Đầu tuần qua, đại diện từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels một lần nữa thảo luận về vấn đề tái định cư 40 ngàn dân tỵ nạn vượt biên Địa Trung Hải sang Lục địa già trong năm nay, chủ yếu từ các quốc gia có nội chiến như Syria, Afghanistan, Yemen và Somalia. Tại cuộc họp, các viên chức thừa nhận EU đã lần nữa thất bại trong việc giữ vững cam kết đưa ra tại hội nghị trước đó vào ngày 9-7 tại Luxembourg bởi không ít quốc gia EU chưa sẵn sàng tiếp đón hàng chục ngàn người tỵ nạn vào quốc gia mình như kế hoạch tái định cư ban đầu. Theo bản dự thảo kế hoạch tái định cư, việc tính toán số người tỵ nạn vào mỗi quốc gia sẽ được cân nhắc dựa trên dân số, chỉ số GDP của quốc gia chủ nhà, số lượng đơn xin tỵ nạn, tỷ lệ thất nghiệp và dân số người tỵ nạn hiện tại. Mỗi quốc gia EU trung bình sẽ phải đón nhận khoảng vài ngàn người tỵ nạn. Thế nhưng đến nay, Hy Lạp, bất kể tình hình khủng hoảng kinh tế trầm trọng, vẫn là quốc gia đón tiếp bất đắc dĩ nhiều dân tỵ nạn nhất do vị trí địa lý rất gần với châu Phi và Trung Đông. Trong khi EU cam kết sẽ chấp nhận ít nhất 32 ngàn người tỵ nạn vào châu Âu thông qua hai quốc gia đầu vào là Ý và Hy Lạp, với Đức là nước “chủ nhà” lớn nhất của hơn 10.500 người, thì Anh và Đan Mạch khẳng định chỉ chấp thuận một số lượng nhỏ dân tỵ nạn, còn Áo và Hungary cho biết sẽ không mở cửa cho dân tỵ nạn vào quốc gia mình. Tương tự, Bulgaria và Slovakia hoàn toàn quay lưng với kế hoạch hỗ trợ tỵ nạn trên của EU. Các quốc gia không trực thuộc EU như Na Uy và Thụy Sĩ cũng đồng ý giúp đỡ với việc chấp nhận đón tiếp lần lượt 3.500 và 519 người tỵ nạn vào nước họ.
Ngoài ra, kế hoạch tái định cư còn làm phát sinh không ít các hoạt động biểu tình chống Hồi giáo tại nhiều quốc gia thành viên. Trung tuần tháng 7, hàng trăm người đã tập hợp tại Cộng hòa Séc phản đối việc chính phủ chấp thuận chương trình tỵ nạn và đăng cao biểu ngữ “Nói không với Hồi giáo”. Trong ngày Người tỵ nạn Quốc tế hồi cuối tháng 6 qua, nhóm chống Hồi giáo mang tên Chống Hồi giáo hóa châu Âu đã tụ tập tại thủ đô Bratislava của Slovakia phản đối việc Cao ủy châu Âu yêu cầu quốc gia này đón nhận khoảng 800 người tỵ nạn vào đây.
Trong nửa đầu năm nay, theo Liên Hiệp Quốc, đã có khoảng 137 ngàn người vượt biên sang Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Malta và một số lượng khác đi vào châu Âu qua dãy Balkan. Vấn đề khủng hoảng nhân đạo trong việc tái định cư đã gây sự quan tâm từ báo giới quốc tế sau khi xuất hiện hàng loạt câu chuyện thương tâm về việc nhiều người vượt biên bị chết trong các chuyến hải hành vượt Địa Trung Hải đến miền đất hứa.
Kiên Lâm theo AP, Politico và Takepart.com (DNSGCT)