Trong hệ tiêu hóa, gan – mật được xem là cơ quan thường xuyên phải làm việc vất vả nhất nên rất nhanh “xuống cấp”.
Lẽ ra, chúng ta cần có ý thức “bảo dưỡng” để gan hoạt động ổn định và lâu dài thì ngược lại, hằng ngày chúng ta lại bắt cơ quan này phải làm việc quá tải và tích tụ ngày càng nhiều độc tố với lối sống và thói quen ăn uống kém hợp lý. Phần lớn các bệnh về gan đều bắt nguồn từ nguyên nhân sinh hoạt, lối sống như: viêm gan do nhiều loại virus khác nhau (A, B, C…), xơ gan do rượu, ung thư gan, sỏi túi mật, viêm túi mật, sỏi mật, nhiễm trùng đường mật…
Mắc bệnh gan chủ yếu là do thói quen ăn uống
Gan có vai trò vô vùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất, dự trữ năng lượng và lọc lại chất độc hại.Các loại thuốc điều trị bệnh cũng được chuyển hóa chủ yếu ở gan.Mật được sản xuất từ gan, rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa mỡ.
Thói quen ăn các loại thức ăn có nhiều năng lượng, ít rau xanh thường dẫn đến sự tích tụ mỡ trong gan quá mức, lâu dần gây ra bệnh viêm gan.Từ viêm gan có thể tiến triển thành xơ gan (gan tạo sẹo và bị xơ cứng), rất nguy hiểm và thường dẫn đến suy gan. Đôi khi, chứng viêm gan do nhiễm mỡ có liên quan đến tình trạng uống rượu bia vô độ và viêm gan do rượu cũng gây nguy cơ xơ gan rất nhanh.
Không nhiều người biết rằng việc ăn uống kém vệ sinh cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của gan. Bệnh viêm gan siêu vi A thường lây lan chủ yếu qua các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Thói quen ăn uống các loại thức ăn lề đường hoặc thức ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu bị nhiễm độc rất dễ bị viêm gan A và nhiều loại giun, sán, ký sinh trùng đường ruột khác. Ký sinh trùng đường ruột theo hệ tiêu hóa xâm nhập vào máu và tập trung tại gan gây nhiễm trùng sán lá gan. Nhiều trường hợp, giun chui vào đường mật và gây tắc nghẽn ống mật hoặc sỏi đường mật.
Chế độ ăn nhiều thịt, mỡ và ít rau xanh, nhất là các loại thức ăn nhanh nhiều muối dễ làm cholesterol trong máu cao, kéo theo tình trạng gan nhiễm mỡ và gây sỏi túi mật. Việc hình thành sỏi trên đường mật hay tại túi mật có thể gây tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng đường mật, đều rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Sinh hoạt tình dục không an toàn với người nhiễm virus viêm gan, sử dụng chung kim tiêm, tiêm chích ma túy lại là nguyên nhân lây nhiễm virus viêm gan siêu vi B, C… những căn bệnh gây tổn hại đến chức năng và hoạt động của gan và việc điều trị rất tốn kém.
Việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị bệnh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến gan, nhất là thuốc kháng sinh. Tổn thương nhỏ kéo dài sẽ dẫn đến nhiều bệnh như: viêm gan cấp hay mãn tính, suy gan cấp hoặc bệnh đường mật kéo dài.
Không quá khó để bảo vệ sức khỏe gan
Để duy trì hoạt động của gan – mật được ổn định và lâu dài, quan trọng nhất là thay đổi lối sống và thói quen ăn uống hằng ngày. Hãy từ bỏ thói quen uống rượu, bia kiểu “không say không về” càng sớm càng tốt. Vì có khoảng 1/3 số người uống rượu sẽ bị viêm gan. Trong số đó có từ 9 – 25% tiến triển sang xơ gan. Ngoài ra, khi uống rượu thì axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến nguy cơ cao về bệnh gout.
Chúng ta nên đặc biệt lưu tâm về chuyện vệ sinh ăn uống, đặc biệt khi chúng ta là những người đang trong guồng quay của nhịp sống hiện đại, di chuyển liên tục và thường xuyên phải quen với cảnh “cơm hàng, cháo chợ”. Bên cạnh đó cũng cần chú ý dinh dưỡng và bồi bổ dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể bằng việc bổ sung khoáng chất, vitamin phù hợp.
Tập thể thao đều đặn mỗi ngày hoặc ba, bốn buổi mỗi tuần không chỉ cho bạn một thân thể khỏe mạnh và còn cung cấp mới nguồn năng lượng cho cuộc sống. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định để hỗ trợ chức năng chuyển hóa thuốc của gan được tốt hơn, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh hoặc các thuốc có chỉ định đặc biệt.
Nên làm các xét nghiệm về gan và chủng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Chích ngừa viêm gan siêu vi A và B nếu chúng ta chưa có kháng thể miễn dịch. Khi thấy có các dấu hiệu: chán ăn, mệt mỏi, đau toàn thân và sốt (tương tự như triệu chứng bị cúm), ngứa ở một vùng hoặc ngứa khắp người, đau các khớp thì tốt nhất nên đi xét nghiệm máu để xác định xem có bị nhiễm virus viêm gan C hay không.
BS Nguyễn Vĩnh Tường