Lộng lẫy và ngạc nhiên – đó là cảm nhận chung của nhiều người xem khi đến với phòng tranh thuần chất liệu sơn ta của 29 họa sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 16-5 đến 30-5).
Đây là lần thứ hai nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam triển lãm tranh, nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập nhóm. Mỗi người một tác phẩm, chứa đựng những gì được coi là tinh túy nhất mà họ đã thai nghén và thể hiện trong suốt nửa năm qua. Chính vì thế phòng tranh với tên gọi giản dị “Sơn ta” được giới chuyên môn tại thủ đô đánh giá cao và tạo được ấn tượng, cảm xúc thẩm mỹ nơi người xem.
Do tranh được quy định thống nhất về kích thước (có cùng chiều cao 120cm, vóc dày 3 – 5cm và không có khung) nên cảm xúc của công chúng không bị chi phối hoặc bởi sự “hoành tráng” của những tác phẩm quá lớn hoặc sự quá khiêm tốn của tranh khổ nhỏ.
Đẳng cấp của phòng tranh được thể hiện ở chỗ các tác phẩm hầu hết đã vượt thoát khỏi tính chất trang trí, lưu niệm như lâu nay nhiều người vẫn “đóng đinh” chất liệu sơn ta. Tranh được thể hiện thật công phu, điêu luyện với nhiều phong cách tạo hình: tả thực, biểu hiện trừu tượng, siêu thực, pop art… Những Đêm hội Long Trì (Nguyễn Trường Linh), Nhịp nắng (Nguyễn Văn Nghĩa), Đêm trăng (Đặng Phương Thảo), Rối nước (Công Quốc Thắng), Phong cảnh (Chu Viết Cường), Bình minh trên cao nguyên đá (Phan Quang Tuấn), Vó đêm (Trần Tuấn Long), Về đâu, đi đâu (Nguyễn Đức Việt), Một chút quê (Đỗ Đức Khải), Bán thân (Trần Đình Bình), Cầu Thê Húc (Trần Thị Ngọc Anh)… là minh chứng cho sự khẳng định của họa sĩ Nguyễn Trường Linh – chủ nhiệm nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam: “Bằng chất liệu sơn ta, họa sĩ có thể thực hiện được tranh với tất cả các trường phái hội họa”.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Trường Linh thì: “Nhóm được thành lập vào tháng 5-2013, xuất phát từ ý tưởng bảo tồn và phát huy tranh sơn mài truyền thống được vẽ bằng sơn ta, bởi chất liệu này nhiều năm nay bị mai một, ít được sự quan tâm đúng đắn của công chúng cũng như của những người làm nghề. Không những thế, nhiều người còn dùng các loại sơn hóa chất để làm tranh sơn mài khiến loại hình tranh truyền thống này bị hiểu sai lạc. Trong khi đó, có những nước trong khu vực đang đẩy mạnh nghiên cứu chất liệu sơn mài của chúng ta và đưa vào nghệ thuật tạo hình của họ, đặc biệt là Trung Quốc đang từng bước biến tranh sơn mài truyền thống Việt Nam như một thành tựu nghệ thuật của họ”.
Cần nói thêm rằng, ý tưởng thành lập nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam (hiện có khoảng 50 thành viên) được Nguyễn Trường Linh khởi xướng vào đầu năm 2013, sau khi anh và nhiều họa sĩ miền Bắc chuyên vẽ bằng sơn ta được mời tham dự một triển lãm ở Trung Quốc. Mục đích của nhóm là liên kết những họa sĩ tâm huyết với chất liệu sơn ta truyền thống, chỉ dùng sơn ta vẽ tranh sơn mài, đồng thời liên kết, phối hợp với các trường mỹ nghệ và các làng nghề nhằm nhân rộng chất liệu truyền thống tới công chúng.
Được biết, trên thị trường quốc tế tranh sơn mài Việt Nam vẫn có giá cao: tại gallery Thavibu ở Thái Lan, tranh của các họa sĩ sơn mài nổi tiếng như Công Kim Hoa, Trịnh Tuân, Đinh Quân, Nguyễn Trọng… vẫn được định giá khoảng trên dưới 20.000 USD.
- Diễm Anh