So với năm, bảy năm về trước, phong cách dân nhậu Sài Gòn không hề thay đổi. Đến “cữ” là chuông điện thoại vang lên, kế đó là những lời hẹn hò ngắn gọn mà có sức mạnh hơn cả mệnh lệnh “Số 7!”, “33 nhe!”, “Bê vàng, 7 giờ!”. Tới giờ G, các thành viên lục tục kéo đến, ai vào chỗ ngồi người nấy, cứ như mọi chuyện đã được lên kế hoạch tỉ mỉ từ lâu, cho dù cái bàn quen thuộc đã bị nhóm khác “xí” phần. Tiếp viên nhà hàng cũng đã quen khách, chẳng cần hỏi han gì, kéo ngay ra thùng bia đúng “gu”, đặt trước mặt thượng đế này ly có đá, thượng đế kia ly không đá. Khách quen dùng bia ướp lạnh được chiều đúng ý, khách thích bia nóng cũng… đúng ý luôn! Việc khởi đầu cuộc nhậu có khi rất “lạnh lùng”, chỉ bằng một câu “Chúc sức khỏe!”, có khi lại rất “hùng hồn”. Có lần, người viết được chứng kiến lời khai mạc tưng tửng như sau: “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng đi cùng thời thế. Hôm nay anh hùng có rồi mà thời thế chưa đến thì anh hùng phải…”. Chỉ chờ đến đó, cả bàn lập tức hô vang “Nhậu!” và rộn rã tiếng cụng ly.
Những quán nhậu vỉa hè cũng rất đông khách
Dân nhậu “hợp tác phát triển”
Đã đến quán nhậu thì phải chấp nhận bầu không khí “trên cả ồn ào”. Sau tuần bia đầu tiên là đủ chuyện trên trời dưới đất được dân nhậu đem ra bàn tán, bình luận rôm rả. Không chuyện công ty thì chuyện thành phố, không chuyện thành phố thì chuyện quốc gia, hết chuyện quốc gia thì lân la quốc tế. Ai cũng tỏ ra sành sỏi, thạo tin. Nếu có điều tranh cãi, chẳng cần phải nhờ đến bộ óc nào cao siêu, hiểu biết thâm hậu, mà dân nhậu dùng… internet! “Về nhà mở trang web đó, vào mục đó, đọc kỹ rồi nộp phạt chầu nhậu tuần sau nhe!” – đó là cách cá độ trong bàn nhậu thời nay. Quả là trong thời buổi công nghệ thông tin, chẳng chuyện gì mà người ta không biết. Cứ có tên trang web là tìm ra cả, đã vậy mấy cái anh YouTube và Facebook còn “mồi chài” dữ hơn, chuyện vừa xảy ra mấy giờ trước đã có ngay clip để trình làng. Được cái dân nhậu bình luận “quyết liệt” đấy nhưng xong chuyện này là sang ngay chuyện kia, hiếm khi có vụ “đúc rút, chốt lại” những gì đã nói. Ôi, rượu vào lời ra, nói ba chuyện phiếm cho khuây khỏa mà!
Đĩa mồi bê thui hấp dẫn với giá 80 ngàn đồng
Mấy năm trước, chi phí cho một cuộc nhậu của năm, bảy thành viên thuộc diện “giàu thì không mà nghèo cũng chẳng phải” thường khoảng trên triệu đồng, nay số tiền đó đã được tiết giảm còn hai phần ba, thậm chí một nửa. Cũng vì “tiền khó” nên các đệ tử lưu linh không “miệt mài sinh hoạt” như xưa, thường thì mỗi người uống hết bốn, năm chai là rục rịch ra về, hiếm thấy các trường hợp “quắc cần câu” như trước, cũng chẳng mấy ai níu kéo nhau “đi tăng hai” nữa. Đến lúc tiếp viên đưa hóa đơn tính tiền là chẳng ai bảo ai, vị nào cũng móc bóp, rút tiền. Mới hay, phong trào “hợp tác xã”, hay còn được gọi hùng hồn hơn, ở “tầm cỡ quốc tế” là “Campuchia” hoặc “Liên Hiệp Quốc” đã trở nên quen thuộc, coi như người nào trả tiền nhậu của người ấy, theo đúng lý sự của dân nhậu: “Chơi thế mới bền!”.
Mấy người bạn đi Hà Nội về kể chuyện ngoài đó dân nhậu không thể tụ họp “trường kỳ kháng chiến” được như dân Sài Gòn, mà nguyên nhân cũng chỉ vì bão giá. Một chầu nhậu mà chỉ tốn có khoảng trăm ngàn đồng quả là khó tìm ra được quán ở thủ đô. Người Hà thành tính tình không “vung vít”, không “làm ra làm, nhậu ra nhậu” như dân Sài Gòn nên tần suất nhậu của họ cũng thấp hơn hẳn.