Trong tuần qua, Nhật Bản chính thức công bố về kế hoạch đầu tư trị giá 110 tỉ USD vào hệ thống cầu đường, đường xe lửa và nhiều dự án hạ tầng khác tại châu Á, chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc đưa ra tầm nhìn chiến lược của mình đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng tại khu vực này. Nhằm gia tăng sựảnh hưởng tại khu vực kinh tế trọng điểm đang phát triển với tốc độ vũ bão này, Nhật Bản dự định tiến hành chương trình hợp tác đa phương kéo dài năm năm trị giá 110 tỉ USD thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản chiếm đa số cổ phần thay vì Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vốn được Trung Quốc và hơn 50 quốc gia thành viên khác cùng nhau xác lập, như dự tính ban đầu. Để xác lập vị trí vững chắc tại châu Á cùng với những cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tạo sự khác biệt trong việc nâng cao chất lượng sống ở khu vực, Tokyo được kỳ vọng sẽ tiến hành nhiều chương trình hợp tác và phát triển nguồn nhân lực tại khu vực cũng như chuyển giao công nghệ.
Ngay cả trước khi Trung Quốc bắt đầu sử dụng hình thức đầu tư vào khu vực thông qua AIIB, vốn được Trung Quốc đóng góp nhiều cổ phần nhất, để tìm kiếm sựủng hộ từ các quốc gia châu Á khác, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tranh thủ trở thành những “nhà tài trợ” nổi bật của khu vực kinh tế quan trọng này bằng những thông báo đáng chú ý hồi đầu năm nay. Trong đó phải kể đến việc Washington dự định đầu tư số lượng ngân sách nhiều tỉ USD, số liệu chính thức chưa được công bố, thông qua ADB, nhưng cuối cùng đã không thành công. Có điều kế hoạch ấy đã phần nào chứng tỏ việc Mỹ muốn tìm kiếm lại sựủng hộ của các đồng minh tại khu vực. Ngoài ra, dự định đầu tư của Bắc Kinh thông qua AIIB thay vì ADB như thường lệ cũng khiến giới quan sát tin rằng Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa tầm ảnh hưởng của họ bởi Anh và Iran cũng nằm trong số hơn 50 thành viên của AIIB.
Mặt khác, việc nhiều quốc gia giàu có như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và EU đang tìm lối “bơm tiền” vào chính phủ các quốc gia châu Á thông qua hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng, giới quan sát tin rằng không ít chính phủ giờ đây sẽ được chọn lựa nhà đầu tư thâm nhập quốc gia mình và phần lớn sẽ hướng đến những nền công nghiệp có điểm mạnh trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như Nhật Bản, Mỹ hay Đức. Như trước đây, Tokyo sẽ sử dụng hình thức tín dụng hay đầu tư trực tiếp vào các dự án lớn như một cách ủng hộ các nhà xuất khẩu lớn tại quốc gia nhận nguồn đầu tư, và phần lớn đó là những cơ sở xuất khẩu năng lượng, hệ thống thủy lợi, mạng viễn thông, đường xe lửa và đường cao tốc. Con số 110 tỉ USD do Tokyo thông báo được trích từ các tổ chức chính phủ, chẳng hạn như Cục Đầu tư quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và cả ADB.
Lâm Kiên theo AFP (DNSGCT)