Kinh tế Nhật đang có dấu hiệu xuống dốc
Sau một thời gian dài gồng mình với giảm phát, các doanh nghiệp Nhật sau cùng cũng đã bắt đầu chuyển bớt một phần gánh nặng của chi phí sản xuất cao lên người tiêu dùng, khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có dấu hiệu sa sút và lạm phát xuất hiện. Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy giá cả của nhiều mặt hàng tăng cao và sự kỳ vọng về lạm phát bắt đầu hình thành trong người dân Nhật, đặc biệt sau khi chính sách kích cầu kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe cho phép các doanh nghiệp tăng giá các mặt hàng tiêu dùng. Chẳng hạn, chỉ trong ít tháng qua, các doanh nghiệp điện tử bán tivi và máy tính cá nhân đồng loạt tăng giá, giá cả đi lại của ngành đường sắt cũng tăng 20%. Ngay cả các giải thi đấu sumo cũng tăng giá trị giải thưởng, còn các resort nghỉ dưỡng tại Hokkaido cũng chấm dứt chương trình giảm giá kéo dài nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nền kinh tế Nhật đang có dấu hiệu xuống dốc, đặc biệt trong giai đoạn gần đây, sau khi mức thuế tiêu dùng được gia tăng từ ngày 1-4. Nếu tình trạng tiêu dùng của người dân tiếp tục không khả quan, cùng với thực trạng xuất khẩu giảm sút, rất có khả năng kinh tế Nhật sẽ bước vào suy thoái. Vậy điều gì xảy ra nếu nước Nhật rơi vào tình trạng kinh tế tăng trưởng thấp song hành với lạm phát cao – hiện tượng chưa từng xuất hiện với nước Nhật thời kỳ đương đại? Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi áp lực gia tăng giá cả và lương bổng của chính quyền ngay trong giai đoạn kinh tế suy yếu hiện nay. Chính sách “Abenomics” của ông Abe cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng và chi tiêu chính phủ tăng cao sẽ giúp đẩy giá cả hàng hóa đi lên, mang về lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, dẫn đến việc tăng lương, sẽ kích cầu chi tiêu của người dân, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn. Không những thế, xuất khẩu cũng hồi phục, càng góp phần giúp kinh tế Nhật tăng trưởng. Tuy nhiên, những dự tính tươi sáng ấy chưa xuất hiện kể từ khi ông Abe trở lại chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản. Theo JP Morgan Securities Nhật Bản, nếu chẳng may nước này chỉ đạt được mục tiêu lạm phát chứ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng, áp lực sẽ đổ dồn lên BOJ trong việc kích cầu kinh tế, trong lúc ông Abe cũng gặp khó khăn hơn trong những quyết định sắp tới như gia tăng thuế tiêu dùng, vốn được xem là chiếc chìa khóa giảm thiểu nợ công quốc gia. Dữ liệu mới nhất cho thấy hiện kinh tế Nhật Bản giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng công nghiệp quốc gia cũng rớt xuống mức yếu kém nhất kể từ năm 2011 trong khi lạm phát đã tăng 1,3% và có khả năng đạt mức 2% trong năm 2015.
B. Trịnh theo Reuters