Tháng 10-2002, trong chương trình Toyota Classics lần thứ 6 tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả đã đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt cho màn trình diễn của violinist Nguyễn Hữu Nguyên, người trở về biểu diễn tại quê hương ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của dàn nhạc quốc gia Pháp.
Năm ấy Nguyên 30 tuổi. Và ngày 5-11 tới đây, nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trong dàn nhạc danh tiếng châu Âu ấy sẽ trở lại quê nhà, trong chương trình Toyota Classics lần thứ 16.
Cùng với những dàn nhạc quốc tế danh tiếng, chương trình nhạc cổ điển thường niên được tổ chức bởi Công ty Toyota châu Á – Thái Bình Dương, Công ty Toyota Việt Nam phối hợp cùng Cục NTBD Bộ VH-TT&DL Việt Nam đã mang tới cho công chúng trong nước cơ hội thưởng thức tài nghệ của nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam ở nước ngoài như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy (khi Duy chưa về nước) và Nguyễn Hữu Nguyên. Riêng với Nguyên, Toyota Classics có một cơ duyên đặc biệt.
Năm 2002, Nguyễn Hữu Nguyên cùng cậu em của mình, Nguyễn Hữu Khôi Nam, là hai người Việt duy nhất chơi violon trong dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp. Tại thời điểm đó dàn nhạc này chỉ có bốn người châu Á. Mùa hè năm ấy, Nguyễn Hữu Nguyên được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam mời làm solist trong chương trình do huyền thoại Colin Metters chỉ huy. Lối chơi đầy đam mê và kỹ thuật của Nguyên đã gây ấn tượng rất mạnh cho công chúng đến nỗi chương trình Toyota Classics diễn ra sau đó bốn tháng đã cháy vé dù vé bán chính thức vào thời điểm ấy khá đắt, 1 triệu đồng. Lần biểu diễn ấy, trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, Nguyên như thăng hoa cùng dàn nhạc Tây Ban Nha Calaques…
Lúc đó ít ai biết được rằng, để có thể trở về trong vinh quang như thế, chàng trai sinh năm 1972 tại Nha Trang này đã vất vả thế nào để có thể tồn tại được trong một trong những dàn nhạc giao hưởng lâu đời và uy tín bậc nhất của châu Âu. Năm 1991, Nguyên là một sinh viên nghèo du học tại Pháp, ăn ở nhờ tổ chức từ thiện Enfants du Mekong. Năm 1993, Nguyên tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne và thi vào được ngôi trường danh tiếng nhất nước Pháp, nổi tiếng thế giới là Nhạc viện Quốc gia Paris – CNSM Paris. Tại đây, để có thể theo học lâu dài, Nguyên đã phải đi đánh đàn ở những phòng trà nhưng không thường xuyên, chỗ Nguyên vẫn thường chơi là kéo vĩ cầm hằng đêm tại ga tàu điện ngầm.
Tại nhạc viện, Nguyên học với giáo sư Le Dizes, người phụ nữ đầu tiên đoạt giải nhất Concours Paganini, cuộc thi nổi tiếng nhất về violon. Nguyên tốt nghiệp năm 1997 nhưng lúc đó anh vẫn chưa thể trúng tuyển vào Dàn nhạc Quốc gia Pháp – ONF. Nguyên thi đến lần thứ ba mới đậu. Sau đó Nguyên được nhạc trưởng Kurt Masur chỉ định là violon solo số ba trong dàn nhạc. Đây chính là thành tích lớn nhất mà Nguyên giành được trên con đường âm nhạc của mình và suốt 10 năm qua anh đã cố gắng trở thành thành viên không thể thiếu của dàn nhạc và trở thành nghệ sĩ trong biên chế lâu dài của ONF. Năm 2001, tứ tấu dây của anh có tên Impresa với lối chơi mãnh liệt và lôi cuốn đã giành giải nhất tại cuộc thi Nhạc thính phòng danh tiếng FNAPEC của Pháp. Hiện Nguyễn Hữu Nguyên là violon số 1 của nhóm tứ tấu Darius, thường xuyên trình diễn tại nhiều chương trình có uy tín trên thế giới.
Gia đình Nguyên xuất thân là công chức không dư giả. Niềm đam mê âm nhạc của người cha đã truyền sang những người con và sau đó dệt ước mơ phấn đấu cho Nguyễn Hữu Nguyên. Năm 14 tuổi, Nguyên vào học tại Nhạc viện TP.HCM và ba năm sau, Nguyên đã giành giải nhất Tài năng trẻ violon (1989) và giải nhất violon Cuộc thi quốc gia âm nhạc Mùa thu (1990). Năm 1991, Maurice Bourgue,nghệ sĩ solo kèn hautbois nổi tiếng người Pháp, thuộc Dàn nhạc Berlin (duới sự chỉ huy của nhạc trưởng thiên tài Karajan) khi lưu diễn tại Việt Nam đã phát hiện ra Nguyên và giúp đỡ để Nguyên có thể tiếp tục theo học violon tại Pháp.
Trầm lặng và ít nói, Nguyên dồn mọi cảm xúc và tâm sự trong tiếng đàn. Lối chơi của Nguyên vừa nắn nót, vừa dàn trải, vừa ẩn khuất. Khán giả Việt Nam đã rất nhiều lần được chứng kiến tiếng đàn mê hoặc ấy chơi lại những tác phẩm của Beethoven, Mozart, Mendelssohn, Tchaikvoski, Glinka… Trong chương trình Toyota Classics 2013 tới đây, Nguyên sẽ lần đầu tiên chơi tác phẩm của Saint-Saëns và Pablo Sarasate tại Việt Nam. Các tác phẩm này đều mang nét tươi vui và được xem như những tác phẩm soạn cho violon một cách chuẩn mực và kinh điển.
Sau hơn 10 năm xuất hiện tại Toyota Classics, những tác phẩm mà Nguyễn Hữu Nguyên sẽ chơi trong đêm tới đây sẽ là món quà thật sự cho những công chúng yêu nhạc cổ điển, yêu tiếng đàn violon và sẽ hiểu thêm Nguyễn Hữu Nguyên, người luôn nỗ lực không mệt mỏi để chinh phục đam mê vô tận với âm nhạc.
[note color=”#b6b6b6″]Cùng biểu diễn trong chương trình Toyota Classics 2013 với cây vĩ cầm Việt Nam Nguyễn Hữu Nguyên là nghệ sĩ kèn trumpet tài hoa người Tây Ban Nha Manuel Blanco, dàn nhạc giao hưởng North Czech Teplice với nhạc trưởng bậc thầy người Canada Charles Olivieri Munroe. Đây là một trong những sự kiện âm nhạc được chờ đợi nhất trong năm đối với những khán thính giả yêu nhạc cổ điển. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình đều được sử dụng cho các mục đích từ thiện và kể từ năm 2009 được sử dụng cho Chương trình “Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam”.[/note]Nguyên Minh