Buổi tiệc rượu vang nào cũng đều chú trọng kết hợp món ăn và thức uống, chẳng hạn thực đơn hải sản luôn kèm với vang trắng và các món thịt thường đi cùng vang đỏ. Nó đã được mặc định hiển nhiên đến mức ít ai có những thử nghiệm đi ra ngoài truyền thống. Buổi tiệc rượu vang cuối tháng 9 vừa rồi tại Nhà hàng Strata trên tầng cao thứ 50 của tòa nhà Bitexco cũng không là ngoại lệ.
Các món ăn do bếp trưởng Gabriel Boyer đến từ Chicago (Mỹ) chế biến tinh tế gồm sò điệp kiểu Hokkaido, cá hồi kiểu Atlantic, philê bồ câu quay với bí ngòi, sườn bò nướng với nấm đen được lần lượt kết hợp với rượu vang nhãn hiệu Morandé của nhà phân phối Interwine. Qua đánh giá chung, chai Grand Reserva Chardonnay và Reserva Carmenere cùng niên vụ 2009 làm hài lòng thực khách nhờ chất lượng rượu kết hợp tốt với món ăn, đặc biệt là vang đỏ carmenere đậm mùi vị trái cây rừng dùng với món bồ câu quay vừa chín tới. Nhưng với những thực khách muốn tìm kiếm hương vị mới, cabernet franc chính là bất ngờ thú vị khi nó được để dành kết thúc buổi tiệc.
Theo ông Vicente Traviesta, người phụ trách xuất khẩu của Morande khu vực châu Á và Trung Đông có mặt tại buổi tiệc, cabernet franc là sản phẩm mới được Interwine nhập về trong năm nay và thuộc dòng Edicion Limitada (sản xuất có giới hạn). Trên bản đồ rượu vang Chilê, cabernet franc trồng tập trung tại Maipo Valley và chiếm diện tích 285 hécta (theo số liệu năm 2011). Người ta thường tìm thấy cabernet franc trong thành phần pha chế vang Bordeaux hoặc theo phong cách Bordeaux (cùng với cabernet sauvignon và merlot) chứ ít khi là rượu vang đơn giống như ở vùng Loire Valley của nước Pháp (có vài nhãn hiệu trên thị trường Việt Nam) hoặc một số vùng ở Mỹ và Canada. So với người bà con cabernet sauvignon quá được ưu ái, cabernet franc thuộc dạng nhẹ nhàng hơn với cảm giác mềm mại ở vòm miệng, có màu đỏ trong hơn, độ chát dịu hơn và đóng góp sự tinh tế của mùi vị khi pha chế với các giống nho lực lưỡng hơn. Tùy vào vùng đất và cách thức sản xuất mà cabernet franc có mùi vị và màu sắc khác nhau, nhưng nhìn chung các nhà sản xuất của Tân thế giới có xu hướng nhấn mạnh đến mùi vị trái cây rõ rệt hơn và có thể kéo dài thời gian thu hoạch để trái chín đều hơn nếu điều kiện khí hậu không thuận lợi.
Ông Vicente cho biết cabernet franc trồng ở vùng Maipo Valley có nhiều nắng và nhiệt độ rất chênh lệch giữa ngày và đêm nên lò vang Morandé đã quyết định đầu tư sản xuất rượu vang đơn giống. Dấu ấn của sản phẩm có số lượng giới hạn này đến từ Ricardo Baettig, chuyên gia rượu vang được Morandé đặt niềm tin về chất lượng. Nó có độ chát đậm đà nhưng không quá gắt như vang cabernet franc ở Pháp và không quá phức tạp để nhận biết các đặc điểm như hương gia vị và vani, có hậu vị kéo dài. Với độ cồn 14,8%, chai cabernet franc của Morandé thích hợp với gu người tiêu dùng châu Á. Không phải ngẫu nhiên mà nó được kết hợp với thực đơn cuối cùng của buổi tiệc chỉ gồm ba loại phômai từ nhẹ (như camembert) đến nặng (blue cheese) và vài hạt khô cùng bánh mì vì nhờ đó mà thực khách dễ nhâm nhi và có những đánh giá công bằng hơn sau khi đã ăn no trước đó. “Chai cabernet franc 2008 này là loại vang giữ lâu và tôi hy vọng khi thử lại trong vài năm nữa, chúng ta sẽ càng thích nó hơn”, ông Vicente đánh giá.
Cùng dòng sản phẩm Edicion Limitada của Morandé còn có một loại vang đỏ đáng chú ý: carignan. Thời gian gần đây, người ta nhắc đến carignan ở Chilê như một giống nho dân dã nhất đang được thử nghiệm thành công tại vùng Maule Valley. Đây là một trong những thung lũng trồng nho nóng nhất Chilê, khi nhiệt độ cao cho phép nho carignan đạt độ chín mong muốn. Nhưng để làm ra vang carignan dòng premium là điều không dễ vì giống nho này thường “tốt quả nhưng không ngon trái”, tức sản lượng cao nhưng chất lượng kém. Tuy nhiên, may mắn cho Morandé là họ đã tìm ra những cây nho có tuổi trên 50 năm, cho sản lượng thấp nhưng chất lượng cao, đủ điều kiện để làm ra rượu vang có hương vị đậm đà và độ chát vừa phải. Cũng chính vì khí hậu nóng nên rượu làm ra có độ cồn khá cao (chai 2008 có độ cồn 15,1%).
Thông thường, nho carignan dùng để pha chế nhờ nó có màu rất sậm. Chẳng hạn ở vùng Languedoc (Pháp), carignan được pha chế với cinsault, grenache, syrah, mouvedre… Nó có độ chua cao, nhiều tannin nên đòi hỏi chuyên gia làm vang phải có nhiều kỹ năng để làm ra sản phẩm đơn giống đạt sự tinh tế cần thiết. Ở lò vang Morandé, nếu như cabernet franc được ủ 16 tháng trong thùng gỗ sồi của Pháp trước khi đóng chai, thì carignan phải mất đến 20 tháng trong thùng gỗ sồi của Mỹ. Vang carignan 2008 rất cân bằng giữa các vị chua, ngọt và chát, có mùi hương kéo dài.
Ông Azalbert Bertrand, người phụ trách tiếp thị và kinh doanh của Interwine cho biết sản phẩm của Morandé dựa vào 90% chất lượng và 10% quảng bá, trong khi tỷ lệ này của các nhãn hiệu khác là 60-40. Phải chăng vì lý do này mà Morandé chưa được biết đến nhiều trên thị trường Việt Nam, nhất là khi sản phẩm chỉ mới được phân phối từ một năm nay? Riêng về giá trị bảo chứng, dòng sản phẩm Edicion Limitada của Morandé được đánh giá cao tại các cuộc thi chuyên ngành, chẳng hạn chai cabernet franc 2008 được 91 điểm và carignan cũng 2008 được 93 điểm tại Wine & Spirits Competition, Mỹ (tháng 6-2011 và 6-2012). Ngoài ra, chai carignan 2008 còn đoạt huy chương bạc tại cuộc thi Int’ Wine Challenge 2010 và 2012 tại Anh.