Để đi vào đời sống tâm hồn của một thành phố, chỉ với trang bị tình yêu dành cho nơi chốn thôi sẽ không đủ, mà cần đến những nỗ lực mở rộng giới hạn hiểu biết với một tinh thần khoa học.
Đà Lạt đã không còn là Đà Lạt của sự hấp dẫn thị giác được khoác lên các tính từ: lãng mạn, thơ mộng, tươi đẹp…; và cũng đến lúc những thêu dệt ký ức đô thị qua các giai thoại, huyền thoại mù mờ đã trở nên nhàm chán.
Đà Lạt cần được định vị bằng những dữ kiện lịch sử, ký ức đô thị chính xác và khả tín.
Hai năm trước, cuốn Đà Lạt, một thời hương xa của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên ra mắt gây chú ý đặc biệt và định vị một dấu ấn trong cách viết về văn hóa đô thị, làm sống lại một Đà Lạt – đô thị tinh hoa trí thức, văn hóa trong giai đoạn 1954-1975.
Mới nhất, cuốn Đà Lạt, bên dưới sương mù – Đô thị Đà Lạt, 1950-1975 (Phanbook & Nxb Phụ Nữ, 2019) vừa ra mắt, là kết quả sau hai năm tác giả kiên trì tìm cách đưa những tài liệu lịch sử đô thị Đà Lạt từ bóng tối lãng quên của các kho lưu trữ, tàng thư ra ánh sáng. Một Đà Lạt của giới tuyến, tình báo, giao tranh ngấm ngầm, những tham vọng và nỗ lực kiến tạo giá trị đô thị được tái hiện đầy công phu, hấp dẫn.
Lịch sử, giá trị văn hóa đô thị Đà Lạt khởi từ Hoàng triều cương thổ đến kết thúc Việt Nam Cộng hòa được tác giả đặt lại một cách cẩn trọng và khách quan. Những mảnh sử bị che đậy được phủi bụi, trở nên lấp lánh, cho thấy sức hấp dẫn của Đà Lạt không chỉ là sự hào hoa bề nổi, mà còn là phần ẩn mật – một Đà Lạt đầy những giằng xé nội tại – bên dưới sương mù.
Từ bức tranh vi lịch sử Đà Lạt, có thể phóng chiếu số phận phổ quát của các đô thị miền Nam trong tiến trình lịch sử nhiều biến động.
Vào 9g sáng Chủ nhật, 24-3-2019, tại Salon văn hóa cà phê thứ 7 (38 Võ Văn Tần), tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ có buổi gặp gỡ người đọc Sài Gòn để nói về hành trình tìm kiếm Đà Lạt của mình và giới thiệu tác phẩm mới ĐÀ LẠT, BÊN DƯỚI SƯƠNG MÙ.