Chỉ duy nhất ở một nơi trên thế giới, những người kết hôn lại nhận được trợ cấp từ chính phủ: đó là Nhật Bản. Để đối phó với tỷ lệ sinh tụt dốc không phanh trong thời đại Covid-19, quốc gia này quyết định tặng hẳn 600.000 yen (tương đương 133 triệu VNĐ) cho mỗi cặp vợ chồng mới cưới có độ tuổi từ 40 trở xuống.
Tỷ suất sinh quá thấp
Nhật Bản là quốc gia trường thọ nhất thế giới, có số người già trên 100 tuổi cao nhất toàn cầu. Có điều, niềm vui và sự tự hào này không lấp nổi cho nỗi bất an và thực trạng mất mát dân số nghiêm trọng. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ Nhật Bản về năm 2019, tổng dân số năm này thấp hơn năm 2018 đến 500.000. Đây là con số sụt giảm kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1968 đến nay.
Cũng theo số liệu tổng kết năm 2019, số trẻ em chào đời trong năm chỉ có 856.000 bé, giảm 5,9% so với năm 2018. Cùng thời gian ấy, số người qua đời lại lên đến hẳn 1,4 triệu. Số lượng người cao niên từ 65 tuổi trở lên chiếm hẳn 28,41% tổng số dân. “Chúng tôi đang vô cùng lo lắng, lượng trẻ mới sinh trong năm 2021 sẽ còn giảm nữa, xuống dưới 700.000 bé”, Masaji Matsuyama – chính trị gia Nhật Bản, cho biết. Nguyên nhân là vì ảnh hưởng của Covid-19. Hiện nay, Nhật Bản đang là một trong các quốc gia chịu tác động nặng nề từ đại dịch này. Nó khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, kéo theo tỷ lệ kết hôn, sinh con tụt dốc nhanh chóng mặt.
Nếu vào năm 2015, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản vừa nhỉnh lên được một chút đến 1,45 bé/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì hiện tại chỉ còn 1,369. Trong khi đó tại các quốc gia phát triển nhất như Pháp vẫn là 1,92; Thụy Điển 1,85; Mỹ 1,84; Anh 1,80… Ước tính từ năm 2021 trở đi, tỷ lệ sinh còn tiếp tục giảm, dẫn tới sự mất mát dân số lớn. Nếu năm nay, tổng dân số Nhật Bản vẫn ở mức 127 triệu người, thì dự đoán đến năm 2065 sẽ chỉ còn 88-82 triệu. Bên cạnh đó, số người từ 65 tuổi trở lên tăng vượt bậc, chiếm hẳn 38,4% tổng dân số. Đặc biệt, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ chỉ còn 14 triệu người, chiếm 17% số dân.
Trợ cấp “khủng”
Thực tế thì từ năm 1966 (Bính Ngọ), Nhật Bản đã phải đối mặt với nguy cơ dân số già. Người Nhật mê tín, phụ nữ chào đời trúng năm Bính Ngọ sẽ sát phu (giết chồng). Vì thế mà trong năm này, lượng bé gái sơ sinh giảm đột biến, khiến tỷ lệ sinh chỉ còn 1,58. Đáng ngại là dù đã qua năm Bính Ngọ, đường biểu đồ tỷ lệ sinh vẫn cứ thẳng băng. Đến năm 1989, nó còn tụt xuống mốc 1,57. Chính phủ Nhật Bản vô cùng lo lắng, tìm mọi cách khuyến khích cư dân sinh thêm con. Họ xây dựng thêm nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo miễn phí cho trẻ em nghèo và cung cấp nhiều gói hỗ trợ tài chính, dịch vụ y tế cho bà mẹ mang thai, có con nhỏ. Dù vậy, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm. Vào năm 2005, nó còn xuống thấp ở mức kỷ lục là 1,26.
Năm 2015, Nhật Bản vừa mới thở phào được một chút vì tỷ lệ sinh đã lên 1,45. Thế nhưng chưa được bao lâu, họ đã lại lần nữa lao đao vì số trẻ em mới sinh ngày càng ít. “Chúng ta cần phải có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ táo bạo hơn nữa để thúc đẩy giới trẻ kết hôn và sinh con”, Matsuyama kêu gọi. Ông đề xuất tặng 1 triệu yen (tương đương 221 triệu VNĐ) trên mỗi bé vừa chào đời. Tháng 4-2020, Nhật Bản đã phê duyệt đề xuất này. Ngoài ra, họ còn cộng thêm một khoản trợ cấp vô cùng hấp dẫn khác: tặng 600.000 yen/cặp vợ chồng mới cưới (tương đương 133 triệu VNĐ).
Bắt đầu từ tháng 4-2020, các cặp đôi Nhật Bản có độ tuổi từ 40 trở xuống chỉ cần nộp giấy xác nhận kết hôn mới đăng ký là nhận được khoản trợ cấp này. Với 600.000 yen, họ có thể thuê phòng trọ và chi trả các khoản phí sinh hoạt cơ bản trong tối thiểu là 4 tháng.
Hy vọng mong manh
Theo số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia (National Institute of Population and Social Security Research) Nhật Bản vào năm 2015, tỷ lệ nam giới tuổi từ 25-34 độc thân trong nước là 29,1%; còn tỷ lệ phụ nữ cùng độ tuổi độc thân là 17,8%. Nếu mở rộng độ tuổi ra từ 20-49, tỷ lệ nam-nữ độc thân nhìn chung là 25%, chiếm 1/4 người trưởng thành.
Trong khi đa phần phụ nữ phương Đông lo “sớm chồng kẻo ế”, cánh chị em Nhật Bản rất thong thả. Họ quan tâm xây dựng sự nghiệp hơn lập gia đình. Văn hóa hôn nhân của Nhật Bản có xu hướng đùn đẩy tất cả nhiệm vụ nội trợ cho phụ nữ. Người vợ phải có trách nhiệm chăm lo cho chồng. Người mẹ gánh tất tần tật nghĩa vụ giáo dưỡng con cái. Các chị em Nhật Bản chỉ có 2 lựa chọn: chấp nhận “chồng con là cái nợ nần” hoặc lấy chồng giàu. “Cuối cùng, họ quyết định chỉ kết hôn với đàn ông có việc làm ổn định và lương cao hơn mình”, Shigeki Matsuda – giáo sư xã hội học trường Đại học Chukyo, phân tích.
Theo công bố của Chính phủ Nhật vào năm nay, có đến 3/5 nhân viên công sở trong độ tuổi từ 30-34 là người đã lập gia đình. Ngược lại với những người lao động thuộc diện hợp đồng cùng độ tuổi, con số này chỉ 1/5. Với câu hỏi khảo sát “Tại sao chưa kết hôn?”, 29% nam giới Nhật Bản độc thân trả lời: “Vì không đủ điều kiện tài chính”; và 31% phụ nữ độc thân đáp: “Bởi không muốn mất tự do”. “Tỷ lệ nam-nữ độc thân sẽ không giảm, trừ khi phụ nữ Nhật Bản chấp nhận kết hôn với đàn ông có thu nhập bằng hoặc thấp hơn mình”, Yamada kết luận.
Gói hỗ trợ 600.000 yen/cặp vợ chồng mới cưới chỉ là một trong các biện pháp khuyến khích kết hôn ở đất nước Mặt trời mọc. Ngoài ra, quốc đảo này còn mở nhiều hoạt động và gói ưu đãi như câu lạc bộ mai mối, thời gian nghỉ thai sản kéo dài, cho phép đàn ông nghỉ việc có lương vì lý do chăm sóc con nhỏ… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại đang giáng xuống nền kinh tế và ngân khố của quốc gia này nhiều cú nặng nề. Không ít chính khách Nhật Bản vô cùng lo lắng, chính phủ sẽ thiếu hụt tiền duy trì các gói hỗ trợ vì mục tiêu “gia tăng tỷ suất sinh”.