Ngày 7-9-2013, phá vỡ một tập quán của hoàng gia Nhật Bản là không tham gia vào các sự kiện quốc tế, công chúa Takamado, vợ góa một người thân tộc của Nhật hoàng Akihito đã tháp tùng các giới chức Nhật Bản đến thủ đô Buenos Aires của Argentina, nơi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công bố quyết định chọn thành phố đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020. Thời điểm công bố vào 5 giờ sáng tại Nhật Bản nhưng công chúng Tokyo đã tụ tập đông đảo trên đường phố, dán mắt vào những màn hình khổng lồ, hồi hộp chờ đợi. Và họ đã vỡ òa trong niềm vui khi được tin thành phố Tokyo được IOC chọn là địa điểm thi tài Olympic 2020.
Người dân Tokyo xuống đường chào mừng sự kiện được đăng cai Olympic 2020
Đối với những người sống ngoài nước Nhật, sự chọn lựa Tokyo của IOC gây không ít ngạc nhiên, vì chỉ cách nay hơn hai năm, vào tháng 3-2011, đất nước này đã gánh một lúc ba thảm họa: động đất, sóng thần và sự rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế cũng như nhiều mặt phát triển khác. Nhưng cũng có nhiều người không ngạc nhiên khi nhớ rằng chưa đầy 20 năm sau ngày cả nước Nhật tan hoang vì Thế chiến thứ hai (1939-1945), người Nhật đã tổ chức thành công Thế vận hội Tokyo 1964. Về hai đối thủ của Tokyo trong cuộc bầu chọn thì Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ là thành phố đang lên về kinh tế, nếu được chọn sẽ là thành phố Hồi giáo đầu tiên được đăng cai Olympic. Tuy nhiên, triển vọng của Istanbul bị lu mờ do thành phố này vừa trải qua bạo động chính trị vào đầu mùa hè năm nay. Trong khi đó, theo các nguồn tin hành lang thì thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã bị loại trong một cuộc bỏ phiếu kín trước đó của IOC. Điều này cũng dễ hiểu, vì Tây Ban Nha là một trong mấy nước EU đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng, khó tranh thủ được sự kỳ vọng của IOC. Cái giá của sự thất bại càng cay đắng hơn khi Madrid đã ba lần xin đăng cai Thế vận hội mùa hè, còn Istanbul đến năm lần, mỗi lần như thế, bao nhiêu tiền của đổ ra cho việc tổ chức các sự kiện để quảng bá thành tích và vận động hành lang.
Với Nhật Bản, thắng lợi trong cuộc chạy đua đầy vất vả hứa hẹn một tương lai khá hơn của nền kinh tế, tương tự Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã hứa hẹn sự ra đời của một Trung Quốc hùng mạnh, giành lấy của chính Nhật Bản vị thế nền kinh tế thứ nhì thế giới. Sự tin tưởng của người Nhật vào những mối tương tác tốt đẹp giữa việc chuẩn bị và tiến hành Olympic 2020 với sự chuyển mình của nền kinh tế trong những năm tới là có cơ sở, nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng người Nhật đừng quên những hậu quả của vụ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, dù Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa hẹn tại Buenos Aires là “tình hình (phóng xạ) đang nằm dưới sự kiểm soát” của chính phủ ông.
Lê Cẩn tổng hợp