Sau giai đoạn khởi đầu năm khá tích cực, người tiêu dùng Đức ngày càng kém lạc quan trước khi bước vào tháng 4/2019, bất chấp triển vọng tăng trưởng phục hồi và thị trường lao động khởi sắc.
Theo kết quả khảo sát công bố ngày 26/3 của Viện nghiên cứu thị trường GfK (Đức), chỉ số lòng tin tiêu dùng đối với tháng 4/2019 chỉ đạt mức 10,4 điểm, giảm so với mức 10,7 điểm của tháng Ba. GfK nêu rõ khoảng cách giữa kỳ vọng của người tiêu dùng về sự thay đổi các điều kiện kinh tế và các điều kiện liên quan tới thu nhập một lần nữa đã thu hẹp, giữa bối cảnh thị trường lao động diễn biến tích cực.
Theo GfK, chỉ số về triển vọng kinh tế Đức trong tháng Tư tới đứng ở mức 11,2 điểm, tăng 7 điểm so với tháng Ba, chấm dứt chuỗi giảm năm tháng liên tiếp. Trong khi đó, báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo) cũng cho thấy, chỉ số lòng tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã tăng trong tháng 3/2019, sau khi chứng kiến sáu tháng giảm liên tiếp, còn chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này cũng tăng từ 98,7 điểm lên 99,6 điểm trong tháng Ba này.
Những người tham gia cuộc khảo sát của GfK không cho rằng Đức sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong năm nay, song dự đoán nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Hội đồng cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức hồi tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay xuống 0,8%.
Một nhân tố khác tác động tới kết quả khảo sát của GfK là sự sụt giảm cả về kỳ vọng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân dự kiến vẫn sẽ là động lực hỗ trợ cho nền kinh tế Đức, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức thấp kỷ lục. Song, điều này vẫn phụ thuộc khá lớn vào tâm lý người tiêu dùng khi các cuộc đàm phán về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn dai dẳng, cũng như tình hình căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU.