Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhưng xưa nay được xem là cuộc chơi dành cho những “ông lớn” nhiều tiền. Vậy mà có một tay khởi nghiệp theo kiểu “con nhà nghèo” vẫn sống tốt trong 3 năm qua, thậm chí tăng trưởng kinh doanh trong mùa đại dịch, đó là chuỗi siêu thị Farmers Market của startup Võ Thanh Lộc.
Lợi thế nhờ “lên sàn” sớm
Trong đại dịch, người dân thay đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang online, đã khiến cho không ít cửa hàng, siêu thị phải cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa. Nhưng với Farmers Market, Covid-19 lại trở thành một “cú hích” để phát triển thương hiệu nhanh hơn trên sàn thương mại điện tử. “Mọi người đều biết rằng mua sắm online là xu hướng toàn cầu, nhất là khi công nghệ phát triển mà cuộc sống ngày càng bận rộn. Tuy nhiên, phần lớn các siêu thị thực phẩm hiện nay thường chỉ chọn phát triển các kênh mạng xã hội, chứ chưa quan tâm đến các sàn. Siêu thị của chúng tôi thì đã phát triển các kênh mạng xã hội từ trước, đến đầu năm nay chúng tôi bắt đầu lộ trình phát triển đa kênh bằng cách tiến “lên các sàn” như Tiki, Lazada, Grab, Beamin và tận dụng lợi thế cạnh tranh”, Võ Thanh Lộc cho biết.
“Trong ba tháng lên sàn, Farmers Market đã tăng doanh thu gần 20 lần, có tháng, chúng tôi bán cả tấn nho nhập khẩu trên kênh Lazada. Đến nay, Farmers Market là cửa hàng thực phẩm Top 2 trên Grab và là cửa hàng thực phẩm Top 1 trên Tiki”
Nhờ sự bắt nhịp nhanh, Farmers Market đã nhanh chóng chiếm lợi thế là một trong những hệ thống siêu thị đầu tiên có mặt trên các sàn TMĐT. Điều này đã giúp doanh nghiệp tận dụng tốt lợi thế về tệp khách hàng lớn cũng như khâu vận chuyển, giao hàng nhanh của các sàn để tăng năng suất bán hàng. Anh Thanh Lộc chia sẻ: “Trong ba tháng lên sàn, Farmers Market đã tăng doanh thu gần 20 lần, có tháng, chúng tôi bán cả tấn nho nhập khẩu trên kênh Lazada. Đến nay, Farmers Market là cửa hàng thực phẩm Top 2 trên Grab và là cửa hàng thực phẩm Top 1 trên Tiki”Thử thách lớn nhất khi kinh doanh trên sàn là phải đảm bảo các loại giấy tờ chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, điều này không gây khó khăn cho thương hiệu của Thanh Lộc, vì ngay từ đầu, phương châm kinh doanh của chuỗi siêu thị này là lựa chọn những loại thực phẩm đạt chất lượng VietGap, Global Gap hoặc thực phẩm hữu cơ organic, đồng thời luôn duy trì chất lượng để giữ uy tín của thương hiệu. Cũng theo Thanh Lộc, lợi thế của thương hiệu anh là quy mô nhỏ, bộ máy tinh gọn nên việc lên sàn dễ dàng hơn những chuỗi siêu thị lớn, phức tạp. Ngoài ra, Farmers Market cũng quan tâm đến việc tìm hiểu rõ thế mạnh và cách hoạt động của từng sàn TMĐT, từ đó phát triển được thương hiệu của mình trên các sàn này một cách chủ động và bền vững”.
Tư duy “mãi là thanh niên khởi nghiệp”
Ra đời năm 2017, từ một cửa hàng chỉ bán vài chục mặt hàng đặc sản Đà Lạt, đến nay, Famers Market đã là chuỗi siêu thị mini với hơn 3.500 mặt hàng thực phẩm: trái cây, rau củ, thịt, hải sản, gia vị, thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, bơ sữa… “Đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm sạch một cách toàn diện là mục tiêu lớn của chúng tôi. Khách hàng sẽ không muốn đến siêu thị để mua thịt và rau, rồi phải ra chợ để mua rau gia vị (hành lá, rau ngò…). Chúng tôi tạo ra một điểm dừng chân thuận tiện, để khách hàng có thể mua đủ các loại thực phẩm cần cho gia đình. Mặc dù các loại rau gia vị rất khó bao quản, hư hao nhiều, doanh số thấp nhưng chúng tôi vẫn luôn có đủ khi khách hàng cần. Cung cấp giải pháp thực phẩm sạch toàn diện là cách Farmers Market giữ chân khách hàng, bên cạnh chăm chút cho chất lượng sản phẩm và giao hàng nhanh”, Thanh Lộc cho biết.
Chúng tôi tạo ra một điểm dừng chân thuận tiện, để khách hàng có thể mua đủ các loại thực phẩm cần cho gia đình. Mặc dù các loại rau gia vị rất khó bao quản, hư hao nhiều, doanh số thấp nhưng chúng tôi vẫn luôn có đủ khi khách hàng cần.
Điều thú vị là mọi người có thể mua các loại thực phẩm theo xu thế (trendy food) tại Farmers Market, như cherry Mỹ, dâu Hàn Quốc, nho Nhật… Trước đây, CEO của Farmers Market khá cực đoan trong việc lựa chọn thực phẩm. Anh chỉ chọn bán những thứ mình thích, hoặc nghĩ rằng nó phù hợp với “túi tiền” khách hàng. Nhưng sau vài lần thử nghiệm, thì mới thấy rằng những loại thực phẩm cao cấp, hoặc trendy food lại đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng, đồng thời làm tăng giá trị cho thương hiệu.
Một trong những chiến lược kinh doanh thường thấy của các thương hiệu bán lẻ là mở nhanh chuỗi cửa hàng để tăng doanh thu. Nhưng Farmers Market lại chọn hướng đi “chậm mà chắc”, chỉ mở cửa hàng thứ 2 khi cửa hàng đầu tiên đã kinh doanh có lợi nhuận. Đến nay, hệ thống của Thanh Lộc đã có 4 cửa hàng kinh doanh có lợi nhuận và được tái đầu tư liên tục. “Lúc này vẫn chưa phải là thời điểm để kêu gọi vốn đầu tư, tôi muốn hoàn thiện mô hình, phát triển hệ thống vững vàng hơn nữa. Để nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn thì cũng không làm thay đổi định hướng “trở thành thương hiệu tiên phong năng động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch chất lượng cao” mà chúng tôi đã xây dựng lâu nay”, Thanh Lộc nói.