Lời cam kết về quản lý chặt tình trạng nhập cư trái phép được ông Sarkozy đưa ra trong bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ trong cuộc đua tranh cử chiếc ghế tổng thống Pháp. Theo Tổng thống Pháp, tình trạng nhập cư tùy tiện sẽ cản trở châu Âu tiến hành việc xem xét và xác nhận những cá nhân mới nhập cư, tạo nên những căng thẳng trong mạng lưới an ninh xã hội tại khắp các nước thuộc châu lục này. Nước Pháp không thể chấp nhận sự lệ thuộc vào những hạn chế trong cách bảo vệ biên giới bên ngoài châu Âu nên cần phải thực hiện ngay một cuộc cải tổ để tránh khỏi một sự bùng nổ dân nhập cư lậu vào Pháp. Nếu tình hình diễn biến như hiện tại, trong vòng 12 tháng tới, Pháp sẽ tạm ngưng không tham gia hiệp ước Schengen.
Đồng thời, ông Sarkozy cho rằng những quốc gia nào thuộc EU không coi trọng việc gìn giữ biên giới quốc gia mình thì phải bị trừng phạt, tương tự như việc trước đây đã có hình phạt dành cho những thành viên Eurozone không đảm bảo chỉ số tài chính quốc gia đạt chuẩn quy định trong khối. Tuy nhiên, đảng đối lập tại Pháp cho rằng ông Sarkozy đang đưa nước mình vào một cuộc đối đầu nguy hiểm với những quốc gia láng giềng về vấn đề nhập cư trái phép, bởi khi ấy các nước sẽ đổ lỗi cho nhau, thậm chí có thể xảy ra tình trạng nước này lên án nước kia đã tạo điều kiện cho dân nhập cư từ khu vực ngoài EU đổ vào nước mình. Năm ngoái, khi thế giới Ả Rập chao đảo khiến người dân rời bỏ quê hương ra đi, nước Ý đã khiến Pháp và một số quốc gia châu Âu khác “nóng mặt” vì quyết định ban hành giấy phép cư trú tạm thời cho hàng ngàn người Tunisia ly hương, rất nhiều người trong số đó đã tìm cách đoàn tụ với gia đình và ở lại Pháp. Hiện nay, Hiệp ước Schengen đang áp dụng cho 27 quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Anh vàIreland. Vừa qua, một số thành viên là Áo, Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển đã kêu gọi một kế hoạch hành động chống lại làn sóng nhập cư trái phép vào khu vực và Hội đồng Thành viên EU sẽ sớm trình một báo cáo về chức năng hoạt động của hệ thống Schengen vào tháng 5 tới. Nhân dịp này, Tổng thống Pháp đã đề cao nỗ lực xây dựng chính sách ủng hộ việc mua hàng hóa “made inEurope” trong nội bộ châu lục sau khi thấy Chính phủ Mỹ ra sức ủng hộ sản xuất trong nước. Sarkozy kêu gọi châu Âu nên thông qua một bộ luật mua hàng châu Âu dựa theo cơ chế Luật Mua hàng Mỹ đã được quảng bá rất thành công bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama.
B. Trịnh theo AP