Vào tinh mơ ngày 20-5-2010, một tên đạo chích đã đột nhập Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, một trong những thiết chế mỹ thuật đẹp nhất ở Paris, ở gần tháp Eiffel. Hắn lấy đi năm bức tranh của các tác giả Amedeo Modigliani, Fernand Léger, Georges Braque, Henri Matisse và Pablo Picasso mà tổng trị giá thị trường lên đến trên 110 triệu USD. Vjeran Tomic, thủ phạm của vụ trộm, năm nay 49 tuổi, được báo chí Pháp gọi là “người nhện” vì cách hắn thực hiện không chỉ vụ đột nhập Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại mà còn nhiều vụ khác.
Được so sánh với “tên trộm thế kỷ” Arsène Lupin, nhân vật hư cấu trong loạt tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Pháp Maurice Leblanc(*), Vjeran Tomic có kỹ thuật nhào lộn như làm xiếc, thường sử dụng một chiếc nỏ để bắn dây đu, những chiếc móc lò xo và mặc bộ áo giáp, che kín mặt khi đi “ăn hàng”. Bằng những công cụ đó và tài nhào lộn, đu dây, Vjeran Tomic đã đột nhập nhiều căn hộ sang trọng ở Paris để trộm tài sản quý giá. Năm 2000, hắn đã lấy đi hai bức tranh của August Renoir và Georges Braque từ hai căn hộ. Trước khi bị bắt, Vjeran Tomic đã thực hiện tổng cộng 14 vụ trộm tài sản bằng kỹ năng của “người nhện”.
Sinh tại Paris, Vjeran Tomic lớn lên ở Bosnia – Herzegovina, khi đó còn là thành phần của Liên bang Nam Tư cũ; cũng chính ở đó hắn đã học nghề đạo tặc. Năm 11 tuổi, Tomic trở lại Paris, bắt đầu luyện tập nhào lộn bằng cách leo qua các bức tường gần nghĩa trang Père Lachaise, sau đó nhảy từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Nhập ngũ, vào quân đội Pháp càng giúp cho Tomic hoàn thiện các kỹ năng leo trèo để “hành nghề” sau này. Trở lại với vụ trộm năm bức tranh quý, trong phiên tòa xử Tomic và hai đồng phạm vào ngày 20-2-2017 vừa qua, “người nhện” đã khai ban đầu hắn chỉ có ý định lấy đi bức tranh Tĩnh vật với giá đỡ nến của Léger (được vẽ năm 1922), thế nhưng hắn đã quyết định lấy thêm bốn bức khác vì còn dư nhiều thời gian sau khi biết hệ thống báo động của bảo tàng không hoạt động gì cả! Thế là lần lượt các bức Chim câu với những hạt đậu của Picasso(1911), Thôn dã của Matisse (1905), Cây olive gần cảng Estaque của Braque (1906) và Thiếu phụ với chiếc quạt của Modigliani (1919) cùng chung số phận với tác phẩm của Léger. Sau khi phiên tòa kết thúc và trước khi về nhà tù, kẻ trộm nói với các phóng viên dự phiên tòa rằng, bức tranh của Matisse “tiêu biểu cho tuổi trẻ” của hắn. “Người nhện” còn huênh hoang: “Đây là phi vụ dễ dàng nhất và thành công nhất của tôi”.
Thật ra, thành công của Vjeran Tomic trong vụ trộm tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris không hoàn toàn do “tài nghệ” của “người nhện” mà còn bởi sự quá lỏng lẻo về an ninh và sự khinh suất đến độ ngớ ngẩn của nhân viên bảo tàng. Năm bức tranh được phát hiện không cánh mà bay khỏi bảo tàng lúc 7 giờ sáng ngày 20-5-2010. Khi biết tin dữ, ba nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ tuần tra trong đêm trước đó đều chết lặng; họ nói với các điều tra viên là “không nhìn thấy gì cả”. Cuộc điều tra của cảnh sát còn phát hiện các máy dò sự chuyển động tại khu vực có tranh bị trộm đã không còn hoạt động từ hai tháng trước đó. Chưa hết, các vị trí báo động của bảo tàng lại gặp trục trặc, dẫn tới nhiều vụ báo động sai lệch và những người có trách nhiệm tại bảo tàng đã vô hiệu hóa chúng từ trước khi có vụ trộm để sửa chữa, nhưng chưa kịp làm thì “người nhện” đã ra tay! Và trong đêm diễn ra vụ trộm, toàn bộ camera quan sát bên ngoài của bảo tàng tập trung vào mái nhà, buông lỏng hoàn toàn các hoạt động diễn ra từ phía con đường tiếp giáp với bảo tàng. Khoảng 4 giờ sáng, Vjeran Tomic cắt một ổ khóa, đập vỡ kính cửa sổ tầng trệt của tòa nhà, thoải mái chui vào bảo tàng thực hiện phi vụ. Hắn tốn khoảng 15 phút để tháo năm bức tranh khỏi khung treo trên tường, cho vào một bọc lớn rồi tẩu thoát bằng chính cửa sổ lúc vào. Các nhà điều tra tin rằng trong thời gian tên trộm ăn hàng thì các nhân viên bảo vệ đều ngủ say!
Tại phiên tòa xử vụ trộm, Vjeran Tomic đã bị kết án tám năm tù giam, hai đồng phạm là tay buôn cổ vật Michel Corvez, 61 tuổi, bị tuyên bảy năm tù vì vai trò của ông ta trong vụ trộm cũng như đã cất giấu các bức tranh; Yonathan Birn, 40 tuổi, thợ sửa khóa bị tuyên sáu năm tù vì tội đã cất giấu các bức tranh sau đó. Hai đồng phạm bị phạt mỗi người 150.000 euro còn Tomic bị phạt 200.000 euro. Cả ba can phạm có trách nhiệm bồi thường cho Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại 104 triệu euro, trị giá của năm bức tranh mà thật đáng buồn là cho tới nay vẫn biệt vô âm tín! Dù kẻ có tội đã lãnh án, thế nhưng vẫn còn những bí ẩn chung quanh năm tác phẩm hội họa bị Tomic lấy đi khỏi bảo tàng. Người ta không rõ liệu chúng đã bị bán đi, hoặc được cất giấu ở một nơi an toàn nào đó, hay trong một kịch bản tồi tệ nhất là chúng đã bị hủy hoại để bịt mọi đầu mối, như lời khai của một trong ba bị cáo trước tòa. Nếu như thế thì đau lòng quá! Vào năm 2011, trong cuộc điều tra đang được tiến hành có một nghi can cho cảnh sát biết ông ta đã ném năm bức tranh vào bãi rác, sau đó chúng đã bị máy ép rác nghiền nát. Tuy nhiên, lời khai này sau đó đã được chứng minh là không có căn cứ.
Mất bò mới lo làm chuồng: từ sau vụ trộm ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, thành phố Paris đã nâng cấp hệ thống an ninh của 14 bảo tàng trực thuộc. Có một số bảo tàng đặc biệt, như Bảo tàng Louvre, được đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Pháp. Không riêng gì ở nước Pháp, bất chấp những hệ thống an ninh, báo động tiên tiến nhất của bảo tàng ở một số quốc gia khác, vẫn có những vụ trộm cướp tranh tày trời, như vụ đánh cướp hai bức tranh của Edvard Munch tại bảo tàng mang tên nhà danh họa ở Oslo (Na Uy) vào ngày 22-8-2004. Hôm đó, giữa ban ngày ban mặt, bọn cướp bịt mặt có vũ trang đã xông vào bảo tàng, lấy đi bức Tiếng thét và bức Madonna. Thật may mắn là vào ngày 31-8-2006, cảnh sát Na Uy đã tìm thấy được hai bảo vật này.
(*) Cùng thời với nhà văn Anh Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật thám tử Sherlock Holmes, Maurice Leblanc (1864-1941) đã sáng tạo Arsène Lupin – một nhân vật có tầm phổ biến rộng khắp và lâu dài ở các nước nói tiếng Pháp, giống như Sherlock Holmes ở các nước nói tiếng Anh. Nhiều truyện về Arsène Lupin của Maurice Leblanc đã được dựng thành phim truyền hình, phim điện ảnh… “Siêu đạo chích” Arsène Lupin có tài hóa trang và là một tên trộm quý tộc, chuyên trộm đồ của giới nhà giàu trong khi núp bóng một quý ông lịch thiệp
- Lê Bản
Xem thêm:
Bộ sưu tập bạc tỉ USD của Steve Cohen
Di sản nghệ thuật của Victor Tardieu
“Bốn mùa” của Arcimboldo từ tranh đến tượng