Sau khi tác phẩm Ba nghiên cứu về Lucian Freud của Francis Bacon được bán với giá 142,2 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York ngày 12-11 (*), báo chí phương Tây đã truy tìm người mua ẩn danh bức tranh cao giá nhất đó.
Đến nay người ta đã có thể xác định được tên tuổi nhân vật: Quận chúa Mayassa bint Hamad al-Thani, em gái của Quốc vương Hamad bin Khalifa Al-Thani xứ dầu mỏ Qatar.
Trong phiên đấu giá lịch sử ngày 12-11-2013, về danh chính thì gallery có uy tín lớn ở New York là Acquavella đã xướng cái giá cao nhất nhưng ai cũng biết phòng tranh ấy chỉ là người đại diện cho chủ nhân mới của bức triptych Ba nghiên cứu về Lucian Freud. Vài ngày sau, tờ New York Post đã dẫn “nhiều nguồn thông tin” để khẳng định tên tuổi của người mua ẩn danh dù đại sứ quán Qatar tại Washington và chủ nhân gallery Acquavella đều từ chối bình luận về thông tin của tờ báo.
Trong những năm vừa qua, vị quận chúa xứ Qatar đã nổi tiếng là người chi tiêu mạnh tay nhất trong số những nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật hàng đầu thế giới và hiện được coi là nhân vật quyền lực nhất trong làng mỹ thuật toàn cầu; người đang nắm giữ một ngân sách khổng lồ của hoàng gia Qatar và sẵn sàng vung những khoản tiền lớn nhất tại những phiên đấu giá quốc tế để mua sắm tác phẩm mỹ thuật nhằm biến đất nước nhỏ bé ở Trung Đông thành một cường quốc về mặt văn hóa – nghệ thuật. Được chọn để tổ chức vòng chung kết World Cup 2022, Qatar càng muốn khuếch trương, quảng bá hình ảnh của mình bằng nhiều cách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực mỹ thuật. Cũng theo các nguồn tin báo chí phương Tây, Quận chúa Mayassa được quyền chi tiêu tới 1 tỉ USD mỗi năm để làm giàu kho tàng tác phẩm mỹ thuật của Qatar.
Trong danh sách những hạng mục công trình phải xây dựng cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2022, ngoài các sân vận động còn có các thiết chế văn hóa nghệ thuật, mà mới nhất trong danh sách đang ngày càng tăng này là một bảo tàng mỹ thuật, theo dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2016 để đón khách thưởng ngoạn kho báu nghệ thuật của Qatar. Bảo tàng mới đó sẽ gia nhập vào hệ thống của QMA (Qatar Museums Authority) gồm Bảo tàng quốc gia Qatar (đang xây dựng), Bảo tàng mỹ thuật Hồi giáo, Bảo tàng Ả Rập về Mỹ thuật hiện đại và Bảo tàng nghiên cứu phương Đông mà người lãnh đạo tối cao của QMA không ai khác hơn là vị quận chúa 30 tuổi xinh đẹp.
Dù là một phụ nữ Hồi giáo nhưng Quận chúa Mayassa được đào tạo tại Mỹ và Pháp. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về chính trị và văn chương tại Đại học Duke (bang North Carolina, Mỹ) năm 2005, cô đến New York để tiếp tục học chương trình cao học tại Đại học Columbia danh tiếng. Trước đó, cô đã sang Pháp để học tại Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne và Học viện Chính trị Paris trong năm học 2003-2004. Rời nước Mỹ với bằng thạc sĩ, Quận chúa Mayassa trở về quê nhà để lãnh đạo QMA. Từ ngày đó, giới sưu tập và các nhà buôn tranh có máu mặt đã biết đến “người phụ nữ quyền lực nhất” trong lĩnh vực này khi mà cô (hoặc công khai hoặc ẩn danh) đã lần lượt đưa về thủ đô Doha của Qatar các tác phẩm đắt giá của Picasso, Mark Rothko, Richard Serra, Roy Lichtenstein, Francis Bacon, Andy Warhol, Damien Hirst, Jeff Koons…
Năm 2011, tạp chí Vanity Fair đã đưa một tin chấn động: bức tranh Người đánh bài của Paul Cézanne thuộc một sưu tập tư nhân đã được bán cho Hoàng gia Qatar với cái giá không tưởng 250 triệu USD. Do tác phẩm này không được đưa lên sàn đấu giá nên thông tin ấy cho tới nay vẫn còn là một bí mật giữa người bán và kẻ mua. Xê-ri tranh Người đánh bài của Cézanne có tất cả năm bức, bốn bức kia hiện thuộc về Bảo tàng Orsay ở Paris, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Viện Mỹ thuật Courtauld ở London và Quỹ Barnes Foundation ở Philadelphia.
Với vị trí quan trọng cùng những gì cô đã thực hiện cho Qatar trong lĩnh vực mỹ thuật, tạp chí ArtReview đã xếp Quận chúa Mayassa ở vị trí số 1 trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với hoạt động mỹ thuật toàn thế giới năm 2013. Trước đó, năm 2011, cô mới được xếp ở vị trí thứ 90, đến năm 2012 đã nhảy lên thứ 11 trong danh sách.
(*) Xem DNSGCT số 533
- Lê Bản