Đến với các bảo tàng lớn ở nhiều nước, thời gian dành cho việc thưởng ngoạn các tác phẩm, hiện vật có thể mất cả ngày chưa đủ nên vào giờ ăn khách tham quan ắt phải tìm thứ gì bỏ bụng để có thể yên tâm xem tiếp. Thông thường thì các cafeteria ở các bảo tàng luôn có thức ăn nhanh như sandwiche, burger… nhưng đều nhạt nhẽo, chỉ cốt no bụng thực khách. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng “đẳng cấp” đã có mặt ở các bảo tàng khắp thế giới như một cách cộng sinh với tác phẩm, thu hút nhiều khách tham quan hơn đến với những kho tàng nghệ thuật và tri thức của nhân loại.
Tựa như một nghệ sĩ mà tác phẩm đột nhiên nhận được những lời tán dương sống động từ nhà phê bình, đấy là thời điểm để các nhà hàng trong bảo tàng được đánh giá lại về nghệ thuật ẩm thực của mình. Để có được điều đó, nhiều nhà hàng còn nhờ đến sự trợ giúp của các đầu bếp danh tiếng hoặc các đầu bếp được phong sao Michelin, những người chế biến các món ăn cũng giống như cách sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Sau đây là một số nhà hàng bảo tàng được chấm điểm rất cao từ các kênh thông tin khác nhau.
Nhà hàng Le Georges – Trung tâm mỹ thuật đương đại Pompidou ở Paris
Le Georges được các kiến trúc sư nổi tiếng Renzo Piano và Richard Rogers thiết kế theo phong cách vị lai và siêu thực vào cuối thập niên 1970 nên cho đến hôm nay vẫn thu hút thị giác thực khách – những người có thể gọi các món ăn kết hợp tinh hoa Á-Âu như tom yum nấu với cá mú Chi-lê hay ức gà giò nướng chín vàng ăn kèm cà ri và tương ớt. Điểm đặc biệt là khi bảo tàng Pompidou đóng cửa vào lúc 21g tối thì Le Georges vẫn tiếp tục đón khách vì nhà hàng nằm trên sân thượng của tòa nhà, ở đó thực khách vừa dùng bữa tối vừa ngắm nhìn khung cảnh “Kinh đô ánh sáng” về đêm thật lộng lẫy.
Le Georges còn được xếp vào danh sách 100 quán bar tuyệt vời nhất của Paris, tuy nhiên thực khách đến đây phải chờ khá lâu mới có món ăn đã gọi.
Nhà hàng Café d’Art – Bảo tàng nghệ thuật đương đại Hara ở Tokyo
Nhà hàng Café d’Art nhìn ra khu vườn tượng tuyệt đẹp lại nổi tiếng với các món bánh ngọt, đặc biệt là món “bánh hình ảnh” được làm dựa theo hình ảnh và chủ đề các triển lãm đương đại tổ chức tại đây, chẳng hạn trong triển lãm của nghệ sĩ Yasumasa Morimura, các đầu bếp đã làm món bánh kem dừa với chân dung nổi tiếng của Frida Kahlo do Morimura vẽ. Tất nhiên trong thực đơn của Café d’Art có rất nhiều món ăn Nhật được thay đổi theo mùa với các loại gia vị được coi là niềm tự hào của địa phương.
Sau bữa ăn ngon, thực khách tiếp tục thưởng ngoạn bộ sưu tập phong phú của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Hara với hơn 1.000 tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có những tên tuổi như Anselm Kiefer, Yves Klein, Robert Rauschenberg, Jean-Pierre Raynaud, Nam June Paik, Yayoi Kusama, Yoshitomo Nara Ngải Vị Vị…
Mitsitam Café – Bảo tàng quốc gia về người da đỏ Hoa Kỳ tại Washington, D.C.
Bếp trưởng Richard Hetzler đã sáng tạo những món ngon với nguyên liệu, gia vị và kỹ thuật chế biến xuất phát từ thổ dân da đỏở năm khu vực của châu Mỹ: Nam Mỹ, vùng Mesoamerica (gồm các nước Trung Mỹ là Guatemala, Belize, Honduras và Nicaragua), vùng rừng núi phía bắc nước Mỹ, vùng bờ biển phía tây bắc Mỹ và vùng thảo nguyên Great Plains (trải dài từ miền nam bang Texas tới miền nam bang Nebraska). Các món ăn này gồm xương rồng nướng, cá hồi nướng dọn trên gỗ tuyết tùng ăn kèm với dầu chiết xuất từ bạch hoa, bánh taco làm với thịt bò rừng ăn kèm bánh mì nướng, đậu ngựa, ớt tươi.
Nhà hàng Nerua – Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha)
Tọa lạc ở cuối dòng sông Nervion, Nhà hàng Nerua chuyên phục vụ thực khách các món ngon của ẩm thực xứ Basque, với bếp trưởng Josean Alija được phong sao Michelin. Trong thực đơn của Nerua có món gan vịt nướng ăn kèm cà rốt tẩm đường, tráng miệng với chocolate nguyên chất và bánh hạnh nhân “cát” trứ danh.
Nhà hàng Chân Dung – Bảo tàng quốc gia về chân dung tại London
Đến với Bảo tàng quốc gia về chân dung (National Portrait gallery) ở thủ đô Vương quốc Anh, khách tham quan không thể bỏ qua một bữa ăn ngon tại Nhà hàng Chân Dung (Portrait Restaurant) nằm trên sân thượng của tòa nhà, nơi hằng ngày đều phục vụ các bữa ăn, kể cả một bữa tiệc trà chiều theo kiểu Ăng-lê.
Trong thực đơn của nhà hàng, các món ăn chủ yếu được chế biến với các nguyên liệu và gia vị địa phương như thịt bê Devon Rose (nướng còn sắc đỏ như hoa hồng xứ Devon, tây nam nước Anh), thịt nai chế biến kiểu Hoàng gia Anh, gan bò cái áp chảo ăn kèm đậu lăng và rau spinach non, thịt xông khói kiểu Ý phủ phó mát vùng Lancashire và tráng miệng với bánh ngọt nhân atisô vùng Jerusalem.
Nhà hàng Silks Palace – Bảo tàng Cung điện quốc gia ở Đài Bắc
Bảo tàng Cung điện quốc gia (National Palace Museum) sở hữu một bộ sưu tập khổng lồ các hiện vật cổ và tác phẩm mỹ thuật Trung Hoa, mỗi năm đón trên 4,3 triệu khách tham quan. Trong thực đơn có tên “Lễ hội (ẩm thực) kho báu hoàng cung” không thiếu các món ăn truyền thống Trung Hoa và các món mới được chế biến từ cảm hứng đối với các tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại bảo tàng, như món chim hấp với mật ong, hành và rượu đã có từ 600 năm trước, hay món chân giò hầm nhừ mà khi dọn cho khách ăn khiến họ nhớ đến tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Đá trông như tảng thịt” đã có tuổi ngàn năm.
Nhà hàng Terzo Piano – Bảo tàng Mỹ thuật Chicago
Bếp trưởng Tony Mantuano, người đoạt giải thưởng ẩm thực James Beard danh giá đang điều hành Nhà hàng Terzo Piano. Ông là tác giả của các món ăn độc đáo như tôm hùm Hà Lan nướng, bánh nhân thịt cừu nướng ăn kèm xà lát mỡ lợn, rau cải trộn táo và rau thì là, hành nướng cháy và phó mát sữa dê. Nhà hàng tọa lạc ở khu vực tác phẩm hiện đại của bảo tàng, từ đây thực khách mở tầm nhìn ra Công viên Thiên niên kỷ cảnh quan bốn mùa thay đổi.
Còn nữa những địa chỉẩm thực ở các thiết chế mỹ thuật danh tiếng như Bảo tàng Whitney (New York), Spritmuseum (Stockholm), Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia vùng Catalonia (Barcelona), Bảo tàng Mỹ thuật Los Angeles, Rijksmuseum (Amsterdam)…, những nơi có sự kết hợp tuyệt diệu giữa nghệ thuật và ẩm thực.
Thu Thảo (DNSGCT)