Tiếp theo thượng viện, hạ viện Nhật nhất trí thông qua đạo luật về Ngày lễ núi non. Từ năm 2016, ngày 11-8 hằng năm là Ngày lễ núi non của xứ mặt trời. Ngày này được Hội leo núi cùng một số tổ chức dân sự khác đề xuất, lý do là một đất nước thân thiết với thiên nhiên cần phải có một ngày lễ tôn vinh núi non, cũng là để cân bằng với ngày thứ Hai của tuần thứ ba tháng 7 được tôn vinh là Ngày lễ biển cả. Vả lại, núi Phú Sĩ từ lâu đã thành biểu tượng thiêng liêng của người dân Nhật.
Núi Phú Sĩ xa xa
Hiện ở Nhật có 15 ngày lễ không phải làm việc mà vẫn được hưởng lương. Những ngày này gắn với hoàng gia (sinh nhật Nhật hoàng), với thiên nhiên (ngày biển cả, ngày xuân phân), với gia đình (ngày con cái), với quốc gia, dân tộc (ngày hiến pháp, ngày văn hóa, ngày rèn luyện sức khỏe)… Ngày nghỉ tương lai nhắm tới cơ hội thân thiết với núi non. Với ngày lễ tương lai này, Nhật trở thành vô địch Nhóm các nước phát triển (G7) về ngày nghỉ – các nước còn lại được nghỉ lễ không quá 15 ngày.
Ở Nhật, người ta thường làm việc quanh năm suốt tháng, không có ngày nghỉ ngơi. Thành thử trong những ngày lễ Chính phủ buộc người dân phải nghỉ ngơi, thậm chí còn bổ sung ngày nghỉ phụ, trước và sau ngày lễ. Nhờ thế, năm 2011 người Nhật hạ được số giờ làm việc trong năm xuống còn 1.728 giờ (năm 1980, số giờ làm việc ở Nhật là 2.100 giờ/năm). Trong khi ở Pháp số giờ làm việc trong năm là 1.425, dù chỉ có 11 ngày lễ, nhưng mọi người đều tận dụng nghỉ phép năm bốn tuần mỗi năm, thì người Nhật lại không mấy ai nghỉ phép năm.