Cách nay 20 năm (1997), cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã nổ ra và cách nay chín năm (2008) là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước đang phát triển đã vượt qua mà không phải chịu nhiều tổn thất. Nhưng những năm tiếp sau đó, Mỹ và châu Âu đã có một số sai lầm trong quản lý kinh tế và điều này có tác động bất lợi lên các nền kinh tế đang phát triển trong hiện tại cũng như tương lai gần. Theo nhà bình luận Yilmaz Akyuz, một cuộc khủng hoảng xảy ra sau năm 2018 sẽ là đợt sóng thứ ba tác động vào các nền kinh tế đang lên, sau khi đã tràn vào Mỹ và châu Âu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chính sách phản ứng lại cuộc khủng hoảng của Mỹ và châu Âu đang có những sai lầm. Chúng không đảm bảo được sự hồi phục nhanh mà còn làm nghiêm trọng thêm sự yếu kém của nền tài chính toàn cầu bằng cách tạo ra những khoản nợ khổng lồ và tình trạng lạm phát nặng nề cho các nền kinh tế đang phát triển.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính mới diễn ra, các nước đang phát triển sẽ bị tác động mạnh hơn so với năm 2008. Khả năng phục hồi nhanh của họ trước những cú sốc xuất phát từ bên ngoài nay trở nên yếu ớt hơn, do ba yếu tố: Thứ nhất, nhiều nền kinh tế đang phát triển bị lún sâu vào hệ thống tài chính quốc tế, dễ bị tổn thương mới và bị tác động bởi những chấn động từ bên ngoài. Các tập đoàn kinh tế của các nước này đang gánh những khoản nợ khổng lồ, lên tới 25 ngàn tỉ USD, bằng 95% GDP của họ, riêng khoản nợ bằng đồng USD của các nền kinh tế đang lên đã tăng từ 500 tỉ USD năm 2008 lên 1.250 tỉ USD năm 2016, dẫn đến những nguy cơ về lãi suất và tiền tệ. Thứ hai, từ sau cuộc khủng hoảng, sự cân bằng về tiền tệ và tài sản của nhiều nước đang phát triển bị suy yếu trầm trọng, các khoản dự trữ ngoại tệ hình thành từ các dòng vốn trong nước nhiều hơn là từ các khoản xuất siêu trong ngoại thương. Cuối cùng, nhóm nước đang phát triển hiện có ít sự chọn lựa hơn về chính sách kinh tế cần thiết cho việc đối phó với nguy cơ xuất phát từ bên ngoài. Chính sách thuế khóa nhằm khắc phục các cú sốc về lạm phát sẽ bị hạn chế tác dụng so với năm 2009, sự tự chủ về chính sách tiền tệ và khả năng kiểm soát lãi suất bị suy yếu do sự gia nhập sâu hơn vào nền tài chính toàn cầu.
Akyuz cho rằng phần lớn các nền kinh tế đang phát triển đang ở vào tình trạng tế nhị như vào các thập niên 1970 và 1980, khi cuộc khủng hoảng nợ nần nổ ra buộc họ phải trả giá bằng 10 năm phát triển.
Bàn về giải pháp cho các nền kinh tế đang phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay, các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng cần có sự cải tổ toàn cầu để ngăn chặn tình trạng chính sách kinh tế sai lầm của các nước phát triển ảnh hưởng mạnh lên các nền kinh tế đang phát triển. Trong quá khứ, đã có nhiều đề xuất cải tổ nhưng hầu như không có đề xuất nào được thực hiện do sự chống đối của các nước phát triển. Vì vậy, khi một cuộc khủng hoảng tài chính mới nổ ra, các nước đang phát triển sẽ có ít thuận lợi trong việc đối phó hơn so với năm 2008.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Trung Quốc đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính
- Nguy cơ đợt sóng thứ ba của khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Lo ngại khủng hoảng tài chính sau sắc lệnh ngân hàng của Donald Trump