm khen khét. Do vậy, khi tôi ăn, không cảm nhận được vị ngon, thơm hương cơm cháy của ngoại nấu bằng nồi gang và lửa than. Bên cạnh đó là bầu văn hóa không gian ngồi ăn thiếu những âm thanh nhạc mưa rơi đều trên mái lá rất gần gũi, đó là hồn quê.