Nổi bật trong 17 nhà vệ sinh công cộng được thiết kế mới ở Shibuya (Tokyo, Nhật Bản) là hai nhà vệ sinh công cộng “nhìn xuyên thấu”. Và khi có người bước vô, khoá cửa thì các bức tường kính sẽ trở nên mờ đục, để đảm bảo sự riêng tư.
Theo CNN, mục đích chính nhằm xóa bỏ quan niệm cho rằng toilet công cộng thường dơ và nặng mùi. Nhà vệ sinh trong suốt là ý tưởng của kiến trúc sư lừng danh Shigeru Ban – người từng giành giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker.
Nhà vệ sinh có các lớp kính xuyên thấu. Nhìn từ bên ngoài, nhiều người có cảm giác thiết kế làm cho việc đi vệ sinh vốn riêng tư lại trở thành chuyện… lộ thiên. Tuy nhiên khi có người vào trong, chốt cửa, các mặt kính lập tức chuyển sang chế độ mờ. Lúc này, người qua lại bên ngoài hoàn toàn không thể nhìn thấy bên trong nhà vệ sinh.
Theo đại diện tổ chức Nippon Fouandation, phần lớn người Nhật ngại nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt những chiếc đặt trong công viên, thường bẩn hoặc có kẻ xấu đang rình rập bên trong. Với thiết kế trong suốt, nhà vệ sinh công cộng có thể giúp người muốn sử dụng chủ động kiểm tra sự sạch sẽ và an toàn trước khi lựa chọn vào trong hay không. Shigeru Ban cũng cho biết thiết kế này còn đề cao sự bình đẳng khi có một mẫu số chung cho diện tích, chiều cao và nội thất bên trong, không phân biệt giới tính, tuổi tác cũng như địa vị xã hội.
Hai nhà vệ sinh trong suốt đã được thí điểm tại công viên Haru-no-Ogawa và công viên Yoyogi Fukamachi Mini, thuộc Shibuya, Tokyo – những nơi có nhiều người đi bộ qua lại. Mỗi nhà vệ sinh có ba ngăn, được trang trí các màu bắt mắt bên ngoài như xanh lam, vàng chanh, hồng, tím.
Thiết kế mới này gây ấn tượng với dân địa phương và cả người nước ngoài. Thậm chí, nhiều tay chuyên làm video phát trên YouTube nổi tiếng (YouTuber) cũng đã đến đây… “tác nghiệp”. Theo những người trải nghiệm, nhà vệ sinh kích thích tính tò mò của họ. Khi có người sử dụng, nhà vệ sinh công cộng ở Nhật mới có cơ hội thay đổi cái nhìn của người dân. Vào ban đêm, những “chiếc hộp toilet” này càng trở nên bắt mắt dưới những ánh đèn lung linh. Nội thất bên trong được đầu tư hiện đại và luôn được lau dọn thường xuyên.
Năm 2014, thành phố Oita cũng đã đưa vào sử dụng nhà vệ sinh trong suốt, nhưng hoạt động bằng cảm biến. Điều này lộ một nhược điểm “chết người”. Khi cảm biến không ghi nhận được chuyển động trong khoảng 30 giây, các tường kính tự động chuyển lại thành trong suốt dù bên trong vẫn có người.