Nhà giáo Dương Quảng Hàm (1898-1946) rất nổi tiếng với các tác phẩm văn học sử như Việt Nam văn học sử yếu, Văn học Việt Nam, Quốc văn trích diễm… Đã một thời gian dài, những tác phẩm này là tài liệu không thể thiếu khi nghiên cứu về lịch sử văn học nước nhà.
Ngoài những công trình đó, ông còn biên soạn một cuốn giáo khoa về lịch sử Việt Nam viết bằng Tiếng Pháp để giảng dạy cho học sinh trong giai đoạn thập niên 1930 của thế kỷ trước. Đó là sách giáo khoa có nhan đề Lecons d’Histoire d’Annam (Những bài học lịch sử An Nam). Sách được xuất bản lần đầu năm 1928.
Trong giai đoạn cuối thập niên 20, đầu thập niên 30, chương trình giáo dục Tiểu học đã được sửa đổi, vì thế cần có một cuốn sách giáo khoa về lịch sửđể giảng dạy theo chương trình mới. Mục đích, yêu cầu của cuốn sách được ghi rõ trong nghị định:
- Mở rộng kiến thức về lịch sử An Nam theo chương trình mới cho học sinh lớp nhì đệ nhị và lớp nhất.
- Nội dung sách giáo khoa chủ yếu nhấn mạnh thời hiện đại. Đặc biệt là những nguyên nhân và thành quả lớn lao mà An Nam đã đạt được, từ đó hướng tới một xứ An Nam phồn vinh.
Ở phần đầu của tập sách, tác giả có bài giới thiệu về bố cục của sách, cũng như phương pháp biên soạn như sau:
- Mỗi bài học tương ứng với tiết dạy trong một tuần, có phần toát yếu và một hoặc nhiều bài đọc thêm liên quan đến sự kiện hay nhân vật trong bài học.
- Chú trọng tính mạch lạc, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ các sự kiện lịch sử, khối lượng sự kiện và niên đại được hạn chế. Những chi tiết thứ yếu được tạm gác để tập trung vào việc mở rộng kiến thức về những biến cố quan trọng, những vấn đề liên quan đến văn minh, văn hóa.
- Kết thúc mỗi giai đoạn lịch sử, có một niên biểu ghi lại những niên đại chính cần nhớ, một phần chú giải các từ khó, một mục ghi các tài liệu tham khảo giúp thầy giáo tìm đọc, tích lũy thêm kiến thức.
Về nội dung, cũng như nhiều công trình biên soạn khác, đặc biệt về sử học và văn học sử. Dương Quảng Hàm luôn “lấy sự thật làm trọng”. Ông viết:
“Trong việc biên tập, chúng tôi hết sức cẩn thận. Khi xét về một vấn đề nào, trước hết sưu tầm tài liệu tản mát ở các sách giáo khoa rồi khảo sát, suy nghĩ điều gì xác thực, chắc chắn mới chép, điều gì còn hồ nghi thì để nguyên, không khi nào dám lấy ý riêng mà giải quyết… không võ đoán hấp tấp theo liều những ý kiến nhiều khi sai lầm hoặc thiên lệch”. Có lẽ do vậy mà trong một thời gian dài, giới nghiên cứu gọicách biên soạn của ông là “phương pháp Dương Quảng Hàm”.
Thế nhưng ông không nghĩ rằng đối với sách giáo khoa, nhất là về môn lịch sử có thể thay thế vai trò của người thầy. Ông viết:
“Chúng tôi hiểu rất rõ ràng ở môn lịch sử cũng như bất cứ môn học nào khác, một cuốn sách không bao giờ có thể thay thế bài giảng sinh động của ông thầy, Chỉ có ông thầy mới là người dạy cho học trò biết cách sử dụng sách giáo khoa. Qua cách phân tích, lý giải của mình, thầy giáo sẽ tái hiện sống động những sự kiện lịch sử, làm cho học sinh thích thú và thêm yêu lịch sử” (Lecon d’ Histoirie d’’Annam, sđd, tr. 7).
Khi chọn một bài văn đưa vào sách văn học sử, Dương Quảng Hàm lưu ý trước tiên là phải có giá trị về đường tư tưởng. Cũng với tiêu chí đó, khi soạn Các bài học lịch sử An Nam cho trường Tiểu học Pháp Việt, ông đã khéo khơi gợi tinh thần yêu nước và niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Đây là một thành công và sự đóng góp không nhỏ của nhà giáo Dương Quảng Hàm ở những năm 20 của thế kỷ trước. Ông viết:
“Việc giải thích nguyên nhân và bối cảnh của mỗi sự kiện lịch sử được chú trọng, nhằm gợi mở cho học sinh tự mình suy ngẫm và xét đoán, và chỉ có như vậy thì học sinh mới hiểu sâu sắc các biến cố lịch sử và nắm được tính liên tục của lịch sử dân tộc mình” (sđd, tr. 7).
Khi biên soạn, ông đã giới thiệu một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước; đó là một dân tộc sớm hình thành một quóc gia (sđd, tr. 16), đã từng tạo dựng một nền văn hiến từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Trước thời Bắc thuộc đã biết canh tác, luyện kim, chế tác cung tên, với những tập tục vẫn còn tồn tại đến ngày nay… (sđd, tr. 16). Đó là một quốc gia được tổ chức tốt để bảo vệ kinh tế và bảo vệ đất nước với một triều Lý có tổ chức chính trị, quân đội, luật pháp được chỉnh đốn. Lập Văn Miếu, mở khoa thi đầu tiên; với một triều Trần tổ chức rất hoàn hảo những khoa thi để tuyển chọn nhân tài; một nền văn học nở rộ với những tên tuổi như Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Hàn Thuyên… (sđd, tr. 63,64).
Bước sang thế kỷ XV dưới triều Lê, có vua Thái Tổ lập Quốc Tử Giám, mở các khoa thi Hương, thi Hội lấy đỗ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ với lễ xướng danh, lễ vinh quy. Vua Thánh Tông lập bản đồ toàn quốc và tổng kiểm tra dân số, lập Hội Tao Đàn; có sử gia Ngô Sĩ Liên nổi tiếng kế tục bộ sử của Lê Văn Hưu mấy thế kỷ trước; có những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn…, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm bằng chữ Nôm… (sđd, tr. 77).
Đề cập thời Bắc thuộc, soạn giả viết: Các triều đại Trung Hoa đô hộ Việt Nam hơn 10 thế kỷ, nhưng không liên tục mà phải gián đoạn, do những cuộc nổi dậy nhiều khi dành lại được độc lập trong những thời gian ngắn (sđd. tr. 22). Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bôn được ông giới thiệu đậm nét trong bài học cũng như trong phần toát yếu.
Về khởi nghĩa Lam Sơn thì sau 10 năm chiến đấu gian khổ, Lê Lợi đánh đuổi được quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập cho đất nước (sđd, tr. 167). Hoặc khi quân Thanh kéo sang, với lực lượng hùng hậu đánh Tây Sơn, Nguyễn Huệ bèn lên ngôi vua đem quân chống lại, và quân Thanh đã thất bại thảm hại (sđd, tr. 105).
Phần lớn các bài đọc thêm đều nhằm vào chủ đề chống ngoại xâm hoặc sự nghiệp của các anh hùng dân tộc. Đó là các bài Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (tr.13), Chiến thắng Chi Lăng thời Lê Hoàn chống Tống (tr 48). Vị tướng kiệt xuất Lý Thường Kiệt (tr.53), Cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ (tr.58), Nguyễn Trãi (tr.68), Nguyễn Huệ (tr.106)…
Có thể nói rằng, mặc dù đang ở dưới sự đô hộ của thực dân nhưng qua tài liệu giáo khoa này, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã muốn nhắc nhở thế hệ trẻ thời đó đừng đánh mất bản ngã khi tiếp xúc với văn hóa Pháp mà phải biết thâu cái tinh hoa của nền văn minh nước Pháp mà làm cho cái tinh thần dân tộc được mạnh lên…, vừa giữ được cái cốt cách cổ truyền như ông đã viết trong sách Việt Nam văn học sử yếu. Đó là những ẩn ý sâu kín khi phải soạn những bài học mà ông muốn người Việt dù ở trong hoàn cảnh nào cũng nằm lòng những bài học về đấu tranh bảo vệ đất nước suốt cả hàng ngàn năm qua…
Nhìn lại thực tế, hiện nay chúng ta thấy mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những nỗ lực để cải tiến việc biên soạn sách giáo khoa, nhất là về bộ môn lịch sử, tuy nhiên thực trạng học sinh không có sự đam mê trong việc học sử vẫn tiếp diễn từ năm này sang năm khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó không loại trừ việc biên soạn nội dung sách giáo khoa. Do đó, chấn chỉnh việc biên soạn tài liệu giáo khoa là yếu tố cần thiết để thay đổi nhận thức chưa đầy đủ của đa số học sinh hiện nay. Chúng ta phải cố gắng giúp “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).